Làng Yên Bái lúc đó có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng ở vùng thượng lưu sông Hồng, là một trong những căn cứ điểm, dinh lũy trọng yếu của thực dân Pháp, nơi đặt bộ máy cai trị hành chính là Tòa Công sứ đặt trên địa bàn phố Yên Lạc cùng lực lượng quân sự với khoảng 600 lính đóng quân ở đồn Dưới và đồn Cao trực thuộc Trung đoàn khố đỏ Bắc Kỳ do Trung tá Lơ-ta-công chỉ huy.
Tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng đã lên kế hoạch cho cuộc khởi nghĩa. Tuy nhiên, kế hoạch đó bị hoãn đi, hoãn lại nhiều lần, song cuối cùng ấn định vào đêm mùng 9 rạng ngày 10/2/1930, thời điểm qua tết Nguyên đán khoảng 10 ngày.
Chiều 9/2/1930, các nghĩa sỹ tham gia khởi nghĩa theo chuyến tàu ngược Yên Bái, hòa vào dòng người đi lễ tại đền Tuần Quán mang theo khí giới và binh cụ trong những gánh lễ ngụy trang.
Khoảng 8 giờ tối, những người khởi nghĩa tập trung tại đồi sơn của làng Yên Bái (nay thuộc phố Phúc Sơn, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái) thống nhất phương án và kế hoạch khởi sự.
Đúng 1 giờ sáng ngày 10/2/1930, sau hiệu lệnh tắt đèn, toán thứ nhất đánh chiếm trại lớn ở đồn Dưới, nơi đóng quân của hai cơ số 5, số 6 của Trung đoàn lính khố đỏ Bắc Kỳ, thuộc phố Yên Lạc (nay thuộc phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái) cướp vũ khí và tiêu diệt sỹ quan Đa-mua, Bui-ê...
Cùng với toán thứ nhất, tại đồn Cao gần phố Yên Lạc (nay thuộc khu vực Công ty Cấp nước Yên Bái, phường Nguyễn Phúc) những nghĩa sỹ toán thứ hai đã tiến hành cướp trại, giết sỹ quan chỉ huy là Quy-nê-ô, Sơ-va-li-ê... Toán thứ ba tấn công vào khu gia binh của sỹ quan chỉ huy ở giữa 2 trại lính đồn Dưới và đồn Cao giết sỹ quan Duốc-đan, Rô-be, Ganh-đa, Rơn…
Sau khi chiếm xong đồn Dưới, nghĩa quân chia nhau đi chiếm nhà ga Yên Bái, treo cờ nửa đỏ, nửa vàng tại một số công sở thuộc phố Yên Thái, Hội Bình, Yên Lạc, Yên Hòa (nay thuộc phường Hồng Hà, Nguyễn Phúc, Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái). Cuộc tấn công đồn Cao không thành công. Hầu hết các nghĩa sỹ bị sa vào tay giặc. Cuộc khởi nghĩa đã thất bại hoàn toàn.
Sau thất bại của cuộc Khởi nghĩa Yên Bái, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập Hội đồng Đề hình xét xử các vụ án có liên quan đến cuộc khởi nghĩa. Hai phiên tòa được diễn ra vào các ngày 27/2/1930 và 23/3/1930 tại làng Yên Bái với 17 án tử hình, trong đó có Nguyễn Thái Học.
Ngày 8/5/1930 và ngày 17/6/1930; thực dân Pháp đã mang chiếc máy chém từ Hà Nội lên Yên Bái hành quyết 17 nghĩa sỹ tham gia cuộc khởi nghĩa tại khu vực bãi tập lính khố xanh thuộc phố Yên Hòa (nay là khu vực đối diện với nhà thờ Yên Bái, phường Nguyễn Phúc) với sự bảo vệ của hàng trăm cảnh binh, cảnh sát, lê dương…
Chứng kiến tinh thần anh dũng, kiên cường của các nghĩa sỹ trên đoạn đầu đài, những người dân Yên Bái đã đưa thi hài Nguyễn Thái Học và các đồng sự của ông về an táng tại nghĩa địa ta thuộc địa bàn đồn điền Blăng, làng Yên Bái (nay thuộc phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái).
Gần 90 năm đã trôi qua, nơi in dấu chân và yên nghỉ của các nghĩa sỹ trong cuộc khởi nghĩa bi tráng giờ đã khác xưa. Những con đường, khu phố, hiện đại mang tên Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu…
Phường Nguyễn Thái Học nơi yên nghỉ của các nghĩa sỹ là một trong những phường trung tâm của thành phố Yên Bái. Song, tinh thần yêu nước và chí khí của lãnh tụ Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí của ông vẫn còn tỏa sáng mãi nghìn thu. Đúng như tài sản tinh thần mà cuộc khởi nghĩa Yên Bái để lại là "lòng yêu nước không bao giờ cũ”.
Trần Thị Ngọc Lan (Hội Khoa học lịch sử tỉnh Yên Bái)