Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, những năm qua, Phong trào thi đua "Dân vận khéo” đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể thành phố Yên Bái quan tâm, triển khai với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực.
Ông Lã Thiện Luận - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ngòi Sen, xã Văn Tiến phấn khởi: "Ngòi Sen có 165 hộ. Thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM), thôn được triển khai bê tông hóa 3 tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài 1.800 m và 1 cây cầu. Có thể thấy, sức dân phải đóng góp là rất lớn, đặc biệt để có tuyến đường vào đầm cá, khối lượng phải đào đắp lớn, di chuyển đất ruộng của hộ này sang hộ kia để có con đường đẹp, bảo đảm về kỹ thuật, nhân dân đi thuận lợi… Với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân trong thôn đã tích cực đồng thuận đóng góp tiền, ngày công lao động hoàn thiện công trình”.
Để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Đảng ủy xã Văn Tiến đã tập trung chỉ đạo các tổ dân vận tại các thôn đẩy mạnh Phong trào thi đua "Dân vận khéo”, tích cực tuyên truyền, vận động giải thích cho nhân dân hiểu rõ lợi ích thiết thực của việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và thực hiện các tiêu chí NTM.
Theo đó, sau gần 3 năm triển khai xây dựng NTM, nhân dân trong xã đã phát huy nội lực tham gia đóng góp trên 6 tỷ đồng để xây dựng và nâng cấp các công trình phục vụ sản xuất và dân sinh. Ngoài ra, bằng nguồn vốn huy động, nhân dân trong xã đã tự nguyện xây dựng 1 tuyến đường điện dài trên 3 km.
Trong phong trào phát triển kinh tế, nhân dân trong xã đã biết khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, đầu tư phát triển cây ăn quả có múi đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 97,82%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 23 triệu đồng năm 2016 lên trên 38 triệu đồng năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,79%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của xã đạt 17,78%. Đến nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, đang đề nghị tỉnh xem xét công nhận trong năm nay.
Đối với xã Âu Lâu, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với nhân dân lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tập trung tuyên truyền, giải thích và có phương án xem xét, giải quyết những kiến nghị của người dân liên quan đến chế độ, chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư theo quy định. Bên cạnh đó, thành lập tổ tuyên truyền, giải phóng mặt bằng vận động nhân dân thực hiện tự giác tháo dỡ vật kiến trúc bàn giao mặt bằng cho Nhà nước.
Tiêu biểu như: công trình xây dựng đường điện trung thế 35 kV, cải tạo sửa chữa đường điện 0,4 kV, xây dựng trạm bơm Cống Đá - Cửa Ngòi, sửa chữa cầu treo thôn Phú Nhuận... đã được nhân dân đồng thuận thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng bảo đảm thời gian thi công đúng tiến độ.
Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, nhờ làm tốt công tác dân vận, nhân dân đã tự nguyện hiến trên 7.000 m2 đất, đóng góp trên 30 tỷ đồng và trên 5.000 công lao động để xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương…
Chủ động chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, nhân dân trong xã đã duy trì hiệu quả 70 mô hình dự án phát triển kinh tế và Đề án sản xuất rau an toàn với diện tích gần 4 ha, góp phần hoàn thiện 19/19 tiêu chí NTM và được tỉnh công nhận xã NTM vào 11/2017.
Ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Âu Lâu cho biết: "Qua triển khai thực hiện các mô hình dân vận khéo về xây dựng NTM, giải phóng mặt bằng xã đã xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến và được nhân dân hưởng ứng triển khai hiệu quả. Năm 2019, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các tổ dân vận tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng các mô hình tổ hợp tác xã về rau an toàn, phát triển chăn nuôi, trồng trọt, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển; đồng thời, hướng đến xây dựng xã NTM nâng cao theo lộ trình đề ra”.
Xác định tầm quan trọng của công tác dân vận, đối với triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn, Thành ủy Yên Bái đã chỉ đạo xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác dân vận, chỉ đạo các chi, đảng bộ trực thuộc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, thực hiện Quy định số 124 của Ban Bí thư về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới… Từ đó, xác định cụ thể vai trò và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và các cấp chính quyền trong việc thực hiện công tác dân vận.
Triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thành ủy về công tác dân vận, 100% đảng ủy các xã, phường, cơ quan khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đều xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện; đồng thời, tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đến nay, thành phố đang duy trì 334 mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, có nhiều mô hình hay, hiệu quả, bước đầu tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới.
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, cấp ủy Đảng các cấp từ thành phố đến cơ sở đã chỉ đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới vào sản xuất, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng; khuyến khích động viên các hộ dân chuyển đổi ngành nghề, phát triển trồng trọt, chăn nuôi, từng bước phát triển kinh tế gia đình.
Trên cơ sở đó, mỗi địa phương đều hình thành những mô hình "Dân vận khéo” có sức lan tỏa và phát huy tối đa những đặc trưng thế mạnh trong phát triển kinh tế của từng địa phương. Tiêu biểu như các mô hình: cải cách hành chính của cơ quan phường Nguyễn Thái Học, trồng rau an toàn tại xã Âu Lâu, xã Tuy Lộc, trồng chanh tứ thời của xã Văn Tiến, nuôi ba ba của gia đình ông Hà Tiến Hùng, nuôi gà thương phẩm của gia đình bà Nguyễn Thị Liên phường Yên Ninh…
Ông Phùng Quang Huy - Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Trưởng khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị thành phố Yên Bái cho biết: "Ban Dân vận tiếp tục tham mưu với Thành ủy triển khai thực hiện đầy đủ các văn bản của Trung ương, tỉnh về công tác dân vận của hệ thống chính trị. Tập trung chỉ đạo đổi mới nâng cao công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.
Đồng thời, tăng cường sâu sát cơ sở nắm bắt tư tưởng của nhân dân, có những vấn đề phát sinh ở cơ sở để kịp thời báo cáo cấp ủy chính quyền có giải pháp chỉ đạo ổn định tình hình nhân dân. Qua đó, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thành phố ngày càng vững mạnh”.
Có thể khẳng định, nhờ thực hiện tốt công tác dân vận, thời gian qua, thành phố Yên Bái đã tạo được sự đồng thuận xã hội; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, là động lực để thành phố sớm trở thành đô thị loại II theo lộ trình.
Lê Hương - Thanh Nghị