Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 20/01/2010 của Ban Bí thư về tăng cường công tác quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cơ quan hữu quan thực hiện tinh thần Chỉ thị và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Các sở, ban, ngành, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, tập huấn các quy định của pháp luật về quản lý cho các doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng LĐNNG tại địa phương; hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tiếp nhận, sử dụng LĐNNG làm việc tại địa phương; đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra chấn chỉnh những vi phạm... Việc cấp giấy phép cho LĐNNG làm việc tại tỉnh được thực hiện qua mạng điện tử và công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Hệ thống dịch vụ công.
Giai đoạn từ năm 2013 - 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cấp 703 giấy phép cho LĐNNG (cấp lần đầu là 493 người, chiếm 70,12%; cấp lại 194 người, chiếm 29,88%); không thuộc diện cấp giấy phép là 18 người (chiếm 2,56%).
Từ tháng 4/2017 - 6/2019, đã có 225 LĐNNG được cấp giấy phép lao động qua dịch vụ công trực tuyến. Qua đó, góp phần tăng tỷ lệ LĐNNG được cấp giấy phép lao động từ 58,8% năm 2014, lên 76,8% năm 2015 và đạt 98,4% trên tổng số lao động thuộc diện cấp giấy phép vào tháng 12/2018.
Cùng với gặp gỡ, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp qua các cuộc gặp gỡ của lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp hàng năm và chương trình "Cà phê doanh nhân” hàng tháng..., các cơ quan chuyên môn của tỉnh và địa phương đã quan tâm thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề chấn chỉnh việc thực hiện quản lý LĐNNG tại các tổ chức, doanh nghiệp.
Cụ thể: năm 2015, kiểm tra tại Công ty TNHH Hối Thành (xã Bảo Ái, huyện Yên Bình) phát hiện 5 lao động (3 người Đài Loan, 2 người Trung Quốc) làm việc tại doanh nghiệp nhưng không có giấy phép lao động. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản đề nghị gửi cơ quan Công an tỉnh tiến hành trục xuất số lao động này.
Năm 2016, qua kiểm tra tại 14 doanh nghiệp, đã chấn chỉnh đồng thời xử lý hành chính đối với Công ty cổ phần Noong Phai sử dụng 9 lao động người Trung Quốc chưa thực hiện quy trình cấp phép cho lao động, để xảy ra tai nạn lao động.
Năm 2017, tổ chức làm việc với 9 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản có sử dụng LĐNNG để nắm bắt tình hình quản lý lao động, việc thực hiện các quy định pháp luật lao động, những khó khăn vướng mắc trong quá trình sử dụng lao động...
Thời điểm tháng 6/2019, toàn tỉnh có 36 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng 345 lao động đến từ 8 quốc gia đã được cấp giấy phép. Có 23 người (chiếm 6,67%) giữ vị trí quản lý, giám đốc điều hành; 314 người (chiếm 91%) làm chuyên gia và lao động kỹ thuật; 8 người (chiếm 2,31%) làm hình thức khác như: giáo viên, đầu bếp. |
Việc triển khai nghiêm túc Chỉ thị 40 đã góp phần quan trọng để các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng LĐNNG trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng quy định của pháp luật về LĐNNG. Không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bổ sung nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý điều hành, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, LĐNNG thời gian qua đã giúp lao động người Việt Nam cùng làm việc kinh nghiệm cũng như kỹ năng, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh về kỹ thuật, tác phong và thái độ làm việc chuyên nghiệp, từng bước nhận chuyển giao công nghệ mới...
Bên cạnh kết quả đạt được, trên thực tế, ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật của một số nhà thầu và LĐNNG trong việc tuyển, sử dụng và thực hiện cấp giấy phép lao động chưa tốt; việc xuất nhập cảnh và cư trú còn bất cập; không ít nhà thầu lấy lý do đảm bảo tiến độ, chất lượng kỹ thuật và hiệu quả của việc thi công các dự án do nhà thầu nước ngoài trúng thầu mà không quan tâm đúng mức tới việc tuyển lao động Việt Nam thay thế vị trí công việc dự kiến tuyển lao động nước ngoài... đây là những tồn tại cần xử lý.
Với xu thế của toàn cầu hóa và chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, thời gian tới, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, nhiều LĐNNG đến làm việc tại Yên Bái.
Để quản lý tốt LĐNNG cũng như các doanh nghiệp có vốn nước ngoài trên địa bàn theo tinh thần Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật quy định LĐNNG làm việc tại Việt Nam đến các doanh nghiệp, các nhà thầu nước ngoài trên địa bàn.
Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị liên quan trong quản lý xuất, nhập cảnh, cấp và gia hạn thị thực, đăng ký tạm trú và cấp giấy phép lao động; phối hợp tổ chức các hoạt động trong việc quản lý người nước ngoài, giải quyết và xử lý đối với các trường hợp không thực hiện đúng quy định của pháp luật; định kỳ gặp gỡ các doanh nghiệp nước ngoài và các tổ chức có liên quan để trao đổi thông tin và kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, chấn chỉnh những vi phạm, tạo điều kiện để các địa phương, doanh nghiệp và người lao động thực hiện tốt các quy định của pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về LĐNNG tại các doanh nghiệp, nhà thầu; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm...
Nguyễn Đình