Già làng Hờ A Sang ở thôn Tà Chử, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu đã 86 tuổi kể cho chúng tôi nghe những khó khăn ban đầu khi cùng cán bộ xã đi tuyên truyền, vận động đồng bào Mông trong xã ăn chung một tết.
50 năm tuổi Đảng, nguyên là Trưởng Công an xã, già Sang luôn cố gắng phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong mọi phong trào, hoạt động ở thôn, bản. Ông cũng là người đầu tiên đóng góp tiếng nói ủng hộ cuộc vận động lớn của huyện Trạm Tấu về việc ăn chung một tết; đồng thời, vận động cả 8 người con cùng ủng hộ nhiệt tình.
"Ăn Tết riêng của người Mông gần 1 tháng, rồi lại ăn tết cổ truyền gần 1 tháng, đám trẻ ở đây gần như nghỉ cả mùa đông không ra lớp. Hai cái tết liền nhau mổ biết bao con lợn, con gà gây lãng phí; nương rẫy, lúa ngô cũng bỏ đó để lo cho tết trước. Thấy cán bộ xã, cán bộ huyện tuyên truyền, tôi hiểu và đã cùng cán bộ từng bước thuyết phục bà con. Giờ thì ăn chung một tết đã thành thói quen rồi vì đã tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc!” - Già Sang chia sẻ.
Để thay đổi phong tục tập quán cả ngàn đời của đồng bào Mông là điều không hề đơn giản. Thành công của cuộc vận động ăn chung một tết hôm nay là biết bao công sức, tâm huyết, kiên trì của mỗi cán bộ, đảng viên huyện Trạm Tấu.
Thời gian đầu khó khăn ấy, cánh tay đắc lực nhất không ai khác chính là các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng, trưởng các dòng họ…
Đến nay, khi cuộc vận động đã đi vào nền nếp, nhưng hàng năm, cứ đến tháng 10, UBND huyện Trạm Tấu vẫn có công văn chỉ đạo, đề nghị đến từng xã, thôn, bản quan tâm, tuyên truyền để bà con tiếp tục thực hiện tốt; tổ chức gặp mặt già làng, trưởng thôn và người có uy tín trong dòng họ nhằm phát huy vai trò của người có uy tín trong tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Mông cùng ăn chung một tết.
Cùng đó, huyện cũng thành lập các đoàn đi chúc tết, động viên thăm hỏi gia đình chính sách, gia đình người có công; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, chăm lo đối tượng nghèo... đảm bảo mọi người, mọi gia đình đều có tết, tạo bầu không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.
Khi được hỏi về ý nghĩa lớn nhất của Cuộc vận động này, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Trạm Tấu - Giàng A Lủ khẳng định: "Cái được lớn nhất đối với chúng tôi, chính là việc bà con có thể tập trung sản xuất vụ chiêm xuân hiệu quả. Đặc biệt, ăn chung một tết còn giúp con em đồng bào được về chung vui mà không bị gián đoạn việc học tập. Cuộc cách mạng về tư tưởng chuyển biến thành hành động đúng đắn đã minh chứng cho niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng trong lòng mỗi người dân Trạm Tấu”.
Thực tế ở Trạm Tấu cho thấy, "Dân vận khéo” mà cụ thể là đối với việc vận động đồng bào Mông ăn chung một tết đã mang lại hiệu quả to lớn, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Sự đổi mới, đột phá của "Dân vận khéo” sẽ tạo ra những phong trào vận động quần chúng đa dạng và phong phú trên tất cả các lĩnh vực, tạo động lực giúp vùng cao Trạm Tấu từng bước vượt qua khó khăn, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững.
"Dân vận khéo” cũng sẽ giúp đưa các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước sớm đi vào cuộc sống. Được biết, năm 2018, huyện Trạm Tấu đã xây dựng và thực hiện trên 60 mô hình và điển hình "Dân vận khéo” và năm mới 2019 đang đến rất gần. Lại thêm một năm nữa đồng bào Mông vùng cao Trạm Tấu tưng bừng vui chung một tết.
Mai Linh