Trước đây, về công tác, công việc thì không được khả quan lắm. Khi đến giờ nghỉ trưa, anh được cơ sở mời đi dùng cơm tại một nhà hàng. Đến đây, gặp nhiều người quen nên uống nhiều hơn ăn, thức ăn thì còn nguyên mà rượu thì cứ "trăm phần trăm”.
Thành ra, rất hoang phí, vừa xót ngân sách do nhân dân đóng góp, lại hại sức, hại người, có khi còn mất cả "hình ảnh”...
Lần này về đây công tác, thấy cơ quan đã đổi khác. Đến giờ cơm được mời đi ăn bếp cơ quan. Vừa nhẹ nhàng tình cảm, vừa tiết kiệm mà vẫn không kém phần chu đáo, trọng thị. Rất khỏe người mà cũng rất chắc dạ, không còn lo sợ phải căng mình lên để "say sưa” nữa.
Hết giờ hành chính thì ra sân chơi thể thao, nơi thì bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn... rất là vui vẻ. Tối đến thì về phòng nghỉ, xem thời sự, rảnh rỗi thì thăm hỏi nhà bà con dân bản, hoặc ngồi bên ấm nước chè xanh nghe chuyện làm ăn ở cơ sở. Hôm sau, đến các đoàn thể thì thấy không khí hăng say làm việc.
Tìm hiểu kỹ mới biết, thì ra sự thay đổi đó là do anh em có tâm lý "thần tượng” người đứng đầu. Năm nay, cơ quan thay đổi thủ trưởng. Vị lãnh đạo mới tính tình giản dị, nghiêm túc, bám công việc, bám cơ sở. Thế là các ban, ngành, đoàn thể cũng theo đó mà thay đổi.
Đi đâu cũng "noi gương” đồng chí đứng đầu để sâu sát, gần gũi với người dân, hoàn thành tốt công việc, chăm lo tốt đời sống nhân dân cũng như gia đình.
Tâm lý "thần tượng” người đứng đầu cũng là hiện tượng khá phổ biến và điều đó không có gì là xấu. Tuy nhiên, cần hiểu thế nào là "thần tượng” để noi theo cho đúng, có hiệu quả thì sẽ tốt hơn. Đối với những người đứng đầu có biểu hiện thiếu gương mẫu, xa dân, suy thoái mà thuộc cấp cứ học theo họ thì là a dua, xu nịnh là đua đòi, chạy theo hay còn gọi là thần tượng ào ào, vừa làm hỏng công việc và hình ảnh của bản thân, vừa làm ảnh hưởng đến phong trào thi đua của cơ quan, đơn vị.
Đáng lo ngại hơn là làm suy giảm niềm tin của nhân dân. Do đó, cần noi gương người tốt, người giỏi, người vì dân, vì tập thể, vì cơ quan đơn vị; đồng thời, cần tránh tình trạng "thần tượng ào ào” ảnh hưởng đến phong trào chung và văn hóa cơ quan, công sở.
Với những người đứng đầu cơ quan, công sở, cần ý thức rõ vai trò, vị trí sự tác động của mình đến cấp dưới, đến tập thể, các ban, ngành, đoàn thể trực thuộc. Cần ý thức rõ vị trí "đầu tầu” mà vươn lên gương mẫu, hy sinh, cống hiến cho công việc, lành mạnh trong sinh hoạt, nói đi đôi với làm để cán bộ, đoàn thể và nhân dân noi theo.
Tránh tình trạng lợi dụng vị trí người đứng đầu để "phổ biến” hoặc "gây dựng” những thói quen xấu trong làm việc và trong sinh hoạt, làm ảnh hưởng đến phong trào chung và làm xói mòn niềm tin của nhân dân.
Quang Thiều