Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành khoa học và công nghệ (18/5/1959 - 18/5/2019)

Khoa học và công nghệ Yên Bái - những chặng đường phát triển

  • Cập nhật: Thứ bảy, 18/5/2019 | 8:45:23 AM

YênBái - Cách đây 60 năm, Phòng Quản lý đo lường đầu tiên của tỉnh Yên Bái được thành lập (cơ quan tiền thân của Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái ngày nay).

Đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra việc trồng giống dưa Kim Cô Nương tại Trại thực nghiệm của Trung tâm Ứng dụng, Kỹ thuật, Thông tin khoa học và Công nghệ.
Đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra việc trồng giống dưa Kim Cô Nương tại Trại thực nghiệm của Trung tâm Ứng dụng, Kỹ thuật, Thông tin khoa học và Công nghệ.

Cách đây 60 năm, ngày 4/3/1959, thừa lệnh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Sắc lệnh số 16-SL thành lập Ủy ban Khoa học Nhà nước "Giúp Chính phủ xây dựng và lãnh đạo công tác khoa học về mọi mặt, nhằm phục vụ sự nghiệp kiến thiết xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao đời sống vật chất và văn hoá cho nhân dân, phục vụ sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà…”. Cũng từ đó, Phòng Quản lý đo lường đầu tiên của tỉnh Yên Bái được thành lập (cơ quan tiền thân của Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái ngày nay

Năm 1976, sau khi sáp nhập 3 tỉnh: Nghĩa Lộ, Yên Bái, Lào Cai thành tỉnh Hoàng Liên Sơn, Phòng Quản lý đo lường tỉnh Yên Bái sáp nhập với Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai thành Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hoàng Liên Sơn. Đến năm 1980 đổi tên thành Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hoàng Liên Sơn. 

Năm 1991, tỉnh Hoàng Liên Sơn tách ra thành tỉnh Yên Bái và Lào Cai, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hoàng Liên Sơn được tách ra thành Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai và Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Yên Bái. 

Đến năm 1993, đổi tên thành Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Yên Bái và được giao thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về môi trường và thanh tra khoa học. 

Đến tháng 10/2003, chức năng quản lý Nhà nước về môi trường được chuyển giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường được đổi tên thành Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái, là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động khoa học và công nghệ, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. 

Khi mới thành lập, từ một phòng với 3 cán bộ, sinh hoạt chung với Văn phòng UBND tỉnh, đến năm 2014, Sở Khoa học và Công nghệ đã có 74 cán bộ, công chức, viên chức; trong đó: 6 thạc sỹ, 49 cán bộ, viên chức có trình độ đại học; 6 phòng chức năng và 2 đơn vị trực thuộc. 

Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về sắp xếp lại tổ chức, bộ máy các cơ quan, đơn vị, năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ đã sáp nhập Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng trực thuộc Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng vào Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi tên thành Trung tâm Ứng dụng, Kỹ thuật, Thông tin khoa học và công nghệ trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái. 

Đồng thời, tổ chức lại bộ phận giúp việc quản lý Nhà nước thuộc Sở, trong đó sáp nhập Phòng Kế hoạch - Tài chính vào Văn phòng, chuyển Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thành Phòng Quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Sở. 

Sau sắp xếp tổ chức và tinh giản biên chế, hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ có có 64 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; trong đó: 15 thạc sỹ, 43 cán bộ, viên chức có trình độ đại học; gồm 5 phòng chức năng và 1 đơn vị sự nghiệp trực thuộc. 

Trải qua 60 năm, xây dựng và phát triển, mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực… song ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái đã có nhiều cố gắng, luôn bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khoa học và công nghệ; chủ trương, định hướng lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đã vận dụng, triển khai một cách sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của một tỉnh miền núi, không ngừng phấn đấu, xây dựng và phát triển, từng bước khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Thực hiện tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 đến 2020 của Chính phủ, thời gian qua, ngành Khoa học và Công nghệ đã chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh Yên Bái đến năm 2020; phê duyệt Đề án "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2013-2020”; phê duyệt Đề án "Đổi mới tổ chức và hoạt động Trung tâm Ứng dụng, Kỹ thuật, Thông tin khoa học và công nghệ tỉnh Yên Bái".

Đồng thời, tham mưu cho Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20 ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 

Đây là những nội dung quan trọng trong định hướng hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh trong những năm tiếp theo. Hoạt động nghiên cứu triển khai là nhiệm vụ được ưu tiên trong công tác quản lý khoa học và công nghệ địa phương, để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động này, Hội đồng Khoa học và Công nghệ đã thường xuyên được kiện toàn từ tỉnh đến các ngành và cơ sở; phương thức làm việc của Hội đồng đảm bảo đúng tinh thần của Luật Khoa học và Công nghệ.
 

Hội đồng Tư vấn, tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài, dự án khoa học.

Từ năm 2011 đến nay, hàng năm trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện từ 20 - 30 đề tài, dự án khoa học. Trong đó, chủ yếu là các đề tài, dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp, hướng vào đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, theo đúng định hướng của tỉnh. 

Các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông - lâm nghiệp đều tập trung hỗ trợ trực tiếp nông dân về giống, vật tư, đặc biệt về kỹ năng canh tác và chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; qua đó người dân đã từng bước tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy sản xuất phát triển, hàm lượng khoa học và công nghệ trong giá trị sản phẩm đã được nâng lên, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông - lâm nghiệp của tỉnh theo hướng tích cực. 

Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cùng với hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu, tổng kết, đánh giá, bước đầu đã cung cấp luận cứ khoa học cho tỉnh hoạch định các chủ trương, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trên một số lĩnh vực. 

Công tác quản lý công nghệ, an toàn bức xạ và sở hữu trí tuệ tiếp tục được quan tâm thực hiện và đã có kết quả tích cực. Ngành đã tham gia thẩm định công nghệ các dự án chuẩn bị đầu tư mới trên địa bàn; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị, chuyển giao công nghệ và xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các tổ chức, doanh nghiệp. 

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về sở hữu trí tuệ được quan tâm, đẩy mạnh, đã tiếp nhận, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân thủ tục hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn bức xạ trên địa bàn tỉnh được duy trì thường xuyên. Công tác thẩm định, cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ cho các đơn vị đảm bảo kịp thời. 

Hoạt động thông tin khoa học và công nghệ đã duy trì tốt công tác phối hợp với Báo Yên Bái, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tuyên truyền phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về khoa học và công nghệ; những thành tựu tiến bộ khoa học công nghệ trong và ngoài nước; các kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án khoa học công nghệ nhằm nhân ra diện rộng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 

Công tác thanh tra chuyên ngành khoa học công nghệ tiếp tục đi vào nề nếp và ổn định, góp phần nâng cao hiệu lực công tác quản lý Nhà nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Hoạt động quản lý Nhà nước về khoa học, công nghệ tại các huyện, thị xã, thành phố bước đầu đã đạt được kết quả  đáng ghi nhận. 

Công tác phối hợp trong quản lý Nhà nước trên địa bàn về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ đã thường xuyên hơn; các chương trình, dự án, đề tài khoa học công nghệ  được triển khai trên địa bàn các huyện đã có sự phối hợp quản lý tốt hơn từ khâu đề xuất, đến tổ chức triển khai và sử dụng kết quả của các đề tài, dự án khoa học khi kết thúc.

Hoạt động quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã có bước chuyển biến tích cực; phổ biến kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng đến đối tượng quản lý và các cơ quan liên quan. 

Công tác kiểm định phương tiện đo được duy trì thường xuyên và hiệu quả, hàng năm đã kiểm định được trên 2.000 phương tiện đo ở các lĩnh vực; triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 đối với 65 cơ quan hành chính Nhà nước theo quy định. Hoạt động quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, hạn chế hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo đo lường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, góp phần ổn định xã hội và phát triển kinh tế của địa phương. Hoạt động của Trung tâm Ứng dụng, Kỹ thuật, Thông tin khoa học và công nghệ từng bước khẳng định được vai trò của đơn vị ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. 

Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm luôn duy trì và tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm, nhất là trong sản xuất nông - lâm nghiệp, đưa các tiến bộ kỹ thuật, các giống cây, con mới và thử nghiệm các mô hình mới vào trong sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và hướng tới phát triển sản xuất nông lâm nghiệp bền vững, như công nghệ nuôi cấy mô tế bào, cải tạo vườn tạp, sản xuất giống mộc nhĩ, nấm dược liệu linh chi, sản xuất chế phẩm vi sinh, ứng dụng công nghệ sản xuất hoa chất lượng cao… 

Đánh giá và ghi nhận thành tích đạt được qua các thời kỳ, ngành Khoa học và Công nghệ Yên Bái liên tục được Bộ Khoa học và Công nghệ tặng bằng khen, chứng nhận Cúp vàng Vì sự nghiệp xanh Việt Nam; Chủ tịch UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen và cờ thi đua. Nhân kỷ niệm 45 năm thành lập ngành (năm 2004), Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III; nhiều cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III và  được công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh và ngành. Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ liên tục được công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; tập thể Công đoàn liên tục được công nhận Công đoàn cơ sở xuất sắc, Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh liên tục được tặng giấy khen. 

60 năm là khoảng thời gian ngắn ngủi so với lịch sử, nhưng những kết quả đạt được đã phản ánh một cách cơ bản, khái quát của một chặng đường xây dựng và phát triển ngành Khoa học và Công nghệ Yên Bái. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng có được bộ máy tổ chức với một đội ngũ cán bộ từng bước trưởng thành, được trang bị cơ sở vật chất, những thành công trong quá trình tổ chức thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành như ngày nay, trước hết là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của  Bộ Khoa học và Công nghệ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự quan tâm giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, của quần chúng nhân dân cùng với sự phấn đấu không ngừng của tập thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Khoa học và Công nghệ Yên Bái qua các thời kỳ, sẵn sàng vượt qua  khó khăn để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. 

Nhân dịp này, thay mặt cán bộ, công chức, viên chức ngành Khoa học và Công nghệ Yên Bái, xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp giúp đỡ có hiệu quả của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với ngành Khoa học và Công nghệ của tỉnh trong suốt thời gian qua. Xin ghi nhận và trân trọng cảm ơn những đóng góp của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức ngành Khoa học và Công nghệ Yên Bái qua các thời kỳ đối với sự nghiệp phát triển chung của ngành trong suốt 60 năm qua.

Vũ Xuân Hợi - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái

Tags Yên Bái khoa học công nghệ phát triển dự án

Các tin khác
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Tiếp tục ngày làm việc thứ hai, buổi sáng, Hội nghị thảo luận tại tổ về các báo cáo quan trọng, buổi chiều Bộ Chính trị họp xem xét các báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến tại Hội nghị.

Chiều 17/5, đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Tổ trưởng Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đã chủ trì buổi họp tham gia ý kiến xây dựng Dự thảo Đề cương sơ bộ Báo cáo chính trị và Dự thảo Kế hoạch xây dựng Văn kiện Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh.

Đường mòn Hồ Chí Minh. (Ảnh Tư liệu)

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là thành quả vĩ đại nhất trong lịch sử giải phóng dân tộc. Đóng góp vào thắng lợi chung vẻ vang ấy có con đường huyền thoại Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hình mẫu trong tôn trọng và sử dụng nhân tài (ảnh tư liệu)

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 129 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2019), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có đôi điều suy ngẫm về công tác cán bộ. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục