Những năm qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), sự lãnh, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp trách nhiệm của các ngành, các cấp trong tỉnh, công tác thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công (NCC) với cách mạng và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" ở tỉnh Yên Bái đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Phóng viên (PV) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tuấn Chung - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2019).
PV: Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng số 04/2012/UBTVQH13 và Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đã có hiệu lực thi hành từ năm 2013 trên toàn quốc. Vậy việc triển khai chính sách ưu đãi NCC ở tỉnh Yên Bái hiện nay đã được thực hiện thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Tuấn Chung: Hiện nay, tỉnh Yên Bái đang quản lý và thực hiện chính sách cho 111.117 hồ sơ NCC và người hoạt động kháng chiến. 100% hồ sơ đã được số hóa, bảo quản lưu trữ lâu dài và tra cứu phục vụ công tác chuyên môn. Sở LĐTBXH đã cấp tài khoản cho tất cả các huyện, thị xã, thành phố để truy cập phục vụ công tác. Hiện, toàn tỉnh đang có 6.263 đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền chi trả hàng tháng là 11.093 triệu đồng.
Trong 5 năm qua, Sở LĐTBXH đã thẩm định, ra quyết định và giải quyết 55.525 lượt hồ sơ NCC, gồm: trợ cấp hàng tháng, trợ cấp 1 lần, trợ cấp thờ cúng liệt sỹ, bảo hiểm y tế, mai táng phí... đảm bảo kịp thời, đúng qui định; đến nay, cơ bản không có hồ sơ tồn đọng xác nhận NCC tại cấp tỉnh, huyện.
Cũng trong thời gian này, Sở đã thực hiện giải quyết chế độ điều dưỡng cho 9.120 người đến niên hạn, trong đó: điều dưỡng tập trung cho đối tượng NCC là 2.650 người, điều dưỡng tại gia đình 6.470 người; thẩm định và cấp kinh phí trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho gần 1.000 người; mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% NCC đảm bảo kịp thời, đúng qui định…
Đồng thời, mỗi năm chi trả ưu đãi giáo dục và đào tạo cho trên 300 trường hợp là con của NCC với kinh phí trên 1,9 tỷ đồng. Vào dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sỹ hàng năm đã tặng trên 100 nghìn suất quà cho NCC với kinh phí trên 30 tỷ đồng.
Toàn tỉnh hiện có 59 công trình ghi công liệt sỹ; trong đó: 15 nghĩa trang liệt sỹ, 3 nghĩa trang người Trung Quốc, 2 công trình đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, 38 công trình nhà bia ghi tên liệt sỹ, 1 công trình đền thờ liệt sỹ với tổng số 2.047 mộ liệt sỹ.
Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã đầu tư 21.612 triệu đồng từ ngân sách Nhà nước để xây mới, sửa chữa, tu bổ 19 công trình, trong đó có 14 nghĩa trang cấp huyện, 1 nghĩa trang cấp tỉnh, 4 nhà bia ghi tên liệt sỹ.
Phong trào Toàn dân chăm sóc gia đình thương binh liệt sỹ và NCC được duy trì thực hiện thường xuyên. Đến nay, 142 xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh liệt sỹ và NCC trong tổng số 174 xã, phường, thị trấn có NCC; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng…
Trong 5 năm, đã huy động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh, huyện được hơn 12 tỷ đồng để hỗ trợ làm nhà cho NCC, thăm hỏi, động viên gia đình NCC gặp khó khăn, hoạn nạn… Đến hết năm 2018, có 93,46% hộ gia đình NCC toàn tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
PV: Hỗ trợ gia đình NCC khó khăn về nhà ở là mục tiêu của Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc triển khai công tác này ở Yên Bái thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Tuấn Chung: Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở, từ năm 2013 đến hết năm 2018, toàn tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ làm nhà ở cho NCC với cách mạng được 2.642 nhà; trong đó: làm mới 2.064 căn, sửa chữa 578 căn; tổng kinh phí thực hiện là 95.308 triệu đồng, trong đó: kinh phí Trung ương 71.740 triệu đồng, kinh phí địa phương 5.180 triệu đồng, từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và vận động từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp là 18.460 triệu đồng.
Cùng với đó, các gia đình NCC đã đầu tư thêm hơn 200 tỷ đồng góp phần cải thiện tình trạng nhà ở, nâng cao đời sống. Đã có 2 huyện hoàn thành việc hỗ trợ làm nhà ở cho NCC là Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
Đến hết năm 2018, qua quá trình rà soát, bổ sung hàng năm, toàn tỉnh Yên Bái còn 883 gia đình NCC khó khăn về nhà ở, trong đó đề nghị làm mới 305 nhà, sửa chữa 578 nhà. Trong năm 2019, Sở LĐTBXH đã tham mưu cho UBND tỉnh sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh và huyện 3 tỷ đồng để hỗ trợ làm mới, sửa chữa 100 căn nhà cho NCC với cách mạng khó khăn về nhà ở. Thời gian tới, Sở LĐTBXH sẽ cùng với các địa phương rà soát lại thực trạng hộ gia đình khó khăn về nhà ở để có số liệu chính xác nhất, từ đó sẽ tham mưu cho tỉnh giải pháp hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho NCC.
PV: Trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến chính sách ưu đãi NCC, đặc biệt là công tác giải quyết dứt điểm các hồ sơ NCC tồn đọng. Ông cho biết hiện nay việc giải quyết các hồ sơ tồn đọng được thực hiện như thế nào, có khó khăn, vướng mắc gì?
Ông Phạm Tuấn Chung: Trong năm 2017- 2018, có 2 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ, giải quyết thương binh tồn đọng tại cấp tỉnh theo Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH đã được giải quyết dứt điểm, Sở LĐTBXH đã có ý kiến chính thức trả lời. Năm 2019, có hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ đối với ông Trần Văn Quay, là du kích của xã Bản Hẻo, huyện Văn Chấn, bị giặc Pháp bắt và giết vào năm 1947.
Đây là một trường hợp rất khó vì không có bất cứ một tài liệu, hồ sơ nào đề cập đến hoạt động của ông Trần Văn Quay; mặt khác, thời gian 72 năm trôi qua, không còn người cùng thời chứng kiến vụ việc. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, Sở LĐTBXH đã cùng với chính quyền cơ sở, UBND huyện Văn Chấn tích cực hoàn thiện hồ sơ; tổ chức nhiều cuộc họp theo đúng quy trình xét duyệt.
Ngày 9/4/2019, UBND tỉnh Yên Bái đã chính thức có Văn bản số 922/UBND-VB đề nghị Bộ LĐTBXH xem xét, công nhận liệt sỹ đối với ông Trần Văn Quay. Hiện, trường hợp này đang được Bộ LĐTBXH thẩm định, xem xét.
Theo rà soát gần đây nhất thì tỉnh Yên Bái không còn hồ sơ tồn đọng xác nhận NCC tại các cấp theo tiêu chuẩn, điều kiện của Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH. Còn các trường hợp lập hồ sơ theo quy định tại Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH, Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP vẫn tiếp tục được tiếp nhận, giải quyết thường xuyên theo đúng quy định về trình tự, thủ tục giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực NCC.
PV: Hiện nay, trên toàn quốc, ở một số nơi vẫn để xảy ra những hiện tượng hồ sơ NCC giả mạo, trục lợi chính sách. Vậy ở tỉnh Yên Bái, việc ngăn ngừa, xử lý những tồn tại này thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Tuấn Chung: Công tác xác lập hồ sơ, thẩm định, quyết định hưởng chế độ ưu đãi đối với 12 nhóm đối tượng thuộc Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng là công việc phức tạp, liên quan đến trình độ, năng lực, ý thức của cá nhân, trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành.
Với số lượng hồ sơ NCC và hoạt động kháng chiến lớn (trên 10 vạn hồ sơ), thời gian đất nước có chiến tranh quá dài, chính sách từng thời kỳ có nhiều thay đổi, dần hoàn thiện… nên cũng không tránh được những sai sót về nghiệp vụ, cho hưởng chính sách chưa đúng.
Đặc biệt, trong nhiều năm qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện những trường hợp hồ sơ NCC khai man, làm giả, trục lợi chính sách, tập trung vào đối tượng thương binh, người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học.
Giai đoạn 2011- 2015, Thanh tra Bộ LĐTBXH cùng với tỉnh Yên Bái đã 2 lần tiến hành thanh tra về hồ sơ chế độ thương binh; đã có một số trường hợp phải đình chỉ, thu hồi, truy thu những khoản tiền hưởng sai, thậm chí một số trường hợp đã phải chuyển sang cơ quan điều tra để xem xét trách nhiệm hình sự.
Từ năm 2018 đến nay, Bộ LĐTBXH đang chỉ đạo thanh tra toàn diện hồ sơ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị ảnh hưởng chất độc hóa học. Đến nay, tỉnh Yên Bái đã thanh tra tại thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Yên, Trạm Tấu.
Qua thanh tra đã phát hiện một số hồ sơ không đảm bảo về yếu tố vùng miền, yếu tố bệnh tật; Sở đã có văn bản xin ý kiến chỉ đạo xử lý của UBND tỉnh. Sắp tới, công tác thanh tra toàn diện hồ sơ người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học sẽ tiếp tục được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở LĐTBXH đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về chế độ chính sách ưu đãi, cùng với các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể các cấp giám sát, phát hiện để kiến nghị xử lý các trường hợp hưởng sai; đồng thời thường xuyên tập huấn, nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm cho cán bộ làm chính sách các cấp để làm tốt công tác thẩm định, giải quyết chế độ cũng như rà soát phát hiện những hồ sơ không đảm bảo.
PV: Để công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc NCC tiếp tục được thực hiện tốt, thời gian tới, ngành sẽ tập trung vào những nội dung gì?
Ông Phạm Tuấn Chung: Với chức năng, nhiệm vụ của ngành cũng như tình cảm tri ân đối với NCC với cách mạng, thời gian tới, Sở LĐTBXH tiếp tục tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện Chương trình hành động số 89/CT-TU của Tỉnh ủy Yên Bái về thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư TW Đảng khóa XII về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NCC với cách mạng, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tất cả 100% gia đình NCC của tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Đồng thời, nghiêm túc thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng chính sách, chế độ ưu đãi NCC với cách mạng; thực hiện tốt việc giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực NCC tại trung tâm phục vụ hành chính công các cấp; xây dựng Đề án hỗ trợ làm nhà ở cho NCC năm 2020 từ nguồn ngân sách địa phương để hoàn thành cơ bản việc hỗ trợ làm nhà ở trên địa bàn toàn tỉnh; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc thương binh, liệt sỹ của xã, phường, thị trấn; tổ chức thanh tra, kiểm tra để kịp thời xử lý những vi phạm trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với NCC với cách mạng...
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Thạch Phong (thực hiện)