Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình từng là Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Năm 1973-1977, ông là cán bộ công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Triều Tiên.
Trước thềm cuộc gặp Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội, ông dành cho báo chí cuộc trò chuyện.
"Sau 28 năm trở lại, tôi luôn nghĩ đây là mảnh đất rất thân thiết với mình. Thời chiến tranh, chúng tôi ăn học và sống trong tình cảm thương yêu đùm bọc của Chính phủ, người dân Triều Tiên”, ông chia sẻ.
Ông nhớ thời khắc khi ở Triều Tiên, được mời dự những cuộc mít tinh phản đối chiến tranh Việt Nam, nhớ kỷ niệm đón lãnh đạo Kim Nhật Thành đến thăm ký túc xá của trường ĐH ở Bình Nhưỡng tháng 12/1965.
"Lúc đó chúng tôi mới sang được mấy tháng. Trường có ký túc xá cho lưu học sinh quốc tế ở bên kia đường nhưng vì họ nhận một lúc 200 lưu học sinh Việt Nam nên phải xây dựng một khu nhà mới cho lưu học sinh Việt Nam. Khi đó, ông Kim Nhật Thành đã đến thăm”, ông kể.
Thời đó, cơ sở hạ tầng của Triều Tiên đã rất phát triển, nhất là hệ thống tàu điện ngầm không kém gì Liên Xô. "Khi chúng tôi sang năm 1965 thì cạnh trường vẫn có nơi suốt ngày đêm xe chở đất đá ở trong lòng núi đi ra lúc họ xây dựng tàu điện ngầm. Khi tôi sang công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Triều Tiên từ năm 1973 - 1977 thì Triều Tiên khánh thành rất nhiều tuyến tàu điện ngầm”.
Vị thế Việt Nam
"Trước đây cứ nhắc đến Việt Nam là người ta nghĩ đến chiến tranh. Nhưng giờ đây, vị thế Việt Nam đã khác" - ông nhận định.
"Ta từng nói Việt Nam sẵn sàng làm bạn, làm đối tác tin cậy. Sau đó, chúng ta nói Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy. Chúng ta thực hiện mở cửa, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, đăng cai nhiều sự kiện quan trọng như ASEM, APEC…
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao nhớ thời trẻ ở Triều Tiên
Ta đã hoàn thành xuất sắc 1 nhiệm kỳ làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và nay đang vận động cho 1 nhiệm kỳ nữa. Chúng ta cũng đã tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ...
Tất cả những điều đó cho thấy Việt Nam đã và đang thể hiện rõ vai trò của một quốc gia có trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế.
Với hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, Việt Nam được lựa chọn trong khi nhiều nước sẵn sàng đứng ra tổ chức sự kiện này.
Không phải là lời kêu gọi hãy đến với chúng tôi, mà người ta đã chủ động đến với mình, điều này cho thấy Việt Nam ở vị thế cao hơn nhiều so với trước đây cả về chính trị, kinh tế, quan hệ quốc tế. Rõ ràng Việt Nam hiện nay khác với quá khứ. Việt Nam giờ đây gắn với hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển”, ông Bình khẳng định.
Sau khi tổ chức thượng đỉnh lần thứ nhất, Singapore cho biết đã được lợi rất nhiều, từ khách quốc tế, uy tín quốc tế, sự quan tâm của người dân, DN… Ông hy vọng, sau thượng đỉnh lần này, khách du lịch và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng sẽ tăng.
Theo ông, 20 năm trước, Hà Nội nhận được danh hiệu thành phố vì hòa bình. Lần này, một cuộc gặp thượng đỉnh hướng đến hòa bình diễn ra ở Hà Nội.
"Đây là sự kiện để củng cố danh hiệu này hơn nữa và danh hiệu này mãi mãi gắn với chúng ta. Không ai mong muốn chiến tranh tái diễn với tất cả các bên đều chịu tổn thất. Hà Nội từng đau thương, bị tàn phá trong chiến tranh, nhưng giờ đây trở thành một thành phố hòa bình, phát triển”, ông Bình nhấn mạnh.
Ở cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên, các bên còn băn khoăn về sự tiến triển trong quan hệ hai nước. Hiện tại, cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 sắp diễn ra. Gần đây nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố mong muốn tiếp tục gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
Rõ ràng đây là quá trình diễn ra theo tiến triển từng bước, dù không thể nhanh chóng vì nhiều vấn đề tồn tại. Nhưng cả Mỹ và Triều Tiên cũng như các quốc gia xung quanh đều nỗ lực cho tiến trình hòa bình.
Về kinh tế, các bên đều có nhu cầu phát triển. Phía Hàn Quốc đã từng nghĩ tới hợp tác 2 bên, 3 bên, có thể có cả Việt Nam.
"Lâu nay thế giới vẫn xem Triều Tiên là điểm nóng ở khu vực Đông Bắc Á. Đã có lúc người ta tưởng chừng như chiến tranh sắp nổ ra trên bán đảo này. Bây giờ Mỹ và Triều Tiên đã ngồi lại đàm phán, có thể cùng nhau tiến vào giai đoạn mới là giai đoạn hòa bình thì đây là những tín hiệu rất tốt....
Điều này sẽ có tác động tốt đến khu vực Đông Bắc Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Như vậy, hợp tác để cùng phát triển trong hòa bình sẽ là xu thế chung”, nguyên Thứ trưởng tin tưởng.
(Theo VietNamNet)