Cục diện đó, đòi hỏi phải có một tổ chức chính trị thích hợp, có uy tín, nhằm tập hợp, đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, mọi lực lượng yêu nước đưa cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.
Từ nhu cầu thực tiễn đó, ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, Đại hội đại biểu các giai cấp, các tôn giáo, dân tộc toàn miền Nam đã quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Vai trò của Mặt trận được thể hiện trên một số vấn đề cơ bản: Một là, Mặt trận đã đoàn kết mọi lực lượng yêu nước ở miền Nam, làm cơ sở để thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc. Trong suốt quá trình hoạt động, Mặt trận đã giương cao ngọn cờ đoàn kết các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, dân tộc, đảng phái, đoàn thể, tôn giáo và thân sĩ yêu nước, không phân biệt xu hướng chính trị để đấu tranh đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai.
Mặt trận chủ trương đoàn kết rộng rãi các lực lượng, nhằm bảo vệ độc lập, dân chủ, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.
Đây là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo và phù hợp với thực tiễn cách mạng miền Nam lúc bấy giờ. Bằng nhiều biện pháp, Mặt trận đã đi sâu tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp trong xã hội thấy rõ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân miền Nam; nhận rõ bộ mặt thật của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai; từ đó, vận động, hướng dẫn họ đứng vào mặt trận chống Mỹ, cứu nước thông qua các hình thức đấu tranh: bãi công, bãi thị, mít tinh...
Mặt trận còn xây dựng cơ sở cốt cán trong hàng ngũ trí thức, công chức, nhân sĩ, già làng; nắm lực lượng binh lính, dân vệ ở các dinh điền, buôn, ấp, vận động họ trở về với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân.
Đặc biệt, các thành phần cốt cán của Mặt trận còn đi sâu, bám sát phong trào đấu tranh cách mạng, xây dựng căn cứ kháng chiến, "lõm chính trị” vùng địch hậu; phát động phong trào phá ấp chiến lược, giải phóng nông thôn. Mặt trận trở thành tâm điểm thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân có chung nguyện vọng hòa bình, giải phóng miền Nam.
Dưới ngọn cờ đoàn kết của Mặt trận, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng và củng cố: đến cuối năm 1965, có 4/5 diện tích đất đai của miền Nam và với hơn 10 triệu dân.
Hai là, đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị; tăng cường triển khai các hoạt động đối ngoại, tạo sức mạnh tổng hợp cho cách mạng miền Nam. Thực hiện Cương lĩnh và Chương trình 10 điểm, phối hợp với hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang, Mặt trận đã lãnh đạo, tổ chức nhân dân đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị rộng khắp, sôi nổi trên cả ba vùng chiến lược, với nhiều hình thức, biện pháp thích hợp.
Theo đó, Mặt trận đã động viên đông đảo quần chúng, các giới, các lực lượng tham gia chống địch càn quét, khủng bố, cô lập và tiêu diệt bọn đầu sỏ, ác ôn, vận động hàng vạn binh sĩ, nhân viên ngụy quyền về với nhân dân.
Điều đáng nói là, phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân miền Nam không những phát triển ở nông thôn, mà còn phát triển mạnh mẽ, rộng khắp ở các đô thị miền Nam. Phong trào đấu tranh đó làm cho ngụy quyền tay sai lung lay tận gốc rễ, làm rối loạn tận sào huyệt của Mỹ, tạo điều kiện để đồng bào ta diệt ác ôn, phá kìm kẹp, giành quyền làm chủ ở nhiều địa phương, khu vực.
Ba là, tích cực tham gia xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng hậu, làm nòng cốt cho chiến tranh nhân dân để đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.
Trên cơ sở Cương lĩnh và Chương trình hành động đã xác định, Mặt trận tích cực tập hợp lực lượng, tiến hành xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao, chống lại sự can thiệp của Mỹ, chính quyền Sài Gòn và các đồng minh của Mỹ.
Đây là bước phát triển mới, sáng tạo của Mặt trận, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Theo đó, Mặt trận đã tổ chức vận động, giác ngộ nhân dân, nhất là lực lượng chính trị quần chúng tham gia lực lượng vũ trang ba thứ quân, đặc biệt là tham gia các đội vũ trang tự vệ, dân quân du kích, vừa sản xuất, vừa chiến đấu; các đoàn thể đẩy mạnh xây dựng xã chiến đấu, phát triển lực lượng du kích, tự vệ, biệt động, tổ chức đánh địch mọi lúc, mọi nơi...
B.T