Chiều 10/6, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội và ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội đã thông tin thêm về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, trong quá trình xây dựng Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, Quốc hội chọn vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau để tham khảo, xin ý kiến Quốc hội theo quy định. Việc xin ý kiến các đại biểu là để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Luật chứ không phải biểu quyết thông qua Luật.
Cụ thể, Quốc hội lấy ý kiến đại biểu về 2 phương án: phương án 1 "Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn"; phương án 2 "Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông”.
Kết quả lấy ý kiến đại biểu với cả 2 phương án đều không quá bán, nghĩa là cả hai phương án trên đều không được bổ sung vào dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, việc Quốc hội không đồng ý với đề xuất "Đã uống rượu bia thì không lái xe" không có nghĩa là pháp luật Việt Nam thiếu chế tài cho các hành vi uống rượu, bia tham gia giao thông, mà pháp luật hiện hành trong lĩnh vực giao thông đã có đầy đủ quy định cấm.
Trong Nghị định của Chính phủ hiện hành cũng đã quy định xử phạt người điều khiển ô tô, mô tô, xe máy theo hình thức phạt tiền và tước giấy phép lái xe nếu vượt quá nồng độ cồn cho phép.
Về hướng xử phạt, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, tới đây trong Nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp này sẽ đưa vào nội dung giao Chính phủ tăng hình thức xử phạt tài xế uống rượu bia khi lái xe. Hình thức xử phạt có thể nâng thời gian tước giấy phép lái xe, hoặc có thể là tước giấy phép lái xe vĩnh viễn với các trường hợp lái xe uống rượu bia gây tai nạn.
"Giao Chính phủ nghiên cứu đề xuất làm sao cho phù hợp, có chế tài nặng hơn về mức xử phạt, đảm bảo tính răn đe” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói và cho biết, trong Bộ luật Hình sự cũng đã quy định, nếu uống rượu bia vi phạm đâm chết người bị xử phạt rất nặng, bị xử tù giam.
Trả lời câu hỏi có thông tin cho rằng, có đại biểu Quốc hội bị "tác động” bởi lợi ích nhóm khi xây dựng dự luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội cho rằng: "Việc lobby là quyền của các cơ quan. Nhưng không thể vì quyền đó mà chúng ta phải theo. Ở đây phải tính phương án cân bằng lợi ích giữa các bên. 13 cơ quan gửi văn bản đến và chúng tôi phải tổng hợp lại. Cho đến giờ phút này, cách tiếp thu giải trình của các bên là cơ bản thống nhất".
Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết thêm, theo đề nghị của Thủ tướng, sẽ có lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm rượu, bia.
Nhìn nhận vấn đề doanh nghiệp "vận động", Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói rằng, quy trình xây dựng văn bản pháp luật rất chặt chẽ, Quốc hội khi làm luật phải tính đến sự cân bằng lợi ích của 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
"Anh có thể lobby một vài người chứ làm sao mà lobby được 500 đại biểu” – ông Phúc nhận định.
(Theo VOV)