Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng Chính phủ chủ trì buổi làm việc.
Đồng chủ trì buổi làm việc có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam.
Tham dự buổi làm việc có các đồng chí thành viên Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh miền núi phía Bắc, hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và thủ đô Hà Nội
Dự buổi làm việc về phía tỉnh Yên Bái có các đồng chí: Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Đức Duy – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây là cuộc họp có ý nghĩa quan trọng sau 5 lần làm việc của Tiểu ban.
Trước hết, Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Yên Bái và các tỉnh trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Thủ tướng đề nghị các địa phương cần chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, lũ quét, sạt lở đất, không để ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Nhấn mạnh tầm quan trọng buổi làm việc của Tiểu ban, Thủ tướng đề nghị các đại biểu nhận định đánh giá đúng tình hình, đề ra quan điểm, mục tiêu, giải pháp phát triển mới phù hợp với tình hình mới, tiến kịp với cuộc cách mạng khoa học - công nghệ trên toàn cầu. Các tỉnh vùng miền núi phía Bắc còn gặp nhiều khó khăn do địa hình chia cắt và tỷ lệ hộ nghèo cao song đây là vùng có vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái, có nhiều tiềm năng để phát triển. Chính vì vậy, buổi làm việc hôm nay sẽ giúp các địa phương tìm ra được lợi thế phát triển, có tính liên kết vùng, nhất là liên kết với thủ đô Hà Nội để phát triển.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đề xuất các giải pháp để phát triển kinh tế vùng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và các giải pháp đặc biệt quan trọng để Tiểu ban tiếp thu, tham gia góp ý vào văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Phát biểu tại buổi làm việc,
đồng chí Phạm Thị Thanh Trà – Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái bày tỏ vui mừng khi được lựa chọn là địa phương tổ chức buổi làm việc của Tiểu ban. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Yên Bái đã phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển, xác định rõ động lực, muc tiêu để phát triển, tập trung vào 3 đột phá chiến lược và 6 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà phát biểu ý kiến về thực hiện 3 đột phá chiến lược của tỉnh
Về thực hiện 3 đột phá chiến lược, Yên Bái tập trung thực hiện các nhiệm vụ: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện phân cấp mạnh mẽ hầu hết các lĩnh vực thu hút đầu tư, thu chi ngân sách, quản lý tài sản công, công tác cán bộ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông.
Yên Bái cũng tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong đó, ưu tiên phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển mạnh thương mại, dịch vụ.
Cùng với đó, Yên Bái cũng có những cơ chế đủ mạnh để thực hiện sắp xếp tổ chức, tinh giản bộ máy, biên chế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với nâng cao chế độ công vụ, công chức; đầu tư đưa vào hoạt động đồng bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh và Bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã để giải quyết cơ bản 100% các thủ tục hành chính.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà đề xuất Tiểu ban và Chính phủ quan tâm giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng, nhất là quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực, thực hiện công tác giảm nghèo nhanh và bền vững để rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng trong cả nước; quan tâm việc sắp xếp, bố trí dân cư một cách hợp lý để thuận lợi hơn trong việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng "điện, đường, trường, trạm". Cùng với đó, quan tâm đến công tác phòng chống, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai gây ra.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham dự buổi làm việc
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, các tỉnh trong vùng còn nhiều dư địa để phát triển theo hướng phát triển bền vững nên đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương quan tâm giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các tỉnh để thúc đẩy kinh tế vùng phát triển nhanh và bền vững, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh, các thành viên Tiểu ban và các bộ, ngành Trung ương đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn. Kinh tế - xã hội của vùng tuy gặp nhiều khó khăn song vẫn có nhiều tiềm năng phát triển.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết cần quan tâm đầu tư cho y tế, giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là chăm lo cải thiện dinh dưỡng, đổi mới giáo dục cho trẻ em
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Do đó, các tỉnh đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường kết nối vùng để phát triển du lich; liên kết chuỗi trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Chính phủ cần có các chính sách đặc thù cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng; quan tâm đến công tác bố trí dân cư; quy hoạch phát triển vùng sản xuất. Tăng cường liên kết giữa thủ đô Hà Nội với các tỉnh trong vùng và các tỉnh trong vùng với Hà Nội trong lĩnh vực thương mại, du lịch, văn hóa xã hội và đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; quan tâm đầu tư đối với các địa phương được xác định là trọng điểm du lịch của vùng; tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông; có chiến lược, đề án phát triển kinh tế rừng bền vững; nghiên cứu có chiến lược phù hợp để sắp xếp hợp lý dân cư trong vùng nhằm giảm áp lực đầu tư về cơ sở hạ tầng; quan tâm đầu tư cho y tế, giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là chăm lo cải thiện dinh dưỡng, đổi mới giáo dục cho trẻ em vùng dân tộc, đổi mới mô hình bán trú…
Các đại biểu tham dự buổi làm việc của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với các tỉnh miền núi phía Bắc, hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và thủ đô Hà Nội được tổ chức tại tỉnh Yên Bái
Kết luận buổi làm việc,
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Tổ biên tập văn kiện tiếp thu ý kiến của các đại biểu phát biểu tại buổi làm việc và ý kiến tham gia của các đại biểu bằng văn bản.
Thủ tướng đánh giá cao những kết quả mà các tỉnh trong vùng trung du, miền núi phía Bắc đạt được trong thời gian qua, nhất là việc thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; môi trường kinh doanh cải thiện hơn trước, thu hút được nhiều doanh nghiệp; kinh tế - xã hội phát triển ổn định, nhiều địa phương chuyển dịch cơ cấu rất mạnh mẽ, tạo được niềm tin trong nhân dân.
Thủ tướng đánh giá cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao của các tỉnh trong vùng. Khẳng định vai trò quan trọng của vùng trung du, miền núi phía Bắc và hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An trong bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ an ninh biên giới, là lá phổi xanh của cả nước, bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển bền vững. Vùng trung du, miền núi phái Bắc còn thúc đẩy xuất nhập khẩu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và là thị trường lớn tiêu thụ hàng hóa cho thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận buổi làm việc
Về quan điểm phát triển của vùng, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải phát triển toàn diện, bền vững, phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng nhưng trước hết cần tập trung giữ dân, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững mối đoàn kết các dân tộc và thực hiện tốt các chính sách dân tộc dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp đó là tập trung giữ rừng, phát triển lâm nghiệp một cách bền vững và giữ vững mối quan hệ với các nước láng giềng để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển.
Về phương hướng phát triển của vùng, Thủ tướng cũng nhấn mạnh mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, biến thách thức thành cơ hội; tập trung khắc phục những tồn tại trong chính sách từ Trung ương đến địa phương; tập trung tháo gỡ một số hạ tầng quan trọng, các điểm nghẽn trong phát triển, nhất là hạ tầng giao thông, đường hàng không, đường cao tốc.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu xây dựng các chính sách đặc thù phù hợp với tình hình mới, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Tiếp tục phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước, phát triển nghề rừng, rừng gỗ lớn và công nghiệp chế biến gỗ; chú trọng phát huy lợi thế kinh tế cửa khẩu và phát triển đô thị vùng tạo động lực phát triển.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương tập trung các nguồn lực để kè sông, kè suối giáp biên bảo vệ biên giới quốc gia; khuyến khích kêu gọi các dự án đầu tư trong và ngoài nước có quy mô lớn tạo cú hích trong phát triển kinh tế; tập trung ứng dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất theo tinh thần hợp tác quốc tế sâu rộng.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tiếp thu và trả lời các ý kiến, kiến nghị của các địa phương trong vùng.
Mạnh Cường – Hoài Văn