Kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống Lực lượng thanh niên xung phong (15/7/1950 - 15/7/2019)

Khúc tráng ca bất tử

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/7/2019 | 8:17:42 AM

YênBái - Lư hương tỏa ngát, thành kính chắp tay, nỗi lòng se sắt, cảm phục các anh chị thanh niên xung phong (TNXP), vì nước quên thân… Đó là những xúc cảm khi chúng tôi đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ TNXP tại Khu Di tích lịch sử quốc gia Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên.

Lãnh đạo các báo Đảng khu vực trung du và miền núi phía Bắc, báo Trung ương đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ TNXP tại Khu Di tích lịch sử quốc gia Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên.
Lãnh đạo các báo Đảng khu vực trung du và miền núi phía Bắc, báo Trung ương đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ TNXP tại Khu Di tích lịch sử quốc gia Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên.

60 TNXP, người có ảnh, người không, những cái tên như hằn lên trong tâm trí: liệt sỹ Triệu Thị Nái, sinh năm 1955 (hy sinh 17 tuổi), dân tộc Dao; quê quán xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn; liệt sỹ Dương Thị Năm, sinh năm 1955 (hy sinh 17 tuổi), dân tộc Kinh; quê quán xã Tân Đức, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên; liệt sỹ Ma Văn Nguyên, sinh năm 1954 (hy sinh 18 tuổi), dân tộc Tày, quê quán xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn… 

Chao ôi! Các anh, các chị còn trẻ quá! Khuôn mặt kia, nụ cười kia, anh mắt kia toát lên vẻ hồn nhiên của tuổi đôi mươi – cái tuổi đẹp nhất của mỗi người. Chính cái thời khắc thanh xuân đẹp đẽ nhất, các anh, các chị đã ngã xuống để lại niềm tiếc thương vô hạn.

Trong chiến dịch đánh phá Hà Nội và miền Bắc 12 ngày đêm (từ 18 đến 29/12/1972), đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 vào thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng, thành phố Thái Nguyên và nhiều tỉnh, thành phố khác của miền Bắc. 

Cuộc tập kích đã gây cho nhân dân thành phố Thái Nguyên nhiều tổn thất nặng nề về người và của. Đại đội 915 vẫn kiên cường bám trụ làm nhiệm vụ. Lúc này, gần 20.000 tấn lương thực và hàng hóa quốc phòng do các nước xã hội chủ nghĩa anh em viện trợ cần giải tỏa - một nhiệm vụ hết sức khẩn trương và cấp bách được đặt ra. 

Ngày 23/12/1972, đồng chí Đỗ Mười, khi đó là Phó Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo UBND tỉnh Bắc Thái tổ chức ca kíp, tập trung lực lượng, phương tiện giải tỏa hàng hóa ở các kho nằm trong khu vực đánh phá của địch. 

Ngay sau đó, UBND tỉnh giao Đội 91 cử 100 cán bộ, đội viên xuống cùng các cán bộ, công nhân khu gang thép và ở ga Lưu Xá thực hiện nhiệm vụ. Đại đội 915 được Ban Chỉ huy Đội 91 giao nhiệm vụ cử 60 cán bộ, đội viên xuống ga Lưu Xá cùng các lực lượng làm nhiệm vụ giải tỏa lương thực, hàng hóa quốc phòng. 

Yêu cầu, nhiệm vụ cực kỳ cấp bách. Bất chấp hiểm nguy, vì ga Lưu Xá là trọng điểm đánh phá của máy bay ném bom chiến lược B52 của đế quốc Mỹ, cán bộ và đội viên Đại đội 915 đều xung phong đi làm nhiệm vụ nên lãnh đạo Đại đội đồng ý cho 66 đồng chí tham gia. 

Sáng sớm ngày 24/12/1972, từ nơi đóng quân ở xóm Bến Đò, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, 66 cán bộ, đội viên Đại đội 915 do Đại đội trưởng Triệu Văn Việt phụ trách đã hành quân và có mặt tại ga Lưu Xá, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Thế Cường - Đội phó Đội 91 làm nhiệm vụ giải tỏa lương thực, hàng hóa; số cán bộ, đội viên còn lại do Đại đội phó Tống Văn Minh phụ trách tiếp tục làm nhiệm vụ sửa chữa và bảo đảm giao thông vận tải trên đường 16A. 

Quán triệt khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến”, "Tất cả vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, với tinh thần "Miền Nam gọi, miền Bắc trả lời”, tại ga Lưu Xá, 66 cán bộ, đội viên Đại đội 915 làm việc miệt mài quên ăn, quên nghỉ, thoăn thoắt chuyển từng bao lương thực, hàng hóa lên xe ô tô. 

Không chịu thua các nam đội viên, có nữ đội viên đã cõng trên lưng bao gạo nặng gần gấp đôi trọng lượng cơ thể. Chập tối 24/12, số lương thực, hàng hóa quốc phòng tồn đọng ở ga Lưu Xá cơ bản đã được giải tỏa, cả đơn vị còn chưa kịp ăn cơm thì còi báo động rú lên, tiếng loa phóng thanh dồn dập thông báo máy bay Mỹ đang bay vào thành phố Thái Nguyên. 

Rồi tiếng máy bay như muốn xé toang bầu trời, bom từ những chiếc B52 bắt đầu trút xuống, từng đợt, từng đợt, tiếng nổ dữ dội nối theo nhau làm mặt đất rung lên. Toàn bộ 66 cán bộ và đội viên Đại đội 915 cùng đồng chí Đội phó Đội 91 Nguyễn Thế Cường và 2 thủ kho lương thực đã vào hết 2 hầm trú ẩn ở khu tập thể Bệnh viện Gang thép tại xóm Xuân Quang, xã Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên (1 hầm tập thể hình chữ U xây bằng gạch, nắp đậy bằng bê tông vững chắc; 1 hầm kèo chữ A làm bằng tre, gỗ). 

Sáu tốp máy bay ném bom chiến lược B52 và các máy bay chiến thuật của giặc Mỹ liên tục đánh phá. Chúng lồng lộn thả bom. Một loạt bom rơi vào khu vực cán bộ, đội viên Đại đội 915 và thủ kho lương thực trú ẩn. Một quả bom rơi trúng một đầu hầm chữ U, nơi trú ẩn của phần đông TNXP. Liền lúc đó, quả bom khác lại thả trúng đầu hầm bên kia, làm căn hầm lún sâu, biến dạng; đồng thời, vùi lấp căn hầm chữ A bên cạnh. 

Khi còi báo yên, bầu trời Gia Sàng chìm trong bóng tối và yên lặng, nhưng là cái yên lặng rùng rợn của chết chóc, đau thương. Tại nơi căn hầm bị trúng bom, các lực lượng của địa phương, đơn vị ở gần đó (nhân dân địa phương, ga Lưu Xá, tự vệ và cán bộ, công nhân thuộc Công ty Gang thép, các đơn vị vận tải...) đã tập trung đào bới, tìm những người bị vùi lấp do sập hầm. 

Trong đêm tối, từng đợt gió mùa Đông Bắc tràn về. Nước mắt và những giọt mồ hôi lặng lẽ rơi xuống. Thi thể một số TNXP không còn nguyên vẹn, vương vãi khắp nơi, có bàn chân, bàn tay nằm trên nóc nhà, cành cây, có người phải khó khăn lắm đồng đội mới nhận ra được bởi sự tàn phá của bom đạn làm cho khuôn mặt bị biến dạng, dập nát. 



Khu Di tích lịch sử quốc gia Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái trở thành điểm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.  

Tại căn hầm bị sập, mấy chục thi thể dồn lại, bị chết do ngạt thở; một số đội viên nữ chết trong tư thế người nọ ôm người kia, liền nhau thành một khối, đồng đội phải gỡ từng người ra, đưa các chị lên các xe ô tô tải, vận chuyển về Dốc Lim. Ở đó, có hơn ba chục cán bộ, chiến sỹ của các đại đội thuộc Đội 91 được điều tới đào huyệt, chôn cất. 

Không ai cầm được nước mắt, vừa xót thương vừa miệt mài làm nhiệm vụ, cẩn trọng từng li, từng tí như gửi nỗi niềm xót thương, nhớ nhung của mình với những người đồng đội. Thi thể của các chị, các anh được đồng đội dùng cồn lau rửa, khâm liệm chu đáo. Những thi thể không còn nguyên vẹn được đưa vào túi nilon, xếp thành hàng, đặt vào đó một bộ quần áo TNXP mới. Từng ngôi mộ được đánh số, vẽ sơ đồ cẩn thận. 

Đến sáng 25/12, việc tìm kiếm, cứu nạn cơ bản hoàn tất. Trận ném bom khốc liệt của đế quốc Mỹ đã cướp đi sinh mạng của 62 người đang làm nhiệm vụ, gồm: Đội phó Đội 91 Nguyễn Thế Cường, 59 cán bộ, đội viên Đại đội 915; 2 cán bộ thủ kho của Ty Lương thực là đồng chí Lê Quang Hòa và Đỗ Xuân Sinh; 7 cán bộ, đội viên Đại đội 915 bị thương…

Các chị, các anh đã hy sinh anh dũng nhưng tấm gương về lòng yêu nước vẫn trường tồn, làm nên khúc tráng ca bất tử. Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại đội 915. 

Nhân dân địa phương đã xây dựng Nhà tưởng niệm, lập bia để lưu danh truyền thống. Địa điểm hy sinh của các liệt sỹ đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận Di tích lịch sử quốc gia, hàng năm, đón tiếp hàng vạn lượt du khách thập phương hành hương, viếng lễ, tưởng nhớ, tri ân các liệt sỹ hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. 

Ngọc Sơn

Các tin khác

Tăng “đề kháng”, nâng cao kiến thức, nhận thức để không sa vào bẫy thông tin giả, mạo danh trên mạng xã hội, trang tin điện tử đòi hỏi trách nhiệm ngày càng cao của mỗi cán bộ, đảng viên.

Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ XV/ Yên Bái tăng 18 bậc chỉ số gia nhập thị trường/ Tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp THPT đạt trên 92%/ Tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn hoạt động quỹ tín dụng nhân dân/ Dân số Yên Bái trên 82 vạn người... là những tin tức đáng chú ý trong tuần qua.

Trong hôm nay (13/7) và ngày mai sẽ diễn ra hàng loạt các hoạt đông kỷ niệm 20 năm Thủ đô Hà Nội được UNESCO vinh danh "Thành phố vì hoà bình".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc, chiều 12-7, tại Đại lễ đường Nhân dân, thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục