Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết ngày 25/6, tổng số vốn đã giải ngân đạt trên 1.128 tỷ đồng/3.552 tỷ đồng, bằng 32% kế hoạch, cao hơn 16,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Tại các đơn vị chủ đầu tư khối huyện, thị, thành phố, đến nay số vốn đã giải ngân đạt trên 508 tỷ đồng/tổng kế hoạch vốn giao 1.395 tỷ đồng, bằng 36,5% kế hoạch. Trong đó, vốn đầu tư phát triển giải ngân đạt trên 424 tỷ đồng, bằng 35,3% kế hoạch; vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư giải ngân trên 83 tỷ đồng, bằng 38,1%. Thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trạm Tấu và huyện Lục Yên là 3 địa phương tỷ lệ giải ngân mới đạt dưới 30%.
Đối với đơn vị chủ đầu tư là các sở, ban, ngành, đến nay đã giải ngân trên 500 tỷ đồng, bằng 26,5% kế hoạch. Trong đó, vốn đầu tư phát triển đạt trên 470 tỷ đồng; nguồn vốn nước ngoài (ODA) đạt trên 13 tỷ đồng, bằng 3,4% kế hoạch; vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư đạt trên 17 tỷ đồng, bằng 27,1% kế hoạch. 7 đơn vị chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt trên 50%, 13 đơn vị dưới 50% và 8 đơn vị chưa thực hiện giải ngân.
Ông Hồ Đức Hợp - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu ý kiến tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các sở, ngành và các địa phương đã báo cáo cụ thể tiến độ giải ngân các nguồn vốn, đồng thời làm rõ tồn tại, hạn chế, nguyên nhân tiến độ giải ngân thấp và đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy nêu rõ: Việc đầu tư công, giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa phục vụ mục tiêu phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội vừa đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh. Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã rất nỗ lực trong việc vận động, thu hút, lồng ghép các nguồn vốn để dành cho đầu tư công, xây dựng cơ bản; tiết kiệm chi thường xuyên để dành cho đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy phát biểu kết luận Hội nghị
Tỉnh đã nỗ lực thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, tiến độ thi công qua việc thực hiện giao sớm các nguồn vốn, phân cấp mạnh cho các địa phương, cải cách thủ tục hành chính để đơn giản hóa các thủ tục trong đầu tư xây dựng; thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo công tác đầu tư công, công tác giải ngân các nguồn vốn xây dựng cơ bản.
Tuy nhiên khi triển khai ở các địa phương, tiến độ thi công, tiến độ giải ngân trong 6 tháng đầu năm còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của các đơn vị chủ đầu tư, các sở, ngành, địa phương trong việc giải ngân chậm các nguồn vốn.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong 6 tháng cuối năm, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện đúng nội dung các văn bản, chỉ thị và quyết định của UBND tỉnh về đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các nguồn vốn. Các đơn vị chủ đầu tư xây dựng kế hoạch chi tiết từng dự án, các bước triển khai công việc còn lại phải làm và có mốc thời gian thực hiện cụ thể. Đặc biệt là kế hoạch khắc phục tồn tại, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Đối với các dự án chậm tiến độ, cần có kế hoạch thi công, giải ngân và phương án giải pháp thực hiện để bù đắp thời gian thi công đảm bảo tiến độ đề ra.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các đơn vị chủ đầu tư lập kế hoạch thi công và giải ngân đến 30/9 hoàn thành giải ngân đạt 75% tổng vốn đầu tư. Đối với dự án chuyển tiếp và khởi công mới đến ngày 5/7 phải hoàn thành các thủ tục đầu tư, thủ tục giải ngân để lựa chọn nhà thầu, tổ chức khởi công.
Các địa phương phải xây dựng lại tiến độ giải phóng mặt bằng cho từng dự án theo từng thời gian cụ thể, có giải pháp bù đắp tiến độ chậm, có giải pháp điều chỉnh lại tiến độ thi công. Người đứng đầu đơn vị chủ đầu tư, các địa phương trong tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu không hoàn thành việc giải ngân theo tiến độ đề ra.
Đối với dự án, công trình trọng điểm như dự án: đê Giới Phiên, đường nối quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, công viên Đồng Tâm…, chủ đầu tư phải xác định cụ thể tiến độ, ưu tiên cho giải phóng mặt bằng, quyết tâm trong tháng 7 phải hoàn thành cơ bản công tác giải phóng mặt bằng tất cả các công trình, dự án trọng điểm. Đối với Dự án kè suối Thia, đơn vị chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý dự án hoàn tất các thủ tục phê duyệt, bản vẽ thiết kế, bản vẽ thi công cho giai đoạn 2 để tiến hành đấu thầu.
Đồng chí giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với chủ đầu tư tiến hành rà soát lại nguồn vốn các dự án để báo cáo với UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy và điều chỉnh nguồn vốn sang dự án khác đồng thời hoàn thành văn bản hướng dẫn, xác định rõ các mốc thời gian thực hiện của kế hoạch đầu tư công năm 2020 trình UBND tỉnh trước ngày 30/6.
Mạnh Cường