Thực hiện Kế hoạch 170 ngày 14/6/2019 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2019 - 2021; Kế hoạch số 141 ngày 18/6/2019 của UBND huyện Yên Bình về triển khai thực hiện Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã huyện Yên Bình, giai đoạn 2019 - 2021, đến nay 4 xã thuộc diện sáp nhập trên địa bàn huyện Yên Bình đã triển khai các bước quy trình theo kế hoạch.
Chủ trương đúng, lòng dân thuận
Những ngày đầu tháng 7, cơn mưa rào do ảnh hưởng của đợt áp thấp cũng không làm ngơi nhiệt huyết các thành viên trong Tổ công tác của huyện cùng xã Cảm Nhân và thôn Làng Rẫy trực tiếp đến nhà dân để lấy ý kiến về việc nhập xã Tích Cốc với xã Cảm Nhân thành xã Cảm Nhân.
Theo phương án, xã Tích Cốc sẽ sáp nhập vào xã Cảm Nhân với tên gọi mới là xã Cảm Nhân. Nói về cách làm của địa phương, đồng chí Lưu Ánh Dương - Chủ tịch UBND xã Cảm Nhân cho biết: "Thực hiện chủ trương sáp nhập xã, sau khi có các văn bản, chỉ thị của cấp trên, địa phương chúng tôi đã thành lập Ban Chỉ đạo, tổ chức hội nghị tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, công chức và cử tri, vừa để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng vừa kịp thời giải quyết những vướng mắc, băn khoăn từ phía người dân. Vì vậy, khi tiến hành lấy ý kiến, cử tri đều nhất trí đồng thuận”. Sau khi điều chỉnh, xã Cảm Nhân mới sẽ có tổng diện tích tự nhiên 44,26 km2, dân số có 8.740 người, 2.185 hộ, 13 thôn, đảm bảo điều kiện về dân số và tiêu chuẩn về diện tích đạt 89%.
Chúng tôi đến xã Văn Lãng khi sáp nhập thôn đang là chủ đề được bà con bàn luận rôm rả. Là 2 xã có vị trí liền kề, tiếp giáp nhau thuận lợi để thực hiện việc sáp nhập, huyện Yên Bình đã xây dựng phương án điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên 10,64 km2 và dân số 2.150 người của xã Văn Lãng vào xã Phú Thịnh. Và như vậy, xã Phú Thịnh sau khi sáp nhập sẽ có diện tích tự nhiên trên 22,4 km2, 10 thôn với tổng dân số 5.260 người. Trao đổi với một số cử tri, được biết, khi mới có chủ trương sáp nhập, người dân Văn Lãng không tránh khỏi những băn khoăn.
"Song, với sự tích cực nắm bắt, lắng nghe, tổng hợp đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân, khơi dậy tinh thần làm chủ trong nhân dân và tuyên truyền để người dân hiểu sáp nhập lại là để đời sống của người dân được nâng cao hơn nên 577/577 khẩu trong thôn chúng tôi hoàn toàn đồng tình với phương án sáp nhập xã” - ông Nguyễn Xuân Mai - Bí thư Chi bộ thôn 4 Đồng Tiến, xã Văn Lãng cho hay.
Khi thực hiện xong việc sáp nhập 4 xã thành 2 xã, huyện Yên Bình sẽ còn 24 đơn vị hành chính, trong đó có 22 xã và 2 thị trấn. Phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã là chủ trương lớn, góp phần tạo sự thay đổi tích cực, phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm được chi tiêu công, góp phần nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính.
Ông Nguyễn Xuân Vụ - thôn Lãng Rẫy, xã Cảm Nhân chia sẻ: "Người dân chúng tôi sau nắm bắt rõ chủ trương sáp nhập xã qua các cuộc họp, qua chương trình thông tin, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã thì đều đồng tình với chủ trương của cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra”.
Có thể thấy, việc sắp xếp các đơn vị hành chính sẽ khắc phục cơ bản tình trạng các đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số. Sau sắp xếp, các đơn vị hành chính cũng có thêm điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Những mong muốn
Đảm bảo việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, UBND huyện đã triển khai các bước quy trình theo đúng kế hoạch của UBND tỉnh, thành lập 4 tổ công tác hướng dẫn, đôn đốc các xã, thôn trong diện sáp nhập thực hiện các quy trình, trình tự lấy ý kiến cử tri theo quy định.
Tình hình của địa phương cơ bản ổn định, cán bộ, đảng viên, công chức đã có nhận thức đúng đắn về sự cần thiết thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và gương mẫu tham gia tổ chức thực hiện. Đa số các tầng lớp nhân dân tỏ thái độ đồng thuận và tin tưởng với chủ trương, nghị quyết về thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Điều này được thể hiện ở số phiếu với tỷ lệ đồng ý chủ trương sáp nhập cao: xã Cảm Nhân là 96,29%, Tích Cốc là 88,84%, Văn Lãng 95,49% và Phú Thịnh là 88,03%.
Là người từng tham gia cuộc "đại chuyển dân” từ vùng lòng hồ để nhường đất xây dựng Thủy điện Thác Bà - đứa con đầu lòng của ngành thủy điện Việt Nam vào năm 1960 cùng 2 lần xen ghép xã và lần này là sáp nhập xã, trên khuôn mặt đã nhiều nếp nhăn, ông Bàn Đức Thành - người có uy tín ở thôn 2 Tích Cốc móm mém: "Trải qua nhiều thay đổi song, sáp nhập xã lần này, tôi hoàn toàn đồng tình, ủng hộ. Bởi chỉ đơn giản là chuyển đơn vị hành chính, địa danh, người dân không phải di chuyển đi đâu. Lúc đầu có băn khoăn song, khi được lãnh đạo huyện, xã và thôn cùng với nhân dân bàn bạc thì đa số người dân đều nhất trí với chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, cái tên Tích Cốc đã gắn bó với người dân 52 năm nay, nên chúng tôi mong muốn tên Tích Cốc sẽ được đặt là tên của một thôn để người dân luôn nhớ về lịch sử hình thành của một địa phương”.
Cùng với đó, cử tri các xã sáp nhập mong mỏi là làm sao sau khi sáp nhập, chính quyền xã vẫn tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất, không có những xáo trộn trong thực hiện các giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và trạm y tế, trường học sẽ được giữ nguyên để thuận lợi cho việc chăm sóc sức khỏe và phát triển giáo dục đào tạo cho con em địa phương. Hơn nữa, cử tri mong muốn cấp ủy, chính quyền, cán bộ đảng viên tiếp tục đoàn kết, tập trung trí tuệ đề ra những giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế hộ bền vững, tạo nền tảng để củng cố đoàn kết trong nhân dân sau khi sáp nhập.
Trước những băn khoăn rất chính đáng của người dân, đồng chí Nguyễn Văn Trọng - Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Huyện sẽ thực hiện phương án tại chỗ để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho con em đến trường và để người dân được chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, chủ trương của huyện là sẽ tạo mọi điều kiện, bố trí cán bộ về tận các khu thôn, bản để sửa đổi giấy tờ liên quan cần có điều chỉnh do quá trình sáp nhập và huyện sẽ không thu bất kỳ khoản phí và lệ phí trong quá trình thay đổi các giấy tờ do sáp nhập. Đối với các ý kiến về chế độ chính sách cũng như việc sắp xếp đội ngũ, huyện cũng đã có phương án sắp xếp để không ảnh hưởng đến vị trí việc làm cũng như về chế độ chính sách đối với cán bộ công chức”.
Bằng bước đi thận trọng, chắc chắn, nghiêm túc trong từng khâu và công khai, minh bạch, khách quan, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của huyện Yên Bình đã nhận được sự đồng thuận và được người dân tin tưởng. Việc làm này sẽ góp phần để chủ trương lớn của Đảng đi vào cuộc sống và phát huy nguồn lực của Nhà nước cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về vật chất và tinh thần của nhân dân.
Ông Nguyễn Đức Hạnh - Chủ tịch UBND xã Tích Cốc:
"Thực hiện Chủ trương sáp nhập xã, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã hàng ngày, hàng tuần nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; tiếp đó, tuyên truyền vận động cho đội ngũ già làng, trưởng bản để họ hiểu và trực tiếp tuyên truyền đến người dân. Sau đó, xã thành lập các tổ tuyên truyền đến các thôn bản và lấy ý kiến của nhân dân. Nhờ vận dụng tốt các bước này nên toàn thể nhân dân xã Tích Cốc đã đồng thuận cao với chủ trương sáp nhập.
Ông Hoàng Mạnh Vân - Bí thư Chi bộ thôn Làng Rẫy, xã Cảm Nhân:
"Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân về chủ trương sáp nhập 2 xã Cảm Nhân và Tích Cốc thành xã Cảm Nhân, thôn Làng Rẫy đã thành lập các tổ tuyên truyền đến từng hộ dân, chủ động tuyên truyền để người dân hiểu được đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước để thúc đẩy giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Thông qua kết quả lấy ý kiến, Làng Dãy là một trong những thôn có tỷ lệ người dân ủng hộ việc sáp nhập rất cao".
Ông Trần Hữu Tuấn - thôn 4, xã Văn Lãng:
"Người dân đều hiểu, ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước và đồng tình cao với việc sáp nhập 2 xã Phú Thịnh và Văn Lãng thành xã Phú Thịnh. Tôi đề nghị Đảng, Nhà nước, tỉnh Yên Bái, huyện Yên Bình có chế độ hỗ trợ kinh phí trong việc chuyển đổi các giấy tờ cá nhân như: thẻ căn cước, thẻ bảo hiểm, giấy phép lái xe… để người dân thuận lợi khi giải quyết công việc của cá nhân, gia đình.
Tôi tin tưởng rằng, sáp nhập hai xã là nhân lên sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong nhân dân để tiếp tục mở thêm đường giao thông nông thôn, xây thêm cầu, thắp sáng thêm nhiều tuyến đường quê... nông thôn ngày càng tiến bộ, bà con càng phấn khởi hơn". |
Thanh Chi - Hoài Văn