Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vừa giành thắng lợi, Người đã nghĩ ngay đến việc phải sửa đổi lối làm việc của cán bộ, đảng viên. Người viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc” và cho xuất bản vào tháng 10/1947. Trong tác phẩm, Người nhấn mạnh: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém”. Thấm nhuần sâu sắc chỉ giáo của Bác và dưới ánh sáng các nghị quyết của Trung ương về công tác xây dựng Đảng, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã coi công tác đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài là một trong 3 khâu đột phá chiến lược. Từ đó, tạo ra những chuyển biến rất tích cực, toàn diện về công tác cán bộ và chất lượng cán bộ.
"Trồng người” là nền tảng tạo nguồn cán bộ
Với tầm nhìn trí tuệ vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: "Vì lợi ích 10 năm phải trồng cây. Vì lợi ích 100 năm phải trồng người”. Trong di chúc lịch sử để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Người căn dặn Đảng ta phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế vừa "hồng” vừa "chuyên”.
Nhận thức sâu sắc chân lý ấy, Đảng bộ tỉnh Yên Bái xác định đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ, một lực lượng nhân lực có chất lượng là một yêu cầu cấp thiết trước mắt và lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng nói chung, đối với Yên Bái nói riêng.
Trong sự nghiệp "trồng người” đối với một tỉnh miền núi, nhiều dân tộc thì phát triển hệ thống giáo dục là bước khởi đầu có ý nghĩa quyết định. Đó chính là nền tảng, tạo nguồn cho chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ và lực lượng nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng nhiệm vụ từng giai đoạn cách mạng.
Trong nhiều năm phấn đấu, công tác giáo dục của tỉnh đã có những bước phát triển đáng kể, nhưng vẫn còn tồn tại những khó khăn cần giải quyết. Nhiều nơi, nhất là vùng cao, vùng sâu học sinh bỏ học nửa chừng chỉ học hết tiểu học hoặc THCS, đến THPT thì con số đó mai một đi nhiều.
Một trong những nguyên nhân là do nhiều phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác giáo dục và một thực tế là đời sống của đồng bào các dân tộc vùng cao, vùng xa còn nhiều khó khăn, không có điều kiện nuôi con ăn học; đường từ nhà đến trường của học sinh vừa xa, lại vừa hiểm trở, phải trèo đèo lội suối; phương tiện đi lại chủ yếu trông vào đôi chân của trẻ em. Giáo dục, dạy chữ và dạy làm người cho con em các dân tộc, chính là sự nghiệp "trồng người”, để ngày mai họ là cán bộ, đảng viên, là nguồn nhân lực có chất lượng cao thừa kế sự nghiệp cách mạng của cha, anh.
Từ ý nghĩa cấp bách trước mắt và lâu dài ấy, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã quyết định tạo bước đột phá quan trọng đối với giáo dục là phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề học tập của con em các dân tộc vùng cao, vùng các dân tộc thiểu số, mà khâu đầu tiên là phải xây dựng cho được cơ sở vật chất, trường, lớp và phương tiện cho học tập, xây dựng mô hình các trường dân tộc nội trú, có chế độ nuôi dưỡng, hỗ trợ ăn ở cho học sinh; lựa chọn những giáo viên có chất lượng chuyên môn, có tình thương và trách nhiệm cao để nuôi, dạy các em; xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú là một giải pháp quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của con em các dân tộc thiểu số.
Đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái trao đổi với cán bộ người Mông xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải về phát triển giáo dục vùng cao, vùng dân tộc thiểu số.
Với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, đến nay cả tỉnh có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú. Tất cả các trường được xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia. Năm học 2018 – 2019, có gần 3.000 học sinh của 12 dân tộc thiểu số trong tỉnh được theo học ở các trường này.
Được học tập trong các trường dân tộc nội trú, học sinh không phải đóng góp bất cứ một khoản nào; được chăm lo nuôi dưỡng cả về vật chất lẫn tinh thần, các trường có chế độ học tập phù hợp với đặc điểm, điều kiện của học sinh dân tộc. Ngày hai buổi lên lớp, có thể tăng thời gian học với môn học có nội dung dài hoặc khó.
Những học sinh học lực yếu được phụ đạo để một thời gian có thể hòa nhập với các học sinh khác; được tiếp nhận vào trường dân tộc nội trú các em quen dần với nếp sống có tổ chức và kỷ luật, có hoạt động trải nghiệm hay những em chưa thạo tiếng Việt được dạy thêm tiếng Việt…
Bằng sự ưu ái đặc biệt, các em đều nỗ lực học tập, tỷ lệ học sinh khá giỏi ở các trường dân tộc nội trú cao hơn so với một số trường phổ thông khác. Trường dân tộc nội trú đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng ước mơ, hun đúc tài năng, trí tuệ và hình thành nhân cách cho con em các dân tộc. Các trường phổ thông dân tộc nội trú còn tạo điều kiện thuận lợi để triển khai công tác giáo dục và đào tạo theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện như Nghị quyết 29 đã đề ra.
Yên Bái cũng là tỉnh đầu tiên trong các tỉnh miền núi của cả nước sáng tạo ra loại hình trường phổ thông dân tộc bán trú (từ năm 2009. Loại hình trường dân tộc bán trú được thành lập ở cả cấp xã, khu vực mà học sinh con em các dân tộc phải đi học xa, phải trèo đèo, lội suối, hoàn cảnh kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, tỉnh có chế độ trợ cấp một phần cho học sinh bán trú gồm bữa ăn trưa tại trường và tiền thuê lao động phục vụ học sinh. Loại trường phổ thông dân tộc bán trú vừa phù hợp với đặc thù của vùng cao, vùng xa, vừa phù hợp với chủ trương sắp xếp lại các điểm trường theo hướng giảm bớt các điểm trường lẻ, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Bằng sự sáng tạo và nỗ lực của tỉnh, cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đến nay trên địa bàn tỉnh có 49 trường phổ thông dân tộc bán trú và 56 trường khác có học sinh bán trú.
Trên 22.400 học sinh dân tộc thiểu số được học ở các trường bán trú và hưởng chế độ bán trú. Cùng với các mô hình loại trường đặc thù, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh còn quan tâm đặc biệt đến việc phát triển và nâng cao chất lượng các trường phổ thông, trung học phổ thông, đầu tư thỏa đáng cho việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học và chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn của các trường. Đến nay tất cả các huyện thị, thành phố, kể cả các huyện vùng cao đều có từ một đến hai, ba trường THPT hoàn chỉnh. Riêng thành phố Yên Bái có tới 5 trường THPT, trong đó có một trường THPT dân tộc nội trú và 1 trường chuyên thuộc loại trường có chất lượng cao.
Hơn 20 năm thực hiện sự nghiệp "trồng người”, kể từ sau NQTW3 khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, 10 năm thực hiện NQ 22 của BCH Trung ương Đảng khóa X về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên”, Yên Bái đã gặt hái được nhiều thành quả trong công tác tạo nguồn cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Từ chỗ mỗi năm chỉ có vài nghìn học sinh học hết chương trình giáo dục phổ thông trung học, số học sinh thi được vào các trường đại học, học viện… còn ít hơn nhiều, những năm gần đây, mỗi năm có từ 6.000 đến 7.000 học sinh, trong đó có tỷ lệ lớn là học sinh các dân tộc thiểu số tham gia vào kỳ thi THPT quốc gia và thi vào các trường đại học, học viện, cao đẳng nghề, không ít em thi đỗ vào các trường đại học, học viện có chất lượng cao. Điều đó cũng có nghĩa là mỗi năm có tương đương ngần ấy sinh viên người Yên Bái tốt nghiệp ra trường.
Không phải tất cả con số ấy mà một bộ phận lớn trở về phục vụ địa phương, được tuyển dụng vào làm cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị; một bộ phận khác tìm kiếm được công ăn việc làm ở nơi khác hoặc tiếp tục học lên để trở thành những người có học vị, học hàm cao hơn. Số sinh viên tốt nghiệp trở về địa phương cùng với số sinh viên tốt nghiệp loại khá, xuất sắc trở lên được Yên Bái đón nhận theo chính sách thu hút nhân tài của tỉnh, chính là nguồn cán bộ có chất lượng chuyên môn cao, có phẩm chất đạo đức tốt, có lý tưởng được tôi luyện trong hệ thống các trường học.
Xóa bỏ thôn, bản "trắng” đảng viên và chi bộ Đảng
Một trong những trở ngại lớn đối với công tác phát triển đảng viên và xây dựng chi bộ Đảng trong nhiều năm ở các thôn, bản vùng cao, vùng xa, vùng khó khăn, không phải là đoàn viên, thanh niên và quần chúng không có lý tưởng phấn đấu vào Đảng mà chủ yếu là do trình độ văn hóa còn nhiều hạn chế; một phần do đời sống còn nhiều khó khăn; cấp ủy ở những cơ sở này chưa thật sự quan tâm đến việc tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng để họ trở thành đảng viên.
Trong mấy chục năm trở lại đây, nhất là từ năm 2000, Tỉnh ủy Yên Bái chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn công tác xây dựng Đảng ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, coi công tác phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ Đảng ở các thôn bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa vừa có ý nghĩa tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng ở những nơi này, mà về lâu dài còn là nơi tạo nguồn cán bộ chủ chốt ở cấp cơ sở cho vùng cao, vùng dân tộc thiểu số.
Từ ý nghĩa đó, Đảng bộ tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2001-2005 đề ra mục tiêu: giai đoạn I xóa các thôn bản "trắng” đảng viên, nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn đảng viên theo quy định. Để thực hiện được mục tiêu trên, đi đôi với công tác xóa mù chữ ở mức một, mức hai; phổ cập giáo dục ở bậc tiểu học tiến tới phổ cập giáo dục phổ thông cơ sở; có chính sách khuyến khích con em các dân tộc vào học các trường phổ thông cơ sở, phổ thông trung học dân tộc nội trú, bán trú.
Tỉnh cũng đã nỗ lực mở các trường trung học chuyên ngành như trường kinh tế, trường nông nghiệp, có trường nghề vừa đào tạo chuyên môn, kỹ thuật phục vụ các địa phương vừa từng bước tiêu chuẩn hóa một cách nhanh nhất cho cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Trong nhiệm kỳ, các cấp ủy đã tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng mỗi năm kết nạp từ 1.500 - 1.600 đảng viên mới, trong đó nhiều đảng viên thuộc các thôn, bản vùng cao, vùng xa.
Năm 2005 - năm kết thúc nhiệm kỳ, Yên Bái đã ghi được cột mốc mới trong công tác xây dựng Đảng là xóa được các thôn bản "trắng” đảng viên ở vùng cao, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Nhiệm kỳ 2005 – 2010, Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu cho giai đoạn 2 của công tác xây dựng Đảng ở vùng cao là xóa thôn, bản "trắng” chi bộ.
Dưới sự chỉ đạo thường xuyên, kiên quyết của Tỉnh ủy, sự vào cuộc của các cấp ủy từ huyện đến cơ sở, năm 2009, Yên Bái đã đạt được mục tiêu tưởng chừng như khó có thể đạt được là tất cả các thôn, bản vùng cao, vùng xa của 180 xã trong tỉnh đều có chi bộ - sớm hơn một năm so với Nghị quyết của Tỉnh ủy.
Từ đây, không chỉ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở tất cả thôn, bản vùng cao, mà còn là nơi để các đảng viên người dân tộc thiểu số rèn luyện, phấn đấu cống hiến sức lực, hiểu biết của mình cho Đảng. Sau đấy không lâu, nhiều đảng viên được đào tạo, bồi dưỡng và nỗ lực phấn đấu, rèn luyện đã trở thành cán bộ chủ chốt ở cơ sở.
Có thể nói một cách hình ảnh, sự nghiệp "trồng người” khởi đầu từ hệ thống các trường phổ thông, trong đó các trường đặc thù dân tộc nội trú, phổ thông bán trú, các trường, lớp giáo dục mũi nhọn đào tạo nhân tài, 17 cơ sở trường nghề và việc thành lập chi bộ Đảng ở tất cả các thôn bản vùng cao, vùng xa chính là nguồn sinh thủy tạo nên những dòng sông lớn của Yên Bái.
Bội Đông
Bài 2: Chất lượng cán bộ và công tác quy hoạch cán bộ