Đây là hoạt động thường kỳ để các tỉnh trong khu vực trao đổi, bàn bạc, chia sẻ kinh nghiệm hay và bàn giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND cấp tỉnh và Hội nghị lần này cũng mang chủ đề "Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh”. Để bạn đọc hiểu rõ thêm về mục đích, ý nghĩa của Hội nghị, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái.
P.V: Thưa đồng chí! Xin đồng chí cho biết mục đích, ý nghĩa của Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc lần này?
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà: Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc lần thứ 7 là hoạt động thường kỳ của HĐND các tỉnh trong khu vực, được đánh giá là diễn đàn quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc; là dịp để trao đổi, cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm hay về những kết quả đạt được, cũng như như khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động của HĐND; từ đó, giúp Thường trực HĐND, các ban của HĐND, cơ quan tham mưu, giúp việc HĐND các tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của cơ quan dân cử ở địa phương.
Đặc biệt, Hội nghị lần này diễn ra đúng vào thời điểm tỉnh Yên Bái tổ chức "Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò; Khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải” là cơ hội để Yên Bái giới thiệu với các tỉnh trong khu vực những nét truyền thống văn hóa, lịch sử, danh thắng đặc sắc cùng con người Yên Bái hiền hòa, thân thiện, mến khách, góp phần tăng cường, làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
P.V: Thưa đồng chí! Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh lần thứ 7 được tổ chức tại Yên Bái sẽ đưa ra bàn thảo những nội dung trọng tâm gì?
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà: Hội nghị diễn ra trong 2 ngày gồm 16 tỉnh với gần 200 đại biểu tham dự. Với chủ đề "Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh”, tỉnh Yên Bái mong muốn mang đến cho Hội nghị một diễn đàn thiết thực để các tỉnh trong khu vực cùng trao đổi, bàn bạc, chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND cấp tỉnh, trọng tâm là nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát của đại biểu HĐND tỉnh; chất lượng hoạt động thảo luận, chất vấn, giải trình tại kỳ họp và phiên họp HĐND tỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát việc tiếp nhận đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo, ý kiến, kiến nghị của cử tri; đổi mới phương thức tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, thẩm tra báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp HĐND....
Đồng thời, tại diễn đàn Hội nghị lần này, các cơ quan của Quốc hội sẽ lấy ý kiến Thường trực HĐND các tỉnh vào Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Với sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, chu đáo của tỉnh Yên Bái, Hội nghị chắc chắn sẽ thu được được kết quả tốt đẹp, đạt mục đích, yêu cầu đề ra.
P.V: Được biết, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 hoạt động của HĐND tỉnh Yên Bái đã có nhiều đổi mới, sáng tạo và quyết sách nhiều vấn đề quan trọng ở địa phương. Đồng chí có thể đánh giá khái quát những kết quả nổi bật của HĐND tỉnh Yên Bái từ đầu nhiệm kỳ đến nay?
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà: Có thể nói, hoạt động của HĐND tỉnh Yên Bái trong những năm qua đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bám sát chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã không ngừng đổi mới trên tất cả các mặt.
Củng cố, kiện toàn đại biểu HĐND tỉnh có năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND tỉnh thành Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND - UBND để nâng cao chất lượng phục vụ hoạt động của HĐND, UBND tỉnh.
Đổi mới công tác chuẩn bị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (năm 2019 không dùng văn bản giấy), nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND tỉnh theo hướng thiết thực, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, định hướng của Tỉnh ủy và những vấn đề vướng mắc, bất cập đặt ra trong thực tiễn về cơ chế, chính sách, những nội dung liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp để thảo luận, ban hành các nghị quyết, bảo đảm khả thi, hiệu quả trong tổ chức thực hiện.
Với gần 130 nghị quyết được ban hành từ đầu nhiệm kỳ (nhiều hơn cùng kỳ giai đoạn trước) cùng hàng trăm văn bản thống nhất các nội dung với UBND tỉnh theo thẩm quyền đã tạo hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách đầy đủ, đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.
Đặc biệt, trong năm 2019, với phương châm "Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, kỷ cương, hiệu quả”, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với nhiều nội dung, chỉ tiêu chủ yếu, phấn đấu rất cao để cơ bản về đích các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 trước một năm; từ đó, tạo động lực, quyết tâm, khí thế trong cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri và tiếp công dân, giải quyết đơn thư của công dân được HĐND tỉnh thực hiện nghiêm túc, chất lượng được nâng lên. Nội dung, hình thức giám sát có nhiều đổi mới, tập trung vào những vấn đề được cử tri, nhân dân quan tâm, những nội dung bất cập, vướng mắc trong thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, của HĐND tỉnh, giám sát việc thực hiện các kiến nghị, đề xuất của cử tri...
Sau giám sát đều có báo cáo, đề xuất, kiến nghị cụ thể gửi tới các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo quy định. Công tác giám sát của HĐND tỉnh đã góp phần quan trọng đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của HĐND tỉnh đi vào cuộc sống và là một cơ sở quan trọng phục vụ công tác lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng như xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách của chính quyền.
P.V: Vậy, những nhiệm vụ trọng tâm của HĐND tỉnh từ nay đến hết nhiệm kỳ là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà: Nhiệm vụ chung của tỉnh Yên Bái từ nay đến hết nhiệm kỳ 2016 - 2021 còn rất nhiều và quan trọng. Bên cạnh việc tập trung thực hiện hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, HĐND tỉnh cùng với các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đang chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030); kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; trước mắt, là chuẩn bị thật tốt cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách và đầu tư công năm 2020.
Không ngừng phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, HĐND tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nâng cao hơn nữa chất lượng tổ chức kỳ họp, ban hành nghị quyết, hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của tỉnh đề ra, xứng đáng với vai trò, trách nhiệm cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Đức Toàn (thực hiện)