Ghi nhận từ một cuộc giám sát

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/7/2019 | 11:12:04 AM

YênBái - Thực hiện Chương trình giám sát (GS) năm 2019, đoàn công tác của Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh do đồng chí Hoàng Thị Thanh Bình - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có cuộc GS về kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (BVPTR); chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), quỹ BVPTR trên địa bàn huyện Lục Yên.

HĐND tỉnh giám sát công tác quản lý, bảo vệ rừng tại xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên.
HĐND tỉnh giám sát công tác quản lý, bảo vệ rừng tại xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên.

Lục Yên là huyện có diện tích đất lâm nghiệp lớn, với hơn 51 ha, trong đó, diện tích đất có rừng trên 44.000 ha. 

Trong những năm qua, việc thực hiện cơ chế, chính sách trong BVPTR ở huyện Lục Yên đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống của một bộ phận người dân, đặc biệt người dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện và nâng lên nhờ các nguồn thu nhập từ nhận giao khoán, bảo vệ rừng và chính sách chi trả DVMTR của Chính phủ. Thông qua các nguồn tiền hỗ trợ này, nhiều công trình phúc lợi phục vụ nhu cầu cho người dân trên địa bàn các xã được xây dựng từ nguồn kinh phí BVPTR, tạo được động lực cho mọi người dân tích cực tham gia BVPTR tại địa phương. 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách về rừng từ năm 2016 đến nay, huyện Lục Yên cũng bộc lộ một số bất cập như: đơn giá chi trả còn có sự chênh lệch rất lớn cho cùng một đơn vị diện tích như nhau; đối tượng như nhau nhưng số tiền chi trả DVMTR giữa các lưu vực lại khác nhau; thiếu kinh phí hỗ trợ, đặc biệt là kinh phí điều tra, kiểm kê, rà soát rừng, thống kê các chủ rừng, lập hồ sơ chứng từ cho cán bộ làm nhiệm vụ này. 

Ngoài ra, trên địa bàn thực hiện có địa hình phức tạp, giao thông chia cắt, đi lại khó khăn, trong khi diện tích rừng cung ứng DVMTR nhỏ lẻ, phân tán, liên quan đến nhiều chủ rừng, nhất là đối với diện tích rừng trồng, nên việc chi trả tới các đối tượng được hưởng DVMTR còn gặp nhiều khó khăn...

Qua các cuộc GS tại các xã: Minh Xuân, Phúc Lợi, huyện Lục Yên, đại diện lãnh đạo hai xã và các nhóm đang nhận ký hợp đồng giao khoán, trông coi, bảo vệ rừng đã có nhiều ý kiến, kiến nghị với đoàn GS của HĐND tỉnh một số vấn đề liên quan đến các chính sách thực hiện công tác quản lý, BVPTR. 

Ông Nông Thanh Khôn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Minh Xuân cho biết: chính sách đãi ngộ đối với người bảo vệ rừng như hiện nay còn ở mức thấp; việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của người bảo vệ rừng còn hạn chế nên chưa phát huy hết khả năng của các nhóm hộ được nhận giao khoán. Việc giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ này nhiều khi còn chậm, nhất là tiền hỗ trợ DVMTR. 

Bên cạnh đó, hiện nay đa phần các thành viên trong Ban Chỉ đạo bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng đều kiêm nhiệm nên việc thực hiện nhiệm vụ chưa được thường xuyên, liên tục; trang thiết bị còn thiếu thốn nên chưa đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.

Nhiều ý kiến, kiến nghị của đại diện chính quyền xã và người dân với đoàn GS HĐND tỉnh như: đề nghị Quỹ BVPTR tỉnh Yên Bái xem xét nâng mức hỗ trợ tiền DVMTR cho người dân được nâng lên vì với mức hỗ trợ như hiện nay là thấp; đề nghị cấp trên có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các lực lượng trong công tác phối hợp thực hiện để cấp xã có cơ sở thực hiện tốt hơn và hỗ trợ thêm các trang bị, dụng cụ và kinh phí cho lực lượng công an, dân quân tự vệ, kiểm lâm tham gia nhiệm vụ bảo vệ, quản lý, phòng cháy, chữa cháy rừng...

Thông qua cuộc GS, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thanh Bình đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến xã trên địa bàn Lục Yên đã đạt được trong việc thực hiện các chính sách về chi trả, quản lý, bảo vệ rừng thời gian qua. 

Trước yêu cầu cấp bách của việc bảo về rừng trong bối cảnh tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu gây ra, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu huyện Lục Yên cần đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu về vai trò, tầm quan trọng của rừng đối với sự cân bằng môi trường sinh thái; từ đó, nâng cao nhận thức của người dân trong quản lý và bảo vệ rừng. Đối với những nhóm hộ được giao quản lý, bảo vệ rừng, huyện cũng cần mở các lớp tập huấn để nâng cao trình độ quản lý Quỹ cho các thành viên. 

Cùng đó, huyện cần tăng cường thanh tra, kiểm tra chi trả tới người dân đảm bảo mọi nguồn chi đều được công khai, minh bạch để từ đó người dân GS; đôn đốc các địa phương khẩn trương triển khai trồng rừng mới đảm bảo tiến độ đề ra. Với những ý kiến, kiến nghị của các địa phương và người dân sẽ được đoàn GS tổng hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trình kỳ họp HĐND tỉnh trong thời gian tới.

Đức Toàn

Các tin khác

Sáng nay - 29/7, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức Hội nghị lần thứ 26 (mở rộng) đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 7 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 5 tháng cuối năm 2019. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà đã có bài phát biểu khai mạc Hội nghị. Báo Yên Bái xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu khai mạc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.

Sáng 29/7, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái khai mạc Hội nghị lần thứ 26 (mở rộng) nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 7 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 5 tháng cuối năm 2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Ngày 28/7, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2019). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo. Sau đây là toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng.

Đồng chí Trương Thị Mai - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương - tặng hoa đồng chí Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, tân Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khoá XII, nhiệm kỳ 2018-2023.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa được bầu giữ chức Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục