Việc cụ thể hóa đề án và tổ chức thực hiện 8 đề án thành phần phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với khung cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất giai đoạn 2016 - 2020.
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, ngành nông nghiệp Yên Bái đã gặt hái những kết quả đáng khích lệ. Các đề án, chính sách hỗ trợ đã góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị; đồng thời, thúc đẩy hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Nhiều chính sách hỗ trợ có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn sản xuất và nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, một số chính sách còn bộc lộ tồn tại, hạn chế nhất định.
Ông Hoàng Kim Trọng - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên cho biết: "Chính sách hỗ trợ một lần cho hộ, nhóm hộ chăn nuôi trâu, bò với quy mô từ 30 con trở lên, mức hỗ trợ 30 triệu đồng/cơ sở rất khó thực hiện. Mức hỗ trợ như vậy thì tương đương 1 triệu đồng/con, trong khi đầu tư mua một con trâu, bò giống có giá trên 20 triệu đồng mà điều kiện kinh tế của các hộ dân còn nhiều khó khăn, không bảo đảm được kinh phí đầu tư theo quy mô hỗ trợ”.
Do đó, sau 3 năm, toàn tỉnh mới có 21 cơ sở đăng ký thực hiện, đạt 16,8% kế hoạch, riêng năm 2018 không có địa phương nào đăng ký thực hiện chính sách này. Hay như chính sách hỗ trợ một lần cho hộ chăn nuôi dê quy mô 100 con trở lên với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/cơ sở ở huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải sau gần 3 năm mới có 1 hộ tham gia.
Ông Vũ Tiến Đức - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, người dân vui nhưng với mức hỗ trợ như hiện nay thì rất khó thực hiện. Thực tế đầu tư 100 con dê giống cần từ 100 - 150 triệu đồng trong khi người dân không có đủ tiềm lực kinh tế. Do đó, đến nay huyện có duy nhất một hộ đăng ký tham gia”.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đã đặt ra, tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII tổ chức đầu tháng 12/2018 đã thông qua Nghị quyết bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 15/2015/NQ-HĐND ngày 15/12/2015 của HĐND tỉnh về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020.
Cụ thể là, bãi bỏ một số chính sách không phù hợp như: chính sách hỗ trợ một lần cho hộ gia đình, nhóm hộ chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 30 con trở lên với mức hỗ trợ 30 triệu đồng/cơ sở; chính sách hỗ trợ 20% giá giống ngô lai cho hộ gia đình tham gia sản xuất ngô đông trên đất hai vụ lúa với mức hỗ trợ không quá 320.000 đồng/ha.
Nghị quyết đã sửa đổi một số nội dung chính sách như: chính sách hỗ trợ một lần cho hộ gia đình chăn nuôi trâu, bò quy mô 10 con trở lên thuộc đề án phát triển chăn nuôi sẽ nâng mức hỗ trợ bình quân từ 1,5 triệu đồng/con lên mức 2 triệu đồng/con; chính sách hỗ trợ một lần cho hộ chăn nuôi dê với quy mô 100 con trở lên, mức hỗ trợ 10 triệu đồng/cơ sở, sẽ giảm quy mô còn 70 con trở lên; chính sách hỗ trợ một lần cho hộ và cho nhóm hộ, hợp tác xã đóng mới lồng nuôi cá cũng đã được sửa đổi cho phù hợp với tiêu chuẩn và quy cách.
Đặc biệt lần này, Nghị quyết được bổ sung quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Theo đó, lần đầu tiên người trồng dâu, nuôi tằm sẽ được hỗ trợ nhằm thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển trồng dâu, nuôi tằm tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2019 - 2020 và định hướng đến năm 2025.
Chính sách sẽ hỗ trợ một lần kinh phí cho hộ gia đình trồng dâu có diện tích trồng mới từ 1.000 m2 trở lên, mức hỗ trợ 50% giá cây giống, không quá 10 triệu đồng/ha; hỗ trợ một lần kinh phí cho hộ xây mới nhà nuôi tằm con tập trung có diện tích xây dựng từ 150 m2 trở lên, mức hỗ trợ 30% chi phí mua vật liệu, không quá 50 triệu đồng/nhà; hỗ trợ một lần kinh phí cho hộ xây mới, sửa chữa nâng cấp, cải tạo nhà nuôi tằm lớn có diện tích xây dựng từ 120 m2 trở lên, mức hỗ trợ 30% chi phí mua vật liệu, không quá 20 triệu đồng/nhà xây mới và không quá 10 triệu đồng/nhà sửa chữa, nâng cấp, cải tạo; hỗ trợ một lần kinh phí cho hộ nuôi tằm mua mới bộ né gỗ ô vuông, gồm 50 vỉ né, một bàn gỡ kén và giá treo đủ 50 vỉ né, mức hỗ trợ 50% kinh phí bộ né gỗ, không quá 5 triệu đồng/bộ.
Cùng với đó, Đề án Hỗ trợ nâng cao chất lượng và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2019 - 2020 được tỉnh quan tâm hỗ trợ chứng nhận chất lượng sản phẩm an toàn; hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh; hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, nghiệp, thủy sản sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Hồng Duyên