Theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng: Thi đua là hoạt động có tổ chức với sự tham gia tự nguyện của cá nhân, tập thể nhằm phấn đấu đạt được thành tích tốt nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khen thưởng là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng và khuyến khích bằng lợi ích vật chất, tinh thần đối với cá nhân, tập thể có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với phong trào thi đua yêu nước nói chung, công tác thi đua, khen thưởng trong Đảng đã trở thành động lực khuyến khích các tổ chức đảng và đảng viên phấn đấu, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều tổ chức đảng và đảng viên liên tục là tấm gương tiêu biểu, được nhân dân ghi nhận, tôn vinh, được Đảng và Nhà nước tặng huân, huy chương và các danh hiệu vinh danh.
Nhằm tăng cường hiệu quả sát thực phong trào thi đua, các cơ quan, đơn vị của Đảng đã phát động thi đua theo chuyên đề, thi đua theo đợt với các khẩu hiệu, nội dung thiết thực đạt chất lượng, hiệu quả. Có phong trào thi đua đã trở thành truyền thống từ nhiều năm, được tổng kết, tôn vinh và phát triển sâu rộng trong phạm vi toàn quốc: các phong trào thi đua gắn với "học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phong trào thi đua "Dân vận khéo” của Ban Dân vận Trung ương; Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) do Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức; phong trào thi đua "Tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý có hiệu quả các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm về nội chính, tham nhũng” của Ban Nội chính Trung ương. Những cuộc thi bí thư chi bộ giỏi được tổ chức trong nhiều năm đã khơi dậy phong trào học tập, trao đổi kinh nghiệm từ cơ sở có tác dụng rất thiết thực, đem lại hiệu quả trong sinh hoạt đảng.
Việc tổ chức thực hiện các quy định của Đảng về khen thưởng đối với tổ chức đảng và đảng viên, nhất là từ sau khi có Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW ngày 25-9-2014 của Ban Tổ chức Trung ương về đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ), đảng viên đã và đang phát huy tốt, có tác dụng khích lệ, động viên kịp thời những tổ chức đảng và đảng viên có thành tích xuất sắc, nêu gương tốt cho các tổ chức đảng và đảng viên khác phấn đấu, vươn lên, đồng thời có tác dụng hạn chế những yếu kém cần khắc phục. Chẳng hạn, năm 2015, toàn Đảng có 56.257 TCCSĐ được đánh giá, phân loại chất lượng, chiếm 99,5%, số TCCSĐ trong sạch, vững mạnh (TSVM) là 32.959, chiếm 58,6%, TSVM tiêu biểu, chiếm 26%, số đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm 16,2%.
Việc xét thi đua, khen thưởng, đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên ngày càng thực chất, hạn chế chạy theo thành tích. Năm 2016 có 31.911 TCCSĐ đạt TSVM, chiếm 56,3% (giảm 2,2% so với năm 2015, giảm 5,6% so với năm 2014 và giảm 21,4% so với năm 2013). Số đảng bộ trực thuộc Trung ương có số lượng TCCSĐ đạt TSVM giảm nhiều so với năm 2014 là: Sóc Trăng giảm 33,3%; Bình Dương giảm 25,7%; Công an Trung ương giảm 18,6%. Số TCCSĐ đạt TSVM tiêu biểu giảm liên tục qua các năm (năm 2016 có 8.294, chiếm 25,99%, giảm 273 đảng bộ, chi bộ cơ sở so với năm 2015 và giảm 1.264 đảng bộ, chi bộ so với năm 2014). Số TCCSĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ và hoàn thành nhiệm vụ tăng lên nhiều, giảm số TCCSĐ yếu kém. Năm 2016, số TCCSĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ là 20.376, đạt 36% (tăng 1% so với năm 2015 và 5% so với năm 2014). Số TCCSĐ hoàn thành nhiệm vụ năm 2016 là 4.090, đạt 7,2% (tăng 1,1% so với năm 2015 và tăng 0,7% so với năm 2014). Số TCCSĐ yếu kém giảm 57 đảng bộ, chi bộ so với năm 2014. Năm 2016, số đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 512.224, đạt 12% (giảm 0,3% so với năm 2015 và giảm 0,7% so với năm 2014).
Để thi đua, khen thưởng tiếp tục thực sự trở thành động lực khuyến khích các tổ chức đảng và đảng viên phấn đấu, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cần quan tâm, thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, tiếp tục đổi mới nhằm góp phần thúc đẩy xây dựng Đảng TSVM, hoàn thành nhiệm vụ chính trị tại mỗi cơ quan, đơn vị.
2. Các cơ quan tham mưu, đơn vị sự nghiệp của Đảng ở Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu, phát động các phong trào thi đua chuyên đề gắn chặt với việc thực hiện các nhiệm vụ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Phong trào thi đua phải xác định được mục tiêu, nội dung cụ thể, thiết thực, phù hợp đặc điểm, tình hình và yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị trong từng giai đoạn. Phong trào thi đua cần tập trung về cơ sở và được tổ chức, phát động với những hình thức phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí, chỉ tiêu thi đua cụ thể. Thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết phong trào; thông qua các phong trào thi đua lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, để biểu dương, khen thưởng kịp thời.
Coi việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến phải là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm trong việc tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua. Các cơ quan, đơn vị có kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới, các điển hình tiêu biểu, xuất sắc toàn diện để nêu gương học tập. Chú ý việc phát hiện và xây dựng điển hình tiên tiến từ cấp cơ sở.
Việc phát động các phong trào thi đua chuyên đề tạo động lực để huy động, tập trung công sức, trí tuệ của mỗi cá nhân, từng cơ quan, đơn vị và toàn ngành giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất của xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong từng giai đoạn. Thực hiện phong trào thi đua là cơ sở khơi dậy những cách làm hay, mô hình mới có tác dụng lan tỏa đối với các cơ quan, đơn vị khác phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.
3. Chủ động phát hiện, biểu dương, khen thưởng kịp thời các điển hình tiên tiến về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Việc phát hiện qua nhiều hình thức như qua sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, qua các báo cáo của các bộ, ban, ngành, địa phương hoặc qua phản ánh báo chí. Biểu dương, khen thưởng với nhiều hình thức khác nhau: thư khen, huy hiệu, kỷ niệm chương, các hình thức khen thưởng khác theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng... Biểu dương, khen thưởng cần kịp thời, công tâm, khách quan, công bằng, minh bạch, đúng người, đúng việc, lấy hiệu quả, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo. Chú trọng khen thưởng cán bộ, đảng viên ở cấp cơ sở, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều sáng tạo, nhiều cách làm hay, mô hình mới trong quá trình triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
4. Đẩy mạnh tuyên truyền, tôn vinh gương người tốt, việc tốt, tạo sự lan tỏa, theo phương châm "lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Cơ quan thông tấn báo chí cần tích cực, chủ động định hướng dư luận, phát hiện, đẩy mạnh tuyên truyền những tấm gương sáng, những cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng với hình thức sinh động, phong phú, qua đó tạo sự lan tỏa rộng rãi, chú ý xây dựng có chất lượng, sinh động chuyên mục "người tốt, việc tốt”.
Phát huy tốt vai trò của công tác thi đua, khen thưởng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng góp phần tạo động lực để mỗi tổ chức đảng và đảng viên ra sức phấn đấu, đồng lòng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần củng cố Đảng ta ngày càng vững mạnh, thực sự là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
(Theo xaydungdang.vn)