Vừa uyên thâm Hán học, vừa tinh thông Tây học, những bài biên khảo và nghiên cứu lịch sử, văn hóa của cụ rất phong phú, đa dạng, thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc sâu sắc. Ðặc biệt, cụ luôn đau đáu với việc khảo cứu lịch sử nước nhà với mong muốn mau chóng viết nên "một quyển Nam sử thật có giá trị".
Trước Cách mạng Tháng Tám, cụ là người đứng đầu nhiều tổ chức khoa học, nhiều phong trào truyền bá tri thức đương thời như Hội những người bạn của Viện Viễn đông Bác cổ, Hội Trí tri, Hội Truyền bá Quốc ngữ...
Trong đó, Truyền bá Quốc ngữ là phong trào có nhiều ảnh hưởng đối với xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, góp phần giải phóng cho gần 70 nghìn người thoát nạn mù chữ, là nền tảng vững chắc giúp cho người dân giác ngộ cách mạng vùng lên tranh đấu. Cũng chính từ kinh nghiệm phong phú ban đầu của truyền bá Quốc ngữ, sau này dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã lập nên kỳ tích trong việc xóa nạn mù chữ.
Là người thông tỏ Tây học, nhưng cụ luôn giữ cho mình một cốt cách dân tộc. Trong ký ức của nhiều người, cụ Nguyễn Văn Tố quanh năm khăn xếp, áo the, hết lòng chăm lo xóa nạn mù chữ và nâng cao dân trí cho những người lao động. Với lòng yêu nước nồng nàn, bản lĩnh kiên cường và tấm lòng trung chính, cụ đã đến với cách mạng như một lẽ tự nhiên.
Mùa thu năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công. Ðể lo việc nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ Nguyễn Văn Tố tham gia Chính phủ. Cụ nhậm chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ một học giả, một nhân sĩ yêu nước, rất nhanh chóng, cụ đã hòa mình vào dòng chảy của cách mạng, dồn tâm lực cho việc cùng nhân dân diệt "giặc đói" và "giặc dốt".
Trên cương vị Bộ trưởng, cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng Chính phủ thông qua một bản Kế hoạch rõ ràng về việc cứu tế, đồng thời tổ chức một cuộc vận động quyên góp gạo, kịp thời hỗ trợ những người dân nghèo vượt qua nạn đói. Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội (QH) Việt Nam, cụ đã được cử tri tỉnh Nam Ðịnh bầu làm đại biểu QH.
Ngày 2/3/1946, Kỳ họp thứ nhất của QH khóa I đã họp tại Nhà hát Lớn, thành phố Hà Nội. Mặc dù kỳ họp chỉ diễn ra trong bốn giờ đồng hồ, nhưng QH đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, trọng đại, trong đó có việc bầu ra Ban Thường trực QH. Cụ Nguyễn Văn Tố được bầu giữ chức Trưởng Ban Thường trực QH, chức vụ tương đương với Chủ tịch QH sau này. Quyền hạn của Ban Thường trực QH vào lúc đó được QH định ra là rất quan trọng, như: góp ý kiến với Chính phủ; phê bình Chính phủ; triệu tập QH trong những trường hợp nhất định.
Trên cương vị Trưởng Ban Thường trực QH, tuy thời gian chỉ hơn tám tháng, nhưng cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng với tập thể Ban Thường trực QH có nhiều đóng góp với cách mạng Việt Nam nói chung và QH Việt Nam nói riêng, đặt nền móng cho tổ chức và hoạt động của mô hình Ủy ban Thường vụ QH sau này.
Về công tác lập hiến, lập pháp, Ban Thường trực QH dưới sự lãnh đạo của cụ đã cho ý kiến vào nhiều dự án quan trọng trình QH như Dự án Luật Lao động, Dự thảo Hiến pháp. Ðặc biệt, bản Hiến pháp năm 1946 là Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Ðông, được thông qua với sự nhất trí gần như tuyệt đối. Bản Hiến pháp góp phần tuyên bố với thế giới: nước Việt Nam đã độc lập, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do.
Tham gia vào công cuộc kiến thiết đất nước, Trưởng Ban Thường trực QH Nguyễn Văn Tố đã dành nhiều thời gian chỉ đạo các tiểu ban của QH cho ý kiến về các dự án sắc lệnh của Chính phủ; xét 98 dự án Sắc lệnh, những Sắc lệnh đó đều có tính cách các đạo luật; thông qua nhiều nghị quyết về nội trị, ngoại giao. Ðồng thời tích cực phối hợp với các bộ, ngành trong việc hoàn thành các nhiệm vụ cứu đói, bình dân học vụ, phòng, chống thiên tai…
Về công tác đối ngoại, cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng Ban Thường trực QH, Chính phủ thi hành nhiều phương sách thích hợp để tỏ cho nhân dân thế giới biết và ủng hộ về khát vọng độc lập, hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Trong đó, điển hình là việc Ban Thường trực QH đã cử một phái đoàn của QH Việt Nam sang thăm Cộng hòa Pháp vào năm 1946; cùng với Chính phủ thông qua chủ trương ký Hiệp định sơ bộ để "giảng hòa với Pháp nhằm giành được giây phút nghỉ ngơi để sửa soạn cuộc chiến đấu mới...".
Với vai trò là Trưởng Ban Thường trực QH, cụ đã điều hành những phiên họp quan trọng của QH tại Kỳ họp thứ hai, QH khóa I vào tháng 11/1946 với sự nghiêm túc và tinh thần dân chủ cao độ trong QH.
Tại phiên chất vấn đầu tiên trong lịch sử của QH Việt Nam, cụ cũng đã trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu QH về hoạt động của Ban Thường trực QH, trong đó có vấn đề liên quan đến Quốc kỳ, được nhiều người dân quan tâm.
Ngày 3/11/1946, tại Kỳ họp thứ hai của QH khóa I, một lần nữa cụ lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Chính phủ và giữ chức Bộ trưởng không bộ. Chức Trưởng Ban Thường trực QH được chuyển cho cụ Bùi Bằng Ðoàn.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cụ cùng các thành viên của Chính phủ rời Thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc để tiếp tục lãnh đạo toàn dân kháng chiến. Ngày 7/10/1947, thực dân Pháp tiến hành một cuộc tập kích bằng không quân đổ bộ xuống Bắc Cạn với hy vọng tiêu diệt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến, cụ Nguyễn Văn Tố không may sa vào tay giặc.
Với tinh thần bất khuất trước kẻ thù, cụ bị chúng tra tấn dã man và sát hại khi sự nghiệp cách mạng của cụ đang còn dang dở. Cụ Nguyễn Văn Tố đã ngã xuống vì cách mạng, vì nước cộng hòa non trẻ, nhưng những cống hiến của cụ mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ người dân Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của cụ đã cống hiến trọn vẹn Ðức - Trí - Dũng cho cách mạng, cho khoa học và văn hóa nước nhà.
Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của cụ Nguyễn Văn Tố là một dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại cuộc đời, sự nghiệp vẻ vang và những cống hiến to lớn của cụ. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân đối với sự nghiệp đổi mới đất nước và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Uông Chu Lưu - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội