Trong đó, coi trọng bám sát tình hình, thực tiễn địa phương gắn với mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm để cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện. Qua đó, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, có nhiều chuyển biến rõ nét, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Với quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29/11/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác PCTN đến năm 2020, tỉnh đã ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện với các nhóm nhiệm vụ giải pháp phù hợp.
Trong đó, nêu cao quyết tâm thực hiện phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác PCTN, trên quan điểm phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng là quan trọng, cấp bách; kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền trong xử lý tham nhũng.
Đặc biệt, việc thực hiện phải được tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; tập trung lãnh đạo thực hiện công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; chỉ đạo nghiêm túc việc khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra sau kiểm tra, giám sát của Đoàn công tác số 3 Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.
Sau các cuộc kiểm tra, rà soát, giám sát của Tỉnh ủy năm 2017, 2018, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã có ý kiến kịp thời để xử lý các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm như: vụ khiếu nại của ông Vũ Quang Hiệu, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái; vụ Lý Xuân Dinh, huyện Văn Yên; vụ nhà báo Lê Duy Phong.
Việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và của cán bộ, công chức, viên chức trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị là một trong những giải pháp được tỉnh đặc biệt quan tâm đề cao.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc; chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã phải gương mẫu, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN; chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc chống tham nhũng.
Đặc biệt sẽ tăng cường xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí theo hướng: nếu người đứng đầu làm tốt công tác phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thì được biểu dương, khen thưởng; nếu để xảy ra tham nhũng nhưng kịp thời tự xử lý theo quy định và khắc phục hậu quả, báo cáo kịp thời với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì chỉ xử lý người có hành vi tham nhũng, không xử lý về trách nhiệm người đứng đầu; nếu để xảy ra tham nhũng nhưng phát hiện không kịp thời, để xảy ra hậu quả hoặc không tự phát hiện mà do các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và tùy theo mức độ, hậu quả mà xử lý theo quy định của pháp luật.
Hàng năm, việc bình xét thi đua, khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân phải được đánh giá cả tiêu chí hiệu quả công tác PCTN trong tổ chức, cơ quan, đơn vị. Cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu thực hiện nghiêm quy định của Đảng và Nhà nước về PCTN với phương châm: cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.
Cùng với việc nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, để công tác PCTN đạt kết quả cao, tỉnh cũng tiếp tục các giải pháp tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ.
Thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng; quy định cụ thể, rành mạch chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống trong hoạt động quản lý.
Đồng thời, quan tâm quy định chức trách của từng vị trí công tác, nhất là việc thực hiện các điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ; thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử, những việc cán bộ, công chức không được làm, trách nhiệm giải trình, việc thực thi công vụ. Tăng thẩm quyền và trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ dưới quyền để kiểm điểm, xác minh, kết luận khi có dấu hiệu tham nhũng.
Song song với đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ. Thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, đồng bộ với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tăng cường công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập thực hiện việc rà soát, thay thế, sửa đổi, bổ sung các văn bản trái với quy định của pháp luật, không phù hợp với thực tế; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách bảo đảm công khai minh bạch để ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, đặc biệt trong một số lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng như đầu tư xây dựng; quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai; quản lý và sử dụng ngân sách; tài chính doanh nghiệp; mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản công; thuế; ngân hàng...
Với những giải pháp quyết liệt, cụ thể, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, công tác PCTN của tỉnh sẽ tiếp tục có chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Anh Dũng