Phóng viên Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Ngô Thanh Giang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) về việc triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy trong toàn ngành.
P.V: 3 chỉ tiêu nhiệm vụ được nêu trong Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy là: phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%, chuyển dịch khoảng 2% lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tạo việc làm mới cho 20.000 lao động. Ngành tập trung vào những giải pháp gì để thực hiện các chỉ tiêu này, kết quả hiện giờ ra sao thưa đồng chí?
Đồng chí Ngô Thanh Giang: Để triển khai hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao tại Chương trình hành động số 144, ngành đã tập trung vào những giải pháp cụ thể như: thứ nhất, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm nâng cao trách nhiệm phối hợp của các cấp, ngành, địa phương trong việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp; nâng cao nhận thức của người lao động về học nghề, việc làm; huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề, tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh.
Thứ hai, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS, THPT tham gia học nghề ở các cấp trình độ theo mục tiêu phân luồng của tỉnh; khảo sát xác định nhu cầu học nghề của học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT; đồng thời đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp trong các trường phổ thông, tổ chức tư vấn hướng nghiệp, học nghề, việc làm tại các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh; Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở đã tổ chức các phiên tư vấn, tuyển dụng lao động tại các xã trên địa bàn tỉnh (thu hút trên 700 lao động tham gia với hàng trăm lao động được doanh nghiệp tuyển dụng).
Tổ chức 21 hội nghị tư vấn định hướng nghề nghiệp, việc làm tại 21 trường THPT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đã tư vấn định hướng nghề nghiệp, việc làm cho 4.712 học sinh chuẩn bị tốt nghiệp THPT nhằm thực hiện mục tiêu phân luồng học sinh sau THPT tham gia học nghề.
Thứ ba, tổ chức Ngày hội "Việc làm, tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp”cho đối tượng chủ yếu là học sinh tốt nghiệp THCS, THPT nhằm đẩy mạnh phần luồng và thu hút học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề hoặc tham gia thị trường lao động (Ngày hội đã thu hút 19 trường và doanh nghiệp với 1.000 học sinh tham gia); tăng cường cập nhật thông tin tuyển sinh về phân luồng, học nghề, việc làm nhằm hỗ trợ công tác tuyển sinh đào tạo, đặc biệt là đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Thứ tư, tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu, theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp.
Đẩy mạnh tuyển sinh đào tạo gắn với xuất khẩu lao động, liên kết với doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo lao động. Theo kế hoạch, năm 2019, mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập ký kết hợp đồng đào tạo được với ít nhất 3-5 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh để đào tạo và cung ứng nhân lực theo nhu cầu sử dụng, gắn với giải quyết việc làm đầu ra cho người học nghề.
Đến nay đã có 5 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp để đào tạo và cung ứng lao động theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Thứ năm, đẩy mạnh các loại hình đào tạo liên thông, liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh ở các cấp trình độ, tăng cường tuyển sinh dạy nghề xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề gắn với tuyển dụng lao động vào làm việc.
Một số kết quả cụ thể trong lĩnh vực giải quyết việc làm: 7 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã hỗ trợ giải quyết việc làm cho 13.423/20.500 lao động (đạt 65,47% kế hoạch 2019). Trong đó: từ phát triển kinh tế xã hội 7.635 người; từ xuất khẩu lao động 591 người; từ vay vốn giải quyết việc làm 1.049 người; từ cung ứng lao động đi làm việc ngoài tỉnh 4.148 người.
Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, 7 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh tuyển mới đào tạo cho 17.265/ 30.000 người (đạt 57,6% so với kế hoạch). Trong đó, trình độ cao đẳng 1.162 người; trung cấp 1.743 người; sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 14.360 người.
Về chuyển dịch cơ cấu lao động từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 3.737/ 5.300 (đạt 70,5% so với kế hoạch) người chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Người dân Mù Cang Chải được hỗ trợ máy cày, nâng cao năng suất lao động.
P.V: Thưa đồng chí, Kế hoạch số 131-KH/TU ngày 19/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2019 trên 5,8% (riêng 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giảm trên 8,5% so với năm 2018). Vậy đâu là giải pháp trọng tâm của ngành để thực hiện các chỉ tiêu này?
Đồng chí Ngô Thanh Giang: Toàn ngành xác định, để đạt được các chỉ tiêu này trước hết cần phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, tạo sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân, nhằm chuyển biến nhận thức đối với cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; vận động người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách có điều kiện tích cực tham gia lao động sản xuất, phát huy khả năng của bản thân chủ động phấn đấu vươn lên vượt qua đói nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác giảm nghèo bền vững. Ban hành các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành và địa phương để tổ chức thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo Kế hoạch 131 của Tỉnh ủy. Các ngành, cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội theo nhiệm vụ được phân công của Tỉnh ủy trực tiếp làm việc với huyện, thị, Thành ủy về nội dung thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2019, bàn các biện pháp căn cơ, thiết thực, hiệu quả phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương, cơ sở để triển khai thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo.
Thứ ba, các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án giảm nghèo trên cơ sở chỉ tiêu giảm nghèo của tỉnh để giao chỉ tiêu giảm nghèo chi tiết cho các xã, phường, thị trấn (lập danh sách chi tiết từng hộ thoát nghèo trong năm từ thôn, bản, tổ dân phố); phân công lãnh đạo các ngành, đoàn thể của địa phương trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo hiệu quả. Thực hiện tốt các chính sách, dự án giảm nghèo đang triển khai.
Quyết tâm phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu giảm nghèo năm 2019. Riêng đối với cấp xã: giao chỉ tiêu giảm nghèo, lập danh sách và phân tích rõ nguyên nhân nghèo đến từng hộ trong thôn, bản, tổ dân phố dự kiến thoát nghèo trong năm 2019, trên cơ sở đó, xác định biện pháp hỗ trợ phù hợp. Phân công cụ thể cán bộ phụ trách thôn chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, hướng dẫn hộ nghèo tích cực lao động sản xuất, tăng thu nhập để thoát nghèo. Đẩy mạnh việc hướng dẫn kỹ năng giảm nghèo cho người dân; tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm có thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của người nghèo.
P.V: Xin đồng chí cho biết, việc phối hợp triển khai cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), tiền lương được nêu trong Chương trình hành động số 144 được ngành chỉ đạo thực hiện như thế nào?
Đồng chí Ngô Thanh Giang: Về chính sách BHXH, ngành đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH giai đoạn 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Tham mưu để UBND tỉnh giao chỉ tiêu phát triển đối tượng BHXH cho các huyện, thị xã, thành phố. Đã phối hợp tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển đối tượng tham gia bảo BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tỉnh Yên Bái.
Về tiền lương, ngành đã phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đánh giá tình hình thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động kể từ ngày 01/01/2019 (theo Nghị định số 157/2018/NĐ-CP ngày 06/11/2018 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng) và rà soát địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thạch Phong (thực hiện)