60 năm Yên Bái làm theo lời Bác
Cụ Hoàng Văn Ngân năm nay 83 tuổi đã phải chống gậy, sức đã yếu lắm nhưng sáng nay cụ rất phấn khởi, gương mặt mãn nguyện cùng dân làng cuốc bộ lên cầu Bách Lẫm trong buổi khánh thành cây cầu dây văng hiện đại mà cụ chưa từng thấy bao giờ, nối thành phố Yên Bái qua sông Hồng sang làng Giới Phiên.
Không còn nữa những con đò nhỏ bé nhọc nhằn qua sông. Cụ Ngân xúc động nhớ về bức tranh vùng đất nghèo thuở nào khi Bác Hồ đến thăm 60 năm trước, qua tiếng loa phóng thanh cụ Ngân còn nhớ lời Bác căn dặn người dân Yên Bái đoàn kết nhau xóa đói, giảm nghèo.
Bàn tay xòe năm ngón ra sẽ dễ bị bẻ, bàn tay nắm chắc lại thì ai bẻ được, lời Bác dặn còn đó ngấm vào tâm khảm, người dân Giới Phiên làng cụ và bên ven sông thành phố đồng thuận nhường lại mặt bằng cho cây cầu hiện đại ra đời. Giờ những chuyến xe vun vút qua cầu, chỉ hai mươi giây để đi từ làng sang phố, cả đời cụ Ngân có lẽ chả thể ước mơ đến câu chuyện có thật này.
Không chỉ cụ Ngân, nhiều người dân Yên Bái cũng không dám mơ đến một ngày thành phố Yên Bái hôm nay với quy hoạch mở rộng đã có 4 cây cầu lớn trong tổng số 6 cây cầu vững chắc của tỉnh bắc qua sông Hồng.
Những cây cầu hiện đại không chỉ đáp đáp ứng khát vọng ngàn đời của người dân sống hai bên tả ngạn, hữu ngạn sông Hồng mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược của tỉnh này hướng tới mục tiêu mở rộng không gian đô thị, thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển trong tương lai.
Diện mạo thủ phủ cũ của tỉnh Hoàng Liên Sơn giờ đã thay đổi hoàn toàn, có kết cấu đồng bộ trên lộ trình trở thành đô thị loại II mang sinh thái đặc trưng, xanh, văn minh, hiện đại, phát triển thương mại, dịch vụ chỉ ít năm nữa.
Những năm đầu hòa bình lập lại, không chỉ hàng vạn hộ dân Yên Bái rời bỏ nhà cửa, quê hương để nhường đất cho công trình thủy điện Thác Bà, đứa con đầu lòng của ngành thủy điện Việt Nam, mà còn góp sức, xương máu bảo vệ công trình - nền tảng cơ sở vật chất, kỹ thuật quan trọng đầu tiên phục vụ công cuộc điện khí hóa Việt Nam, khởi đầu cho những sông Đà, Yaly, Sơn La, Lai Châu bừng sáng về sau…
Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải – điểm đến của hàng trăn ngàn lượt du khách hằng năm.
Yên Bái cũng chính là hậu phương lớn, đã có hàng vạn thanh niên các dân tộc tòng quân đánh giặc, hàng nghìn người con thân yêu của quê hương này đã hy sinh anh dũng vì các cuộc chiến tranh vệ quốc.
Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, mặc dù phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, song Yên Bái đã trở thành một trong những địa phương đi đầu trong cụm tỉnh miền núi phía Bắc có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 12%, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt gần 30 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 16%.
Từ địa phương đói nghèo có lối canh tác theo tập quán tự nhiên, đến nay Yên Bái đã có nền nông nghiệp khá phát triển với tổng sản lượng lương thực đạt trên 300.000 tấn, bình quân lương thực đầu người đã đạt 320 kg/năm, đã hình thành vùng chuyên canh lúa, chè, quế, cây ăn quả, cây lâm nghiệp…
Vùng lòng hồ Thác Bà đã có tới hơn 1.200 lồng cá nuôi rất phát triển mang lại nguồn thu lớn cho hàng ngàn người dân. Vùng quế Văn Yên với hơn 40.000ha đã đưa sản phẩm tinh dầu quế xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Vùng chè Văn Chấn, Trấn Yên đạt hàng chục ngàn tấn búp tươi mỗi năm. Đến hết năm nay, Yên Bái sẽ có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Nếu thời điểm Bác về thăm 1958, nền công nghiệp Yên Bái chỉ là con số 0, thì đến nay đã dẫn đầu khu vực về giá trị sản xuất công nghiệp. Năm 2017, con số này đã đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng so với 5 năm về trước. Hiện toàn tỉnh có hơn 7.000 cơ sở sản xuất công nghiệp; có khu, cụm công nghiệp với diện tích đất quy hoạch hơn 2.000 ha.
Những sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh như xi-măng,bột đá, nguyên liệu gốm sứ và nhiều mặt hàng nông, lâm sản đã có thương hiệu ở nhiều thị trường trong nước và quốc tế... Năm 2018, tổng thu ngân sách Yên Bái dự kiến đạt 2.900 tỷ đồng và đưa Yên Bái chính thức vào danh sách "Câu lạc bộ các tỉnh có số thu ngân sách hàng năm đạt từ 2.000 tỷ trở lên.”
Ngoài gần 7.000 km đường bộ được phân bổ hợp lý, thuận tiện đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân, Yên Bái đã cơ bản hoàn thành hệ thống tuyến chiến lược nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai và là một trong số những tỉnh đi đầu cả nước về xây dựng giao thông nông thôn.
Từ một thị xã nhỏ bé bị chiến tranh hủy diệt điêu tàn, Yên Bái đã vươn lên trở thành thành phố có hàng chục ngõ phố khang trang với quy hoạch tổng thể hiện đại, dáng vóc trẻ trung với hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang, xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Hiện nay, toàn tỉnh có 432 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông quy mô 6.688 lớp với gần 210 nghìn học sinh. Không chỉ sớm đạt chuẩn phổ cập tiểu học và trung học cơ sở mà trong những năm gần đây Yên Bái còn vươn lên trở thành một trong số những địa phương đứng ở tốp đầu trong khu vực về giáo dục, đào tạo. Hệ thống y tế trên địa bản tỉnh đã phát triển mạnh tới tận thôn bản, với tỷ lệ gần 9 bác sĩ/1 vạn dân, 99 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, bảo đảm nhu cầu chất lượng khám chữa bệnh. Tỉnh cũng có bệnh viện đa khoa hiện đại đáp ứng hơn 600 giường bệnh.
Yên Bái là một tỉnh có nền nông nghiệp phát triển dù phải chịu đựng nhiều thiên tai.
Chỉ vài năm qua, địa phương này đã giảm và thu gọn được 383 đầu mối và tổ chức bên trong các cơ quan, đơn vị, tinh giản được 3.756 biên chế, tiết kiệm được khoảng 925 tỷ đồng, và tỉnh này không phải rót thêm nguồn lực đầu tư xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị làm việc – góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách.
Hành trình 60 năm hiện thực hóa lời dạy của Người, dẫu còn nhiều khó khăn thách thức, còn nhiều việc phải làm, song truyền thống Anh hùng cộng với những thành công trong công cuộc đổi mới sẽ là động lực để Yên Bái tiếp tục vững bước đi lên hoàn thiện mục tiêu mà Bác Hồ đã căn dặn là xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển toàn diện, bền vững nơi cửa ngõ Tây Bắc.
Yên Bái đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận những thành tích, phong tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và Huân chương Hồ Chí Minh; 251 mẹ được phong tặng, truy tặng "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; 31 tập thể và 6 cá nhân được tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; hàng chục tập thể và cá nhân được tặng danh hiệu "Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”; hàng ngàn tập thể, cá nhan được huân, huy chương và nhiều phần thưởng cao quý khác – nguồn động viên, cổ vũ, khích lệ to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.
Ai đầu tư vào Yên Bái, người đó là công dân Yên Bái!
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 23 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 440 triệu USD. Chỉ 6 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đã ước đạt 4.627 tỷ đồng. Những con số cho thấy bức tranh đầu tư đáng được ghi nhận khu vực miền núi phía Bắc.
Liên tục 6 năm qua, hàng loạt "ông lớn” đã tìm đến Yên Bái như một địa chỉ giàu tiềm năng và lợi thế. Khi tập đoàn Vingroup chọn Yên Bái để xây dựng Dự án Trung tâm thương mại với tổng vốn 700 tỷ đồng, đã nâng cao vị thế thương mại cho thành phố Yên Bái lên nhiều bậc, được xem là địa chỉ cung cấp dịch vụ mua sắm, giải trí chất lượng tốt nhất cho người dân tỉnh này.
Một góc thành phố Yên Bái ngày nay.
Theo ông Tạ Văn Long - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái, khi Công ty EDGE GLASS Hàn Quốc khởi công Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và kính cường lực điện thoại di động với vốn gần 5.000 tỷ đồng, đã thể hiện thành quả nhiều năm nỗ lực thu hút đầu tư.
Ông Đỗ Đức Duy – Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái khẳng định Yên Bái luôn cam kết và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các tập đoàn, doanh nghiệp đến với tỉnh này, và mảnh đất giầu tiềm năng, mến khách luôn có phương châm "Các nhà đầu tư đến Yên Bái là công dân Yên Bái, sự thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh”.
Chỉ tính riêng năm 2017, tỉnh đã có 44 dự án với tổng vốn đầu tư gần 16.000 tỷ đồng (trong đó, Hoa Sen 2.731 tỷ đồng, Tập đoàn Chân - Thiện - Mỹ gần 5.000 tỷ đồng).
Bung sức, cởi mở và mạnh dạn giải pháp mời gọi đầu tư độc đáo, Yên Bái đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến không chỉ tại tỉnh, tại Hà Nội, thậm chí ở cả nước ngoài, gặp gỡ, làm việc với hàng chục các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Italia, Đài Loan...
Sự kiện Tập đoàn Hoa Sen khởi công Khu trung tâm thương mại, tại Yên Bái vào cuối tháng 5/2016 đã đánh dấu bước ngoặt đặc biệt với vốn "khủng” nhất đã rót đến thời điểm này, được kỳ vọng là đòn bẩy phát triển.
Theo Chủ tịch HĐQT Hoa Sen Group Lê Phước Vũ, sau vài năm ấp ủ và qua nhiều lần khảo sát thực tế, Hoa Sen nhận thấy Yên Bái giàu tiềm năng khai thác và phát triển ngành dịch vụ du lịch. "Với diện tích 1,5 ha, tỉnh đã cam kết bồi thường giải tỏa trong vài tháng. Hoa Sen đã phải thấy khá bất ngờ với thời gian ngắn thế mà có thể bồi thường giải tỏa giao đất sạch cho nhà đầu tư. Đây là một trong số ít địa phương có thể làm được việc này.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái - Phạm Thị Thanh Trà, luôn nhấn mạnh thông điệp "Yên Bái sẽ ứng xử với doanh nghiệp bằng cả tấm lòng, bằng sự minh bạch trong môi trường kinh doanh”. Cái quyết tâm của người đứng đầu, cùng với các chính sách cải cách thủ tục, cải thiện môi trường đầu tư. Không phải ngẫu nhiên mà Yên Bái trở thành điểm đến mới của những dự án FDI.
Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, thủ tục nhanh, và mạnh dạn ra nước ngoài tìm nhà đầu tư – tất cả là chùm chìa khóa vàng đưa Yên Bái lọt top 30-40 trong bảng xếp hạng cạnh tranh cấp tỉnh. Mặc dù vừa qua, Solkiss - một tập đoàn đến từ Hàn Quốc chưa thành công xây dựng nhà máy điện sạch từ năng lượng mặt trời trên hồ Thác Bà (tổng vốn 25.000 tỷ đồng), nhưng cũng là dấu ấn của mối quan hệ với Hàn Quốc và thể hiện sự nỗ lực của Yên Bái khi mời gọi ông lớn có trình độ cao và tiềm lực mạnh.
Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao nhất ở một tỉnh của Việt Nam dẫn đầu đoàn công tác tổ chức xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, thể hiện rõ quyết tâm của Yên Bái trong việc hợp tác thu hút đầu tư. Thành quả "tỷ đô” từ cách xúc tiến độc đáo đã thể hiện rõ nét khi Kinetic (điện sạch khí nén Hoa Kỳ, 297 triệu USD), Nippon Zoki (nuôi thỏ công nghệ cao Nhật Bản, 78,6 triệu USD), Han Kook Pharmed (y tế và linh kiện điện tử Hàn Quốc, 620 triệu USD)… đã cùng nhau hiện diện tại Yên Bái.
Đánh giá những những nỗ lực không ngừng của Yên Bái khi đang tiếp tục thu hút thêm nhiều dự án đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, ai đó đã nói rằng Yên Bái đang xứng đáng trên con đường hướng lên vị thế của Ngôi sao Tây Bắc - so sánh với nhiều tỉnh trong vùng khi địa phương này còn khó khăn nơi địa hình đồi núi chia cắt, giao thông có phần hạn chế và đặc biệt thường xuyên phải hứng chịu hậu quả thiên tai ở vùng miền Tây.
Hiện một số nhà đầu tư lớn đang đề xuất được lập các dự án đầu tư, như: Tập đoàn APEC, Công ty CP đầu tư xây dựng Thiên Hà Group, Công ty cổ phần Toàn Cầu TMS, trong đó phải kể đến những dự án từ tiềm năng du lịch sinh thái ở đầm Vân Hội, hồ Thác Bà đang hứa hẹn sự góp mặt của TH Truth Milk và ANPHANAM khi đã tìm đến nghiên cứu, khảo sát.
Tiềm năng du lịch được đánh thức
Thực ra không phải đến khi ruộng bậc thang Mù Cang Chải lọt top danh thắng đẹp nhất trên thế giới thì Yên Bái mới thực sự quan tâm đến tiềm năng du lịch. Nhiều năm qua tỉnh đã rất coi trọng lợi thế này để nó trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Có thể kể đến sự quan tâm đặc biệt của Yên Bái khi nỗ lực tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư đến với vùng hồ Thác Bà, nơi có hơn 1.300 hòn đảo xanh nằm ở vùng lòng hồ đẹp như tranh vẽ. Năm ngoái đã có hơn 500 ngàn lượt khách trong nước và quốc tế đến với Yên Bái.
Vòng đại xòe Thái ở thung lũng Mường Lò, nét văn hóa độc đáo giàu bản sắc.
Ngày nay du khách đã có thể tận hưởng những "đêm trăng hồ Thác” hay du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá ở đây mà khó có địa chỉ nào đạt trải nghiệm tương tự. Khu nghỉ dưỡng Tân Hương, Lavie Vũ Linh, Ruby…, và tới đây một tổng thể quy hoạch du lịch quốc gia sẽ mang tới cho bất cứ ai du lịch đến với Yên Bái phải hài lòng về một "Hạ Long trên núi”.
Và gương mặt Tập đoàn ANPHANAM đang hiện diện đầu tư cho thấy tiềm năng du lịch hồ Thác đang bước lên diện mạo mới.
Du lịch tâm linh Đông Cuông hay lưu trú tại thành phố Yên Bái với hàng chục khách sạn đẹp, phía miền Tây của Yên Bái cũng đã từ lâu đánh thức các tiềm năng, lợi thế. Có thể kể đến Khu du lịch sinh thái Ecolodge tại bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải.
Khu du lịch gồm 5 ngôi nhà được thiết kế kết hợp giữa kiến trúc mái nhà truyền thống của người Mông lợp bằng gỗ thông và nếp nhà sàn của người Thái, thu hút lượng lớn du khách quốc tế từ các nước Pháp, Anh, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản; trong đó, khách Pháp chiếm 50%.
Hay Khu du lịch sinh thái Tú Lệ tại huyện Văn Chấn và các khu tham quan du lịch tại Mù Cang Chải của Công ty cổ phần Phát triển du lịch xanh Thịnh Đạt đang mọc lên giữa vòng tour du lịch sinh thái Tú Lệ, thác nước Pú Cang, Thác Mơ Mồ Dề, bay dù Khau Phạ, thăm động Tiên Nữ, bãi đá cổ Lao Chải…
Được biết đến năm 2025, Yên Bái huy động trên 11.000 tỷ đồng vốn đầu tư hạ tầng du lịch và các thiết chế văn hóa; trong đó, thu hút nguồn vốn doanh nghiệp và xã hội hóa là 10.000 tỷ đồng. Tới đây, con đường 1.200 tỷ đồng nối từ thị trấn Mậu A vào thị xã Nghĩa Lộ sẽ được khởi công, không chỉ tạo sức sống kinh tế cho vùng quế Văn Yên, mà được coi là lộ trình du phượt đẹp nhất Yên Bái đưa khách đến với làn xòe Thái ở thung lũng Mường Lò, góp phần đưa Yên Bái trở thành điểm dừng chân xứng đáng trong hành trình du lịch Tây Bắc.
Tùng Duy – Thu Thủy – Thanh Miền