Từ khi quan niệm của một số nước phương Tây cho rằng trong đời sống xã hội, báo chí có vai trò như "quyền lực thứ tư” (sau quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp) được du nhập, một số người làm báo ở Việt Nam đã nhầm tưởng, tự thấy đã có trong tay một "quyền lực” ghê gớm, và lạm dụng "quyền lực” này để rồi bị tha hóa, biến chất khi chạy theo mục đích "phi báo chí”, xa rời nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội - nghề nghiệp. Hiện tượng đó nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ tạo ra những hệ lụy về mặt xã hội, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của những người làm báo chân chính.
Thời gian qua, việc cơ quan chức năng và cơ quan chủ quản báo chí phải cảnh cáo, thu hồi thẻ nhà báo, khởi tố, bắt giam phóng viên vì hành vi lừa đảo, tống tiền doanh nghiệp, ép ký kết hợp đồng quảng cáo... đã không chỉ dừng lại ở một vài hiện tượng đơn lẻ mà đang trở thành "điểm đen” đáng lo ngại. Và thí dụ gần nhất là đầu tháng 8-2019, hai phóng viên của một tờ báo và một tạp chí trung ương có trụ sở tại Hà Nội đã bị lực lượng chức năng của TP Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh khởi tố, bắt tạm giam vì có hành vi tống tiền.
Có thể thấy, sai phạm của một số người làm báo đã và đang tác động tiêu cực tới uy tín, hình ảnh của cộng đồng nghề nghiệp, phần nào khiến bạn đọc có cái nhìn và đánh giá sai lệch về báo chí cũng như đội ngũ người làm báo; đặc biệt, qua các mạng xã hội Facebook, Youtube... ý kiến tiêu cực của một số người làm báo và đánh giá tiêu cực về báo giới đang có nguy cơ lây lan. Bởi trên không gian mạng, thay vì đấu tranh với luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch, phòng, chống nạn tin giả (fake news), định hướng hoặc trấn an dư luận trước thông tin sai lạc, không thể kiểm chứng... thì một số người làm báo lại bẻ cong ngòi bút, chém gió, phát ngôn tiêu cực, làm nhiễu loạn dư luận, gây khó khăn cho cơ quan chức năng...
Đến hiện tại, khó có thể phủ nhận trên thực tế, vì đã nếm trải tiền lệ xấu diễn ra trước đó, mà tâm lý ngại nhà báo, không muốn tiếp xúc hay dây dưa với phóng viên như đã trở thành cảm xúc thường trực của không ít cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi phải nghe điện thoại, tiếp nhận giấy giới thiệu, thư điện tử,... từ cơ quan báo chí. Như để đánh đổi, "luật im lặng” sẽ giúp họ không phải đối mặt với chiến dịch "truyền thông đen”, "truyền thông bẩn”. Còn khi một chiến dịch như vậy nhắm vào doanh nghiệp kinh doanh nghiêm túc, hiệu quả thì "chờ được vạ thì má cũng sưng”, doanh nghiệp vẫn phải méo mặt khi thông tin sai lệch liên tục được đăng tải, chia sẻ, bình luận. Đó là chưa nói, không rõ có liên hệ nào không (?), nhưng khi một chiến dịch truyền thông thiếu trong sáng được tổ chức dựa trên phát ngôn thiếu trách nhiệm của một vài cá nhân nhân danh đại diện cho một cơ quan chức năng nào đó thì hậu quả tiêu cực còn tăng lên hơn nhiều.
Đó là trường hợp của Cơ sở Kinh doanh và Chế biến thực phẩm Việt (Viet Foods), sau khi bị "dính đòn oan” thì đã thiệt hại cỡ 100 tỷ đồng, sản xuất chỉ đạt 10% công suất thiết kế, công nhân phải nghỉ việc, hàng tồn kho vì không tiêu thụ được, bị trả lại, đối tác viện cớ không thanh toán nợ. Gần hơn là sự kiện liên quan Công ty cổ phần Con Cưng năm 2018, sau khi được minh oan, doanh nghiệp này cũng lâm cảnh "bầm dập” như đánh giá của báo chí.
Đáng lo ngại là sau khi sự việc rõ ràng, một số tờ báo lẫn phóng viên viết bài vẫn vô can, dù trước đó họ đã nhân danh chống tiêu cực để công bố bài viết quy chụp, hùa theo dư luận, tiến công doanh nghiệp...
Các chiến dịch "truyền thông đen”, "truyền thông bẩn” đứng sau là một số người làm báo đang diễn biến hết sức phức tạp. Những người này tỏ ra khéo léo trong việc lôi kéo, xúi bẩy đồng nghiệp đứng cùng "chiến tuyến” với họ.
Trong đó, phổ biến nhất là kiểu tổ chức chiến dịch tẩy chay doanh nghiệp với động cơ rất thiếu trong sáng, gồm cả hành vi chống lại pháp luật. Ngày 11-8 vừa qua, bài viết trên trang cá nhân của nhà báo B.N.H khiến nhiều bạn đọc phải bất ngờ và đau lòng vì một nhóm tự mệnh danh "báo chí sạch” đã công khai tẩy chay một trang thông tin điện tử sau khi đăng bài viết về Hà Văn Nam - bị cáo trong vụ án gây rối trật tự công cộng tại trạm BOT Phả Lại (Hải Dương). Được biết, những người đứng sau fanpage "báo chí sạch” chủ yếu là cây bút tai tiếng, có người đã từng bị cơ quan báo chí kỷ luật, buộc thôi việc. Trên "báo chí sạch” và facebook cá nhân của số người này, dưới chiêu bài "đấu tranh, chống tiêu cực”, họ thường xuyên đăng tải thông tin chưa xác thực, thiếu kiểm chứng. Họ còn cố gắng huy động một số cây bút biến chất tham gia nhằm gây sức ép lên các phiên tòa, đến việc điều tra của cơ quan chức năng.
Lạm dụng vai trò nghề nghiệp, một số người làm báo còn tự cho phép mình mạt sát, hạ bệ người khác. Một số người còn lợi dụng tranh cãi riêng tư để thực hiện hành vi phá hoại, đe dọa doanh nghiệp. Như cách đây không lâu, từ chuyện lời qua tiếng lại giữa một ca sĩ và một cá nhân khác quanh tấm ảnh trên facebook, phong trào tẩy chay nghệ sĩ này nhanh chóng bùng nổ.
Dưới sự dẫn dắt của một số người làm báo, bỗng chốc một mâu thuẫn cá nhân đã trở thành màn "đấu tố”, "đánh hội đồng”. Chiến dịch này lên đến đỉnh điểm khi một nữ "nhà báo tự do” kêu gọi cộng đồng mạng ngưng sử dụng những mặt hàng, dịch vụ của doanh nghiệp nào mời ca sĩ này làm đại diện hình ảnh. Như vậy, "chỉ vì ghét cái thái độ” của ca sĩ mà có người làm báo sẵn sàng đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn.
Việc cố tình vùi dập thương hiệu, nhãn hàng chỉ vì lý do rất vớ vẩn "không thích” đã được một số người tự xưng nhà báo thực hiện, khiến dư luận không phải không có lý khi đặt ra nghi ngại rằng phải chăng đó là bước tiếp theo nhằm thực hiện chiêu trò che giấu lợi ích nhóm?
Việc một số người làm báo tung tin giả, làm nhiễu loạn thông tin, đưa ra nhận định gây hoang mang, làm dư luận bức xúc cũng đang là hiện tượng có xu hướng gia tăng, dễ thấy nhất là trên mạng xã hội và các trang tin điện tử có xu hướng "lá cải”. Chạy theo lượng người xem (view) và đánh giá (rating), một số cơ quan báo chí, người làm báo không ngần ngại tung ra bài viết có nội dung và hình thức phản cảm. Ngôn từ dung tục cùng hình ảnh và vi-đê-ô chứa cảnh bạo lực, khiêu dâm trở thành công cụ được những người này khai thác triệt để, nhắm vào số bạn đọc hiếu kỳ, nhẹ dạ, cảm tính. Thông tin xoay quanh nạn nhân các vụ bê bối và vụ án với nhiều giả thuyết, bình luận hàm hồ, thiếu bằng chứng được đăng tải liên tục, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng và lực lượng điều tra trong khi xác minh, truy tìm hung thủ.
Gần nhất, cái chết thương tâm của em học sinh lớp một Trường tiểu học Gateway ngay lập tức được những kẻ "khóc thuê” biến thành cơ hội tung ra hàng loạt tin vịt hay thuyết âm mưu... nhằm gây sốc để thu hút người đọc. Một số tờ báo còn không e ngại khi đăng tải clip về sự kiện mà hình ảnh em học sinh không được làm mờ, hay cảnh báo độc giả.
Đồng thời, fanpage và nhóm mang tên "tẩy chay Trường học Gateway” và "Tẩy chay Gateway” với sự tham gia của không ít nhà báo cũng nhanh chóng xuất hiện, chủ yếu lượm lặt, đăng tải các bài viết từ đủ mọi nguồn trên mạng. Các thành viên quản lý fanpage, nhóm này còn thường xuyên bịa đặt rằng mình đang bị lực lượng an ninh đe dọa vì họ đã dám thẳng thắn đi tìm sự thật. Tổn thất sinh mạng trong sự vụ ở Trường tiểu học Gateway là điều đau lòng không ai muốn, nhưng khi vụ án vẫn trong quá trình điều tra mà báo chí cố gắng đào bới thông tin, kết luận vội vã, thậm chí cố làm rùm beng là khoét sâu nỗi đau, nếu không nói là bất nhẫn. Tình trạng này khiến nhiều người không khỏi ngao ngán liên tưởng đến sự vô trách nhiệm của một số tờ báo trong trọng án "sát hại nữ sinh giao gà” xảy ra đầu năm 2019.
Cùng với những quy định của pháp luật, sự tăng cường quản lý của các cơ quan chức năng, việc Hội Nhà báo Việt Nam ban hành "Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo” và "Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam”, đã góp phần giúp sinh hoạt báo chí có bước chuyển biến nhất định. Nhiều sai phạm đã được xử lý, bài viết kém chất lượng, sai sót đã kịp thời được đính chính. Nhưng dường như việc thi hành kỷ luật và chế tài xử phạt tại một số nơi vẫn chưa nghiêm, chưa thật sự quyết liệt cho nên còn thiếu tính răn đe, chưa ngăn chặn kịp thời được số người làm báo có biểu hiện tha hóa. Một số cơ quan báo chí vẫn còn dung túng cho sai phạm của phóng viên. Một nhà báo đã viết trên Facebook: "khi phóng viên hư hỏng, vì hù dọa, tống tiền doanh nghiệp nhưng không bị xử lý nghiêm minh thì chúng ta phải trả giá rất đắt - đánh mất niềm tin của người đọc và đồng nghiệp”.
Trước bối cảnh tình hình trong nước và thế giới đang chuyển biến ngày càng đa dạng theo chiều hướng nhanh chóng nhưng không kém phần phức tạp, vai trò và trách nhiệm của người làm báo phải được ngày càng nâng cao.
Mỗi người làm báo cần có ý thức nghiêm túc về trách nhiệm xã hội của mình, từ đó nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, kiên quyết nói "không” với tiêu cực, phát hiện điều tốt đẹp, biểu dương những tổ chức, cá nhân, địa phương có việc làm tích cực, "ích nước lợi dân”, đấu tranh với hiện tượng tiêu cực, tham gia bảo vệ và xây dựng Tổ quốc trên không gian mạng... góp phần củng cố niềm tin của xã hội đối với báo chí nước nhà.
Đặc biệt, nỗ lực, quyết liệt để triển khai, phối hợp thực hiện thành công Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời tăng cường hiệu quả công tác quản lý báo chí, nghiêm khắc xử lý các hành vi vi phạm để xây dựng nền báo chí phát triển đúng hướng và lành mạnh.
(Theo Nhân Dân)