Sáng nay (16/9), tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công Dự án thành phần Dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đoạn Cam Lộ - La Sơn đi qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, có chiều dài 98km. Nhấn mạnh đây là dự án quan trọng, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình triển khai đoạn cao tốc Cam Lộ-La Sơn như dự án kiểu mẫu trong dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam.
Dự án cao tốc Cam Lộ-La Sơn là một trong 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam, cũng là dự án đầu tiên được khởi công. Đoạn cao tốc này được xây dựng trùng với đường Hồ Chí Minh hiện nay. Trong giai đoạn đầu, dự án có 2 làn xe, bề rộng nền đường là 12m, riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện cả nước có gần 1.000km đường cao tốc, đến năm 2021 cả nước sẽ có 2.000km cao tốc, con số này sẽ nâng lên gần 4.000km vào năm 2025, trải dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Việc hoàn thiện các tuyến cao tốc có ý nghĩa rất quan trọng, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các địa phương, đất nước, nâng cao đời sống nhân dân. Hệ thống đường cao tốc khi hoàn thiện sẽ góp phần giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh phải quyết tâm thực hiện được các mục tiêu xây dựng các tuyến cao tốc theo quy hoạch.
Đối với đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Thủ tướng cho rằng, đây là tuyến rất quan trọng đối với hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, giúp kết nối thuận lợi với cảng Chân Mây, sân bay Phú Bài.
Với việc triển khai đoạn cao tốc phía Đông này thì cả nước sẽ có 4 tuyến đường quan trọng dọc chiều dài đất nước, đó là Quốc Lộ 1A đang được tiếp tục nâng cấp; tuyến đường Hồ Chí Minh; tuyến cao tốc Bắc Nam; và tuyến đường bộ ven biển. Khi tất cả 4 tuyến này hoàn thiện, cùng với đường sắt cao tốc Bắc Nam (trình Trung ương và Quốc hội xem xét thông qua sắp tới), sẽ tạo hệ thống giao thông đồng bộ cả đường sắt, đường bộ, đường thủy, hàng không hoàn thiện. Đây là yếu tố quan trọng để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn.
Đánh giá cao Bộ Giao thông vận tải, hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã tích cực chuẩn bị để triển khai dự án, Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương đảm bảo đời sống cho người dân, nhất là những người đã dành đất cho dự án, có cuộc sống ổn định, lâu dài.
Nhấn mạnh tính chất quan trọng của dự án, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và các nhà thầu nâng cao trách nhiệm, thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình xây dựng với các biểu hiện như: ăn cắp vật liệu, vật tư thi công để giảm chi phí, khiến chất lượng công trình kém; biểu hiện bán thầu từ nhà thầu B thành B’, B’’, thậm chí B’’’ để hưởng hoa hồng, trong khi đơn vị thi công yếu năng lực, dẫn đến chất lượng công trình thấp; biểu hiện các đơn vị thiết kế, thi công, giám sát thông đồng, cùng sự buông lỏng của chủ đầu tư, hoặc chủ đầu tư bị mua chuộc, không phát hiện quy trình sai, không giám sát đúng đắn, dẫn đến công trình bị rút ruột dễ hư hỏng, xuống cấp nhanh sau thi công.
Nêu các thực tế đó, Thủ tướng nhấn mạnh: "Tất cả điều đó nếu xảy ra sẽ làm công trình chất lượng kém, làm ít năm đã xuống cấp. Một số nơi mà chúng ta đã biết, chất lượng đáng sợ ở một số công trình. Làm như vậy, chúng ta có tội, có lỗi với nhân dân, mất niềm tin của quần chúng. Các đồng chí đã đi nhiều nước, họ làm cao tốc nhiều như vậy, nhưng chất lương rất tốt. Anh để ly nước trên xe đang chạy trên đường cao tốc mà nước không rớt ra. Độ mịn và độ phẳng của đường có chất lượng tốt. Không phải như chúng ta làm đi vài ba năm chất lượng kém. Tôi đã rút kinh nghiệm ở một số tuyến đường như đường Hồ Chí Minh, thậm chí tuyến Quốc lộ 1 này và một số nơi, có nơi làm tốt nhưng nhiều nơi xuống cấp quá nhanh. Nếu chúng ta sử dụng nhà nước với những phương thức và hậu quả như vừa nêu thì đó là tội lỗi với nhân dân”.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo công tác quản lý dự án phải đúng quy định của Nhà nước, triển khai dự án đoạn Cam Lộ-La Sơn như dự án kiểu mẫu trong dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, chấm dứt tình trạng chất lượng xấu như một số dự án xây dựng cơ bản từng xảy ra.
Nhấn mạnh miền Trung là vùng đất chịu nhiều mất mát đau thương trong chiến tranh, Thủ tướng cho rằng, chúng ta phải có trách nhiệm đền đáp công hơn của các anh hùng liệt sỹ, đồng bào, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn với những công trình xây dựng cơ bản đang và sẽ thi công thời gian tới. Thủ tướng nhắn nhủ tới chủ đầu tư, các nhà thầu cần thực hiện dự án với lương tâm, trách nhiệm, tình cảm để có những công trình chất lượng tốt cho đất nước, để lại mãi mãi cho con cháu đời sau.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục hoàn thành công tác chuẩn bị để triển khai các dự án còn lại, trong đó có 3 dự án thành phần 100% vốn đầu tư công đi qua 3 vùng miền là Bắc Trung Bộ, Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long; và 8 dự án thành phần còn lại đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP). Theo đó, bí thư, chủ tịch các địa phương có công trình đi qua phải trực tiếp là trưởng ban giải phóng mặt bằng để sớm khởi công đồng bộ trên phạm vi quốc gia.
Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326 năm 2016, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau dài khoảng 2.109km. Hiện đã khai thác và đang xây dựng một số đoạn dài 601km.
Thực hiện Nghị Quyết số 52/2017 của Quốc Hội khóa XIV, dự án cao tốc Bắc - Nam tiếp tục đầu tư một số đoạn với chiều dài khoảng 654 km, chia làm 11 dự án thành phần, gồm các đoạn từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh); từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên Huế); từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), Cầu Mỹ Thuận 2, (Tiền Giang và Vĩnh Long).
Cùng với mạng đường sắt, thuỷ, bộ hiện có và đang được nâng cấp cải tạo, việc xây dựng một tuyến đường bộ cao tốc có tiêu chuẩn kỹ thuật cao song song với QL1A thoả mãn nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh, đáp ứng yêu cầu rút ngắn thời gian đi lại. Mặt khác theo quy hoạch phát triển không gian của các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, một số khu cụm công nghiệp được mở rộng về phía Tây QL1A hiện tại, sự hình thành tuyến đường này sẽ gắn kết các khu cụm công nghiệp mới trong vùng, tạo điều kiện khai thác tiềm năng kinh tế phục vụ phát triển dân sinh.
(Theo VOV)