Thảo luận ở tổ cùng đại biểu Quốc hội các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum, Sóc Trăng về Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025 đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Giàng A Chu cho rằng, Đề án cho đồng bào dân tộc thiểu số cần sự chuẩn bị kĩ lưỡng.
Ông Chu nêu: "Hiện nay có hơn 118 văn bản, quy định chính sách cho vùng miền núi, trong đó có 64 văn bản quy định cụ thể, như thế là quá nhiều. Tôi chỉ nói có 2 chương trình lớn thôi là Chương trình 135 chúng ta đã làm giai đoạn III rồi và Chương trình 30a cho các huyện nghèo cũng đã làm 10 năm rồi, nhưng có những chính sách trùng lặp cho nên rất cần tích hợp lại, thống nhất lại, tập trung lại. Từ đó nguồn lực, vốn tập trung lại, không rải mành mành như thế nữa, để từ đề án này là giải pháp để chúng ta khắc phục những cái manh mún, chồng chéo, rồi không có hiệu quả như thời gian vừa qua".
Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số có rất nhiều việc, Chính phủ dự kiến có tám, chín dự án lớn; có cả kinh tế, cả hạ tầng cơ sở cho đến du lịch, văn hóa xã hội và bình đẳng giới; theo đại biểu như thế là hơi nhiều, tuy nhiên cũng là cần thiết.
"Chúng tôi cho đó là những cái định hướng, cái cơ sở để mà chính phủ tính toán đầu tư để có sự phát triển đồng bộ và toàn diện" - đại biểu nói.
Theo đại biểu, có hai việc, thứ nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì cái sinh kế, cái phát triển sản xuất và cái thị trường vẫn là rất cơ bản cho nên là nên tập trung vào phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế. Cái sinh kế, cái mô hình là phải rõ nét với những dự án lớn mang tầm cỡ vùng miền để làm sao nó đủ sức lôi kéo đồng bào vào tham gia phát triển kinh tế.
Đồng thời phải có chính sách làm sao thu hút và giao cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó các các tập đoàn, tổng công ty phải vào cuộc giúp cho vùng khó khăn phát triển lên. Trong việc này là phải tập trung nguồn lực, nếu như không đủ nguồn lực, không xác định được nguồn lực; bố trí chương trình dự án mà không sắp xếp được nguồn lực, không cân đối nguồn lực thì quá trình tổ chức thực hiện sẽ không hiệu quả giống như thời gian qua.
"Mong muốn Quốc hội theo khoản 5 điều 70 Hiến pháp 2013, Quốc hội quyết định chính sách dân tộc thì Quốc hội cũng phải quyết định nguồn lực. Từ đó Chính phủ tập trung điều hành, các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện thôi. Tôi cho như thế là hoàn toàn phù hợp và đúng với thể chế của Nhà nước” - đại biểu nhấn mạnh.
Bày tỏ băn khoăn về mục tiêu đến năm 2025 thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp đôi so với năm 2020, song đại biểu Giàng A Chu cũng cho rằng, "Nói là phải thực hiện nhưng phải có phương hướng đi như thế nào, phải có chương trình dự án rất cụ thể. Hướng của Trung ương chỉ mang tính định hướng và tính chất khung, còn về từng địa phương, từng cơ sở phải có cách làm của riêng mình, trên cơ sở phát huy lợi thế, tiềm năng tại chỗ để xác định cách đi riêng biệt và phải quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị".
Cũng về chính sách, đại biểu nêu ý kiến, chính sách về bảo vệ rừng và đảm bảo độ che phủ rừng nếu chỉ như thế thì chưa đủ, mà đồng bào dân tộc thiểu số sống và gắn bó với rừng, ở vùng sâu vùng xa, vùng núi, vậy chính sách rừng thế nào phải phù hợp, thỏa đáng để giữ được nguồn sinh thủy, giữ màu xanh, môi trường cho cả nước, cho cả cộng đồng…
Minh Quang (ghi)