Trong những câu chuyện kể ấy, đề tài về bộ đội ta đánh Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ luôn làm cho chúng tôi thích thú nhất. Thành thử, cứ khi nào có những người bác đã từng làm bộ đội hay dân công hỏa tuyến Điện Biên Phủ đến nhà chơi là chúng tôi đoán được hôm ấy mình sẽ được nghe những câu chuyện chiến trường.
Đặc biệt, tôi có một người bác rất vinh dự đứng trong danh sách 19 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ - người ấy là Anh hùng Đinh Văn Mẫu. Khi còn là bộ đội địa phương ở huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, Đinh Văn Mẫu tỏ ra là người có ý chí bền bỉ, tích cực trong mọi hoạt động. Bởi thế, tuy lực lượng hoạt động lẻ nhưng ông từng tham gia đánh 2 trận lớn, trong đó có trận chiến thắng Ngọc Lập 1947 đẩy lùi trận càn của hàng trăm lính Pháp.
Riêng ông Mẫu đã diệt 3 tên địch, mang được 7 tử sĩ và 3 thương binh ra ngoài an toàn. Sau này, được bổ sung vào bộ đội chủ lực, qua 7 năm liên tục làm cấp dưỡng, ông Mẫu đã phục vụ 8 chiến dịch ở công tác này.
Điển hình là các chiến dịch: Biên Giới, Hoàng Hoa Thám, Lý Thường Kiệt, Điện Biên Phủ. Trước nhiệm vụ được giao, ông đã vượt qua nhiều khó khăn, phát huy sáng kiến, hết lòng phục vụ đơn vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, trong những lúc hành quân, ông thường xuyên gánh nặng 50 - 60 kg vượt đèo dốc, sông suối theo đơn vị đảm bảo kịp thời cơm nước cho bộ đội.
Có lần, đồng đội cùng đơn vị cấp dưỡng bị ốm, ông Mẫu đã gánh tới 80 kg mà vẫn theo kịp đơn vị truy kích địch và lo đủ cơm canh cho bộ đội. Trong một lần mang cơm ra trận địa, bộ đội ta đang mải truy kích địch ra xa, Đinh Văn Mẫu biết bộ đội lúc này đang rất đói, mệt, ông động viên anh em hướng theo tiếng súng để tìm đơn vị bảo đảm cho bộ đội ăn no tiếp tục chiến đấu (đó là Chiến dịch Lý Thường Kiệt 8/1951).
Chiến dịch Tây Bắc năm 1952, trong một lần gặp nước lũ chảy xiết, anh em cấp dưỡng đang lúng túng chưa biết bằng cách nào để vượt lũ tiếp tế thì Đinh Văn Mẫu dũng cảm bơi vượt sang trước, rồi ròng dây rừng qua suối để anh em vượt sang an toàn, bảo đảm cơm ăn cho bộ đội trước giờ nổ súng.
Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, đơn vị phòng ngự trên đồi C1, D1, D2 hàng ngày phải đi lại 2 đến 3 lần với quãng đường gần 3 km giữa tầm đại bác, máy bay địch nhưng Đinh Văn Mẫu vẫn bảo đảm đủ cơm canh cho đơn vị mình và giúp đỡ đơn vị bạn.
Đường mang cơm từ D1 sang D2 phải vượt qua một đoạn hào nông, ban ngày luôn bị địch bắn phá dữ dội, Đinh Văn Mẫu đã có sáng kiến gói cơm thành gói to ngụy trang cẩn thận, bọc nilon cho khỏi ướt rồi khéo léo bò kéo theo gói cơm. Cả tổ làm theo và đưa được cơm đến từng người, động viên được khí thế chung của đơn vị. Trong suốt các chiến dịch, quân số của ta đông nhưng rau xanh luôn rất hiếm mà bộ đội lại rất thèm được ăn rau.
Hiểu được điều đó, là người dân tộc Mường sống ở miền núi nên Đinh Văn Mẫu bằng kinh nghiệp của mình đã tích cực đi lấy măng, đào củ mài nấu canh, nấu cháo bồi dưỡng cho bộ đội bị ốm, hái rau rừng để cải thiện bữa ăn bảo đảm sức khỏe cho bộ đội thực hiện khẩu hiệu "Ăn no đánh thắng”.
Bên cạnh những thành tích, sáng kiến được lưu trong sử sách, chúng tôi còn được nghe ông kể thêm về những thành tích của mình như có lần đang gánh cơm đi giữa làn đạn dày đặc để tiếp tế cho bộ đội ngoài trận địa, bỗng dưng đạn địch làm đứt quang gánh. Không còn lựa chọn nào khác, ông chồng 2 thúng cơm to lên nhau rồi lom khom bò ra trận địa.
Hay ở một trận khác, quân ta bị vây ráp không thể nào tiếp tế được nước uống cho bộ đội, Đinh Văn Mẫu đã nảy sáng kiến lấy thân cây chuối rừng đập nát rồi đào hố trải nilon vắt nước vào đó cho bộ đội uống tạm giúp vượt qua cơn khát để chiến đấu...
Với những sáng kiến, chiến công như thế, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Văn Mẫu luôn là niềm tự hào của quê hương tôi. Ông trở thành tấm gương sáng cho nhiều thế hệ thanh niên sau này noi theo để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hoàng Nhâm