“Chính phủ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế“

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/12/2018 | 2:05:24 PM

Thủ tướng: "Chính phủ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế, không chỉ 2017-2018 mà cả những năm tới, để thực hiện mục tiêu không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị

Sáng 28/12, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2019. 

Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (chủ trì), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự; các vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ngành tại đầu cầu Hà Nội; lãnh đạo 63 tỉnh thành tại các đầu cầu. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2019 là năm tiệm cận giai đoạn chuẩn bị tích cực cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 

Với sự tham dự của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều vị lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị lần này. Cùng với chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chính phủ sẽ tiếp thu, hoàn thiện và ban hành Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 ngay sau hội nghị để cả hệ thống hành chính, các loại hình doanh nghiệp và người dân sớm bắt tay vào việc với tinh thần quyết tâm triển khai thắng lợi toàn diện những mục tiêu mà Đảng, Quốc hội đề ra cho cả giai đoạn 2016-2021. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mỗi một thành quả Chính phủ đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay là kết quả của sự lãnh đạo sâu sắc, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư, sự đồng thuận của Quốc hội, sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị và nhiều nỗ lực của các tỉnh, thành cả nước. Do đó, dù có những thời điểm đất nước rất khó khăn, nhưng chúng ta đã vượt qua và đạt nhiều thành quả quan trọng. Nếu như năm 2016, đất nước gặp hạn hán nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ thì năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, lĩnh vực nông nghiệp xuất khẩu được hơn 40 tỷ USD. 

Năm nay, lần đầu tiên trong 10 năm qua, tăng trưởng kinh tế vượt kế hoạch 0,38%, từ 6,7% lên 7,08%. Nếu năm 2017, chúng ta xuất siêu kỷ lục 2,1 tỷ USD thì năm nay dự kiến xuất siêu trên 7 tỷ USD. 

Chất lượng tăng trưởng cũng có sự cải thiện, thể hiện ở tốc độ tăng năng suất lao động. Đặc biệt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao kỷ lục 10 năm qua nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt dưới 14% so với mức 17-18% của các năm trước.  

Thủ tướng cũng nêu lên một thông tin đáng mừng là Nghị quyết của Trung ương về kinh tế tư nhân đang thực sự đi vào cuộc sống khi chưa có thời điểm nào trước đây khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh cùng quyết tâm vươn ra biển lớn như hai năm qua. Đó là chưa kể con số trên 130.000 doanh nghiệp mới được thành lập và trên 34.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại năm 2018. 

Nếu như trước đây, chúng ta lo lắng sụp đổ tài chính quốc gia thì Thủ tướng cho biết, tính đến hôm qua (27/12) đã có thể khẳng định, năm nay vượt thu ngân sách so với dự toán khoảng 3,5 tỷ USD.  


Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2019. 

Nêu lên những thành tựu toàn diện của đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh: "Điều tôi muốn nhấn mạnh đó là niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào quyết tâm của chúng ta trong việc giải quyết các vấn đề của đất nước từ công cuộc chống tham nhũng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, miền núi, dân tộc chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này. Mọi chủ trương, Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội đã được Chính phủ thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả rất cụ thể. Mỗi kết quả đạt được là nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Điều này một lần nữa khẳng định con đường chúng ta chọn là đúng, tư duy của chúng ta không lỗi nhịp mà ngược lại đã đem lại cho chúng ta khả năng chủ động ứng phó cũng như dẫn động đến nền kinh tế Việt Nam vào những xu thế phát triển của khu vực và toàn cầu”. 

Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tìm giải pháp mạnh mẽ, khơi thông và huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Khắc phục nhanh những chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong xây dựng cơ chế, chính sách và trong tổ chức thực hiện.

Thủ tướng nhấn mạnh, không thể đổi lỗi cho cơ chế chính sách vì thể chế pháp luật đều do cán bộ, công chức làm ra, do sự hạn chế về tư duy, tầm nhìn, do cách chúng ta thực hiện và quản lý. Do đó phải tháo gỡ những rào cản về môi trường kinh tế, nhất là những chỉ số xếp hạng rất thấp, như giải quyết phá sản đang xếp thứ 133/190 quốc gia, nộp thuế 131/190 quốc gia... 
 
Thủ tướng cũng cho rằng cần tháo gỡ những rào cản làm kinh tế tư nhân không bứt phá được, và đặc biệt kinh tế hộ khó chuyển đổi thành doanh nghiệp; những nút thắt của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ và đầu tư vào nông nghiệp. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí đi liền hoàn thiện thể chế pháp luật; có cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; phát hiện và sửa ngay những quy định sơ hở mâu thuẫn dễ tiêu cực, quan liêu, xa dân; xử lý dứt điểm tình trạng khiếu nại tố cáo đông người, vượt cấp kéo dài; giải quyết tốt những yếu kém và bức xúc xã hội... 

Thủ tướng nhấn mạnh cần cả hệ thống chuyển động phục vụ sự phát triển, cơ bản giải quyết tình trạng "trên nóng, dưới lạnh” mà nhân dân phàn nàn. 

Nêu ra phương châm 12 chữ của Chính phủ trong năm 2019 để triển khai toàn diện nhiệm vụ kinh tế xã hội là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”, Thủ tướng nhấn mạnh: "Không đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng mà phải đạt được cả hai, nghĩa là phát triển nhanh và bền vững. Chính phủ luôn kiên trì nguyên tắc "3 trong 1”, hay nói cách khác 3 trụ cột: kinh tế-xã hội-môi trường. Trong khi tiếp tục phát huy tốt nhất những động lực tăng trưởng đã có, chúng ta phải tích cực tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, ví dụ động lực từ tiến trình đô thị hóa, về ứng dụng công nghệ mới và từ các loại hình du lịch đa dạng như du lịch biển, các vùng di sản, du lịch miền núi, sông nước, đồng bằng sông Cửu Long. Mô hình tăng trưởng của Việt Nam sẽ dựa nhiều hơn vào năng suất lao động và thúc đẩy một nền kinh tế số”.
 
Theo đó, năm 2019, Thủ tướng sẽ trực tiếp chỉ đạo việc đánh giá lại một số vấn đề như: các tư duy hình thành chính sách phát triển do Chính phủ đề xuất; những yếu kém cố hữu của nền kinh tế khó sửa; cách thức khắc phục những dự án thua lỗ kéo dài, trong đó phải chỉ ra cho được những giá trị kế thừa và những bài học kinh nghiệm lớn cần tiếp tục được nhận thức và chỉnh đốn một cách nghiêm túc.

Cùng với đó, Thủ tướng sẽ trực tiếp chỉ đạo những khía cạnh quản trị của Chính phủ, những mục tiêu như Chính phủ điện tử, Chính phủ số, các giá trị kiến tạo phát triển, sự liêm chính... khó đi vào thực tiễn nếu chúng ta không cải cách những nguyên tắc và mô hình quản trị không còn phù hợp với thực tiễn. 

Thủ tướng cũng cho biết sẽ chỉ đạo đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm kiến tạo sức bật mới cho sự phát triển. Ví dụ riêng ngành xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam năm nay có thể đem lại kim ngạch tới gần 10 tỷ USD. Đây là lĩnh vực chúng ta thuộc tốp 5 quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nội thất toàn cầu. 
 
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế, không những năm 2017-2018 mà cả những năm tới, để thực hiện mục tiêu xuyên suốt và cốt lõi là không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau.

(Theo VOV)

Các tin khác
Ông Hán Văn Thành ở thôn Đồng Đát, xã Tân Đồng hướng dẫn người dân trong thôn chăm sóc tằm.

YBĐT - Bằng kinh nghiệm, sự hiểu biết của mình, gần 80 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Trấn Yên đã có những đóng góp thiết thực trong việc vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp luyện tập, nâng cao kỹ thuật chiến đấu.

Những trận sóng thần tàn phá thảm khốc nhất trong lịch sử chế độ Khmer Đỏ mà đứng đầu là tập đoàn phản động Pol Pot ở Campuchia trong giai đoạn 1975 - 1978 đã giết hại gần 3 triệu người dân Campuchia vô tội, đẩy người dân đất nước này đứng trước họa diệt chủng.

Mỗi cán bộ, trong đó có những cán bộ trẻ, được bồi dưỡng thành "nguồn” chiến lược, nếu không tu dưỡng, rèn luyện, tự soi, tự sửa mình thì rất dễ dẫn đến bị hư hỏng, thối rữa.

Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương khai mạc sáng 28/12/2018 tại Hà Nội.

 Sáng nay (28/12), Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương đã khai mạc, với sự tham gia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục