Cùng quan điểm tán thành với với sự cần thiết ban hành luật, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Triệu Thị Huyền cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo nội dung sửa đổi.
Tham gia ý kiến cụ thể, đại biểu nêu: Điều 1 của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, tại khoản 11 điều 1 dự thảo sửa đổi khoản 2 điều 58 quy định: kết quả đánh giá, xếp loại công chức được lưu vào hồ sơ công chức và được thông báo công khai trong phạm vi quản lý. Về nội dung này, đại biểu Huyền đề nghị thay cụm từ "trong phạm vi quản lý” bằng cụm từ "trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác” cho thống nhất với Khoản 3 - điều 1 dự thảo luật về sử đổi, bổ sung khoản 2 điều 29 của luật hiện hành.
Đối với Khoản 14 Điều 1 dự thảo về sửa đổi bổ sung khoản 1 Điều 80 quy định về thời hiệu xử lý, kỷ luật cán bộ công chức ngoài điểm c, khoản 1 điều 80 đã được làm rõ tại các điểm a, b, c và d của Khoản 2 Điều 80 của dự thảo luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm tính chất của hai khái niệm "ít nghiêm trọng” và "nghiêm trọng” được quy định trong điểm a, điểm b - khoản 1 điều 80.
Đại biểu cho rằng ranh giới giữa 2 khái niệm này rất mơ hồ, khó phân định, dẫn đến áp dụng biện pháp thi hành kỷ luật với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm trong nhiều trường hợp chưa thuyết phục. Nhiều khi thực hiện một cách chủ quan, áp đặt gây bất lợi cho người vi phạm hoặc không xử lý đến nơi đến chốn đối tượng vi phạm.
Ngoài ra, làm rõ được 2 khái niệm trên sẽ dễ dàng trong việc áp dụng các hình thức kỷ luật nặng, nhẹ khác nhau, đồng thời cũng tránh được tình trạng nể nang, áp đặt theo ý chí chủ quan trong xử lý của người có thẩm quyền hay người vi phạm xin giảm nhẹ trong hình thức kỷ luật, dẫn đến tham nhũng trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức, đảm bảo được tính nghiêm minh của pháp luật, tạo ra được sự công bằng trong áp dụng hình thức xử lý, kỷ luật đối với các đối tượng cán bộ, công chức, đặc biệt là với đội ngũ công chức lãnh đạo quản lý có hành vi vi phạm dẫn đến phải thi hành kỷ luật.
Cũng trong buổi chiều 10/6, Quốc hội họp phiên toàn thể để biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 21/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Đại biểu Huyền cũng cho rằng khoản 16 Điều 1 dự thảo luật về sửa đổi bổ sung khoản 5 của Điều 84 quy định xử lý, kỷ luật đối với cán bộ công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu cần cân nhắc thêm các vấn đề về thời hạn, thời hiệu xử lý, hình thức xử lý, trình tự thủ tục, mối quan hệ giữa xử lý đối tượng này với trách nhiệm hành chính, hình sự đối với vi phạm và giải quyết hậu quả pháp lý của việc xử lý, kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu.
"Tôi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét tách phần xử lý cán bộ, công chức đã nghỉ hưu thành một điều riêng, quy định rõ ràng, chi tiết, cụ thể vấn đề này. Theo đó, ngoài hình thức khiển trách, cảnh cáo, hình thức xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm đối với cán bộ công chức sau khi nghỉ việc nghỉ hưu mới phát hiện hành vi vi phạm trong quá trình công tác thì đề nghị được nghiên cứu, xem xét quy định lại; có thể được thay thế bằng hình thức như: cắt, tước bỏ các quyền lợi về chính trị, về vật chất mà người đó vẫn đang được hưởng khi nghỉ hưu thì ý nghĩa của việc răn đe sẽ thiết thực hơn” - đại biểu nêu ý kiến.
Ngoài những nội dung đã được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật, đại biểu Huyền còn đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 36 - Luật Cán bộ, công chức hiện hành, cụ thể tại khoản 1, điều 63 quy định: Việc bầu cử cán bộ cấp xã được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật Bầu cử đại biểu HĐND, điều lệ của tổ chức có liên quan, các quy định khác của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền. Đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung đối với khoản này theo đúng tên gọi của luật hiện hành đó là Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Đối với một số nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức, đại biểu Huyền có ý kiến tại khoản 4, điều 2 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điều 41 về nội dung đánh giá viên chức. Ngoài các nội dung theo các điểm từ điểm a đến điểm d dự thảo luật đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm các nội dung để đánh giá viên chức là: chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì sẽ đầy đủ hơn.
Minh Quang