Cuộc giám sát chuyên đề về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, trọng tâm là lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2018 được thực hiện trực tiếp tại 14 đơn vị và giám sát qua báo cáo 25 đơn vị có liên quan. Đây là một trong những nội dung giám sát chuyên đề được HĐND tỉnh thực hiện trong năm 2019 theo Nghị quyết số 16 ngày 2/8/2018 của HĐND tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Tiến - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho biết, bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề cho lao động, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đoàn giám sát cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, đưa ra những đề xuất, kiến nghị các giải pháp để khắc phục những tồn tại sau giám sát, đồng thời đề nghị UBND tỉnh cần có các giải pháp cụ thể trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và hoàn thành chỉ tiêu tạo việc làm mới, lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh trong năm 2019; chỉ đạo các ngành, các địa phương tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về tiến độ, chính sách, kinh phí trong quá trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng nghiệp, phân luồng học nghề, lao động từ học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh.
Đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, quan tâm điều tra, khảo sát về thực trạng nguồn lao động của địa phương, dự báo nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm sát với thực tiễn; gắn công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm với các mô hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các địa phương, các cơ sở đào tạo nghề khai thác, sử dụng thiết bị dạy nghề có hiệu quả, đảm bảo chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đánh giá thường xuyên về tỷ lệ người có việc làm sau khi học nghề để có giải pháp đào tạo phù hợp với thị trường lao động trong và ngoài tỉnh.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cuộc giám sát chuyên đề tại các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan, đơn vị liên quan do Thường trực và các ban HĐND tỉnh tổ chức tập trung vào các vấn đề được các đại biểu, cử tri và dư luận xã hội quan tâm như: giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản (cát, sỏi) làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh; tình hình xử lý ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, các khu cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng của tỉnh năm 2018; tình hình khắc phục hậu quả thiên tai và thực hiện các dự án tái định cư tập trung, bố trí tái định cư xen ghép khẩn cấp trên địa bàn huyện Trạm Tấu, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ.
Cùng với đó là công tác cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại UBND cấp huyện; việc thực hiện chính sách pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; chất lượng thực hiện các tiêu chí gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị, làng, bản, tổ dân phố văn hóa trên địa bàn tỉnh; tình hình triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2017 - 2018 trên địa bàn tỉnh; chất lượng thực hiện các tiêu chí về văn hóa trên địa bàn tỉnh; kết quả thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải…
Đồng chí Triệu Tiến Thịnh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: "Để hoạt động giám sát chuyên đề đạt hiệu quả, việc nghiên cứu hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát, xây dựng kế hoạch giám sát và đặc biệt là hình thành đề cương chi tiết rất quan trọng. Khi giám sát về một chuyên đề nào đó thì Thường trực HĐND tỉnh mời thêm chuyên gia của lĩnh vực đó tham gia, cho ý kiến về những vấn đề mang tính chất chuyên môn sâu. Sau giám sát phải chỉ ra được những hạn chế, thiếu sót, những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết, chính sách, pháp luật và đề xuất hướng giải quyết khả thi, kiến nghị cơ quan chức năng có những giải pháp khắc phục”.
Nhìn chung, chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của Thường trực và các ban của HĐND tỉnh đã từng bước được nâng lên và đi vào chiều sâu, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của bộ máy Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Mạnh Cường