Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) gồm 6 chương và 62 điều; tăng 26 điều so với Luật năm 2005 nhằm thể chế hóa và hoàn thiện cơ sở pháp lý, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên, các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; bảo đảm trách nhiệm của nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội và các tổ chức của thanh niên trong thực hiện chính sách, pháp luật để thanh niên được tu dưỡng, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về quy định độ tuổi thanh niên, trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nêu một số ý kiến nhất trí với đề xuất của Chính phủ quy định độ tuổi thanh niên là từ đủ 16 đến 30 tuổi. Một số ý kiến lại cho rằng, nên quy định độ tuổi thanh niên là từ đủ 16 đến 35 tuổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Trên cơ sở đó, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cung cấp thông tin về độ tuổi thanh niên ở một số nước có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam, đồng thời có báo cáo đánh giá tác động về các chính sách của Nhà nước dành cho thanh niên để đại biểu Quốc hội có căn cứ quyết định.
Theo Tờ trình của Chính phủ, một trong những điểm mới của dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) là tách quyền với nghĩa vụ của thanh niên thành hai điều khác nhau, đồng thời quy định chính sách của Nhà nước gắn liền với quyền, nghĩa vụ trong từng lĩnh vực.
Qua nghiên cứu, Ủy ban cho rằng, mục đích chính của việc xây dựng Luật là nhằm tạo hành lang pháp lý để thanh niên phát huy sức trẻ, khả năng, trí tuệ, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không phải tạo ra những ưu đãi cho thanh niên so với những công dân khác. Vì vậy, Ban soạn thảo cần cân nhắc cách tiếp cận về quyền, nghĩa vụ trong dự thảo Luật, để từ đó xây dựng nội dung quyền, nghĩa vụ và chính sách một cách khoa học, có giá trị trong thực tiễn thi hành.
Đối với nội dung về Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, Ủy ban đề nghị ban soạn thảo tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình này, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc để đảm bảo tính hợp lý, khả thi của các quy định trong dự thảo Luật.
Góp ý vào việc sửa đổi Luật Thanh niên (sửa đổi) trong thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Hà Nội) nêu, độ tuổi thanh niên nên quy định từ đủ 16 tuổi cho đến 35 tuổi, bởi nếu chỉ quy định dưới 30 tuổi thì sẽ rất khó khăn cho công tác thanh niên.
Đại biểu đưa ra vấn đề là việc quản lý thanh niên đang gặp nhiều chồng chéo, bộ máy cồng kềnh, hiệu quả quản lý chưa đáp ứng yêu cầu. Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam thực chất là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, do đó, cần phải có sự thống nhất một đầu mối quản lý.
Tại Đoàn thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết thống nhất với độ tuổi mà Chính phủ trình đối với thanh niên và yêu cầu trong Luật cần có điều khoản quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù tập trung cho độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi vì lứa tuổi này có một số đặc điểm khác với thanh niên từ 18 tuổi trở lên. Đại biểu Tuyết cũng ủng hộ có Ủy ban Quốc gia về thanh niên trong điều kiện không có riêng một cơ quan cấp bộ quản lý.
* Cũng trong chiều 15-11, các đại biểu đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Dự thảo Luật gồm 3 điều, sửa đổi, bổ sung 46 điều về nội dung và 6 điều về kỹ thuật; tập trung sửa đổi, bổ sung 3 nhóm quy định: Về bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; về trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh và một số vấn đề khác có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi.
(Theo HNMO)