Theo Phó Thủ tướng, tháng 5 và 5 tháng năm 2019, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, xung đột thương mại tiếp diễn khó lường; trong nước, bệnh Dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta tiếp tục phát triển tích cực.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, thách thức; xảy ra nhiều vấn đề khiến dư luận bức xúc như: Văn hóa ứng xử, đạo đức, xâm hại trẻ em, gian lận thi cử, tội phạm ma túy, đánh bạc, tai nạn giao thông…
Giải trình nhóm vấn đề về việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng cho biết, tình hình thực hiện giải ngân thời gian qua đã có chuyển biến tích cực. Giải ngân 5 tháng đạt gần 100.000 tỷ đồng, bằng 29% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, công tác thực hiện và giải ngân còn nhiều hạn chế, yếu kém như đại biểu đã nêu: Một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, chưa thật sự chủ động, quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành quyết liệt triển khai các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư.
Về phát triển doanh nghiệp, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, hiện cả nước có hơn 730.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm.
"Năng lực, hiệu quả của khu vực doanh nghiệp tư nhân nhìn chung còn yếu, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; khả năng liên kết và tham gia chuỗi giá trị còn hạn chế; tỷ lệ doanh nghiệp bình quân còn thấp, ở mức 140 người dân/doanh nghiệp, trong khi ở các nước ASEAN trung bình là 80 đến 100 người dân/doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nêu.
Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; khẩn trương sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp theo hướng tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh; tăng khả năng tiếp cận vốn; cắt giảm điều kiện kinh doanh…
42 đại biểu đăng ký chất vấn Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.
Về khắc phục bất cập trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Phó Thủ tướng khẳng định, từ năm 2016 đến nay, việc tổ chức các kỳ thi THPT quốc gia đạt nhiều kết quả tích cực, giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh và giảm chi phí xã hội. Tuy nhiên, thực tế triển khai phát sinh tiêu cực, gian lận trong thi cử tại một số địa phương, trong đó kỳ thi năm 2018 vừa qua tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, có hơn 500 bài thi được nâng điểm.
Ngay sau khi có thông tin về hiện tượng gian lận trong thi cử, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xác định, điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm.
Về kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan để khắc phục những bất cập, giám sát chặt chẽ các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để bảo đảm kỳ thi diễn ra nghiêm túc, khách quan, công bằng.
Về đạo đức xã hội, theo Phó Thủ tướng, thời gian gần đây, ở một số địa phương để xảy ra những vấn đề về đạo đức xã hội gây bất an, bức xúc trong nhân dân, một bộ phận giới trẻ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các sản phẩm, dịch vụ văn hóa thiếu lành mạnh, độc hại, xuất hiện lối sống ích kỷ, thực dụng, vô cảm... Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung xử lý, sớm khắc phục tình trạng này.
Theo Phó Thủ tướng, việc ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức, lối sống là nhiệm vụ rất quan trọng, mang tính thường xuyên, lâu dài của các cấp, các ngành. Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần gương mẫu thực hiện và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Chính phủ đã quan tâm, thực hiện các giải pháp điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng về kinh tế nghiêm trọng như: Vụ Mobifone mua cổ phần của AVG, vụ án tại Công ty Gang thép Thái Nguyên...
Sau báo cáo, Phó Thủ tướng bắt đầu trả lời chất vấn của các đại biểu. Theo Chủ tọa điều hành phiên chất vấn, đã có 42 đại biểu đăng ký đặt câu hỏi.