Khi còn là Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh, nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Ngọc Bái (bút danh Ngọc Bái) là người trực tiếp chỉ đạo triển khai xây dựng vườn hoa mang tên Nguyễn Thái Học mà linh hồn của nó là vòng tròn không khép kín được kết nối bằng 17 cọc đá tượng trưng cho 17 liệt sĩ (cộng sự của nhà yêu nước Nguyễn Thái Học), bên dưới là những phiến đá vỡ nằm la liệt như thể lòng yêu nước của họ luôn luôn được đất nuôi dưỡng.
Ông Bái viết Trường ca "Lời cất lên từ đất” và bây giờ là tiểu thuyết "Ngang trời mây đỏ”, cùng viết về nhà cách mạng "không thành công nhưng thành nhân này”. Dưới đây là những chia sẻ của của nhà văn, nhạc sĩ Ngọc Bái khi viết tiểu thuyết lịch sử "Ngang trời mây đỏ”:
Khi bắt đầu làm Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Yên Bái, tôi đã nghĩ ngay đến sự kiện Khởi nghĩa Yên Bái. Qua sử sách được biết, đây là cuộc xả thân bi hùng của những người yêu nước suốt 80 năm nô lệ dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Rất may mắn, được gặp họa sĩ Ngô Quang Nam (nguyên Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa Thông tin), cùng tôi đến gặp nhà Sử học Trần Đức Cường (nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam) bàn chủ trương hội thảo về Khởi nghĩa Yên Bái.
Được các nhà sử học Việt Nam nhiệt tình cung cấp tư liệu, tôi về tranh thủ ý kiến lãnh đạo tỉnh và nhận sự ủng hộ cao, bởi Khởi nghĩa Yên Bái là sự kiện lịch sử đáng kể đầu thế kỷ 20 nổ ra ngay trên đất Yên Bái. Là người dân Yên Bái không thể không hiểu rõ điều ấy! Cuộc Hội thảo với tiêu đề "Khởi nghĩa Yên Bái 2/1930, một số vấn đề lịch sử” được tổ chức tại Văn phòng Tỉnh ủy Yên Bái. Rất nhiều nhà khoa học ở Hà Nội và các nhà nghiên cứu địa phương đã tham gia cuộc Hội thảo lần đầu tiên này.
Tất cả các ý kiến trong Hội thảo thôi thúc tôi phải làm gì tiếp trước xương máu của bao người dân yêu nước đã bị thực dân Pháp đưa lên máy chém và tù đày ngoài Côn Đảo… Được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân cổ súy, tôi viết Trường ca "Lời cất lên từ đất” xuất bản năm 2000.
Được Hội Nhạc sĩ Việt Nam tạo điều kiện và Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng, tôi viết tiếp "Tráng ca Khởi nghĩa Yên Bái” gồm 3 chương, năm 2005. Đấy là dấu mốc của 70 năm và 75 năm kỷ niệm Khởi nghĩa Yên Bái. Kỷ niệm 70 năm Khởi nghĩa Yên Bái cũng là ngày Khởi công xây dựng công trình tưởng niệm các liệt sĩ bị xử chém tại Yên Bái (17/6/1930).
Tác giả Ngọc Bái.
Kỷ niệm Khởi nghĩa Yên Bái, tôi nghĩ mình phải làm gì để xứng đáng với lòng yêu nước của người dân Việt Nam đã đổ xương máu trên đất Yên Bái? Nung nấu ý tưởng, tôi đã khởi viết tiểu thuyết lịch sử mang tên "Ngang trời mây đỏ”, đúng vào ngày giỗ lần thứ 80 của Nguyễn Thái Học (17/6/2000), với câu nói nổi tiếng: "Không thành công cũng thành nhân”.
Tôi nghĩ, lịch sử Việt Nam là lịch sử máu xương bao đời, và màu đỏ lá cờ "máu đỏ da vàng” luôn là điều ám ảnh nên mượn màu mây đỏ để nói anh linh của những người ngã xuống trên đất này, còn phảng phất ngang trời. Ngoài việc đọc các tư liệu lịch sử của các nhà nghiên cứu lịch sử cận đại, tôi được các nhà sử học cho tìm hiểu và cung cấp các tư liệu gốc khai thác từ lưu trữ Paris; cung cấp tư liệu về tổ chức Việt Nam Dân Quốc khởi sự ở Bắc Giang…
Đặc biệt, tôi được Viện Sử học Việt Nam cho cuốn "Hồi ký Trần Huy Liệu” của chính tác giả là người trong cuộc viết về cuộc khởi nghĩa máu lửa này. Khi có dịp đi công tác thành phố Hồ Chí Minh, tôi được nhà văn Thế Phong tặng cuốn "Việt Nam, bi thảm Đông Dương” mô tả sự bi thương của những nghĩa sĩ lên đoạn đầu đài ở Yên Bái. Tôi đọc nghiến ngấu hồi ký của ông Nguyễn Nhật Thân (quê Xuân Lũng, Lâm Thao, Phú Thọ), hơn Nguyễn Thái Học cả chục tuổi, vì cảm phục Nguyễn Thái Học mà sẵn sàng dấn thân. Rồi đọc hồi ký của Hoàng Văn Đào - đồng chí của Nguyễn Thái Học, đã cảm hóa thu phục rất nhiều người theo Quốc dân Đảng thời bấy giờ. Đồng thời, còn một công việc khá công phu và đòi hỏi nhiều công sức, đấy là các chuyến điền dã đến các vùng quê từng in dấu Nguyễn Thái Học và những người cộng sự của nhà yêu nước…
Đọc chừng ấy tư liệu, tôi nghĩ mình không viết về Yên Bái là có lỗi với tiền nhân. Đặc biệt, tôi dành nhiều thời gian đến Thổ Tang - quê hương của Nguyễn Thái Học. Tôi gặp ông Nguyễn Thái Nỉ - người em trai út của Nguyễn Thái Học và các cháu gọi Nguyễn Thái Học bằng bác. Tuy nhiên, tư liệu về Nguyễn Thái Học để lại không nhiều như kỳ vọng.
Tôi suy nghĩ về nghề văn là nghề khó, không phải ai cũng làm được. Viết cho thời thì thời sẽ hết. Viết cho đời thì đời mãi còn. Viết là sống và chiêm nghiệm. Tình yêu và trí tuệ là cặp song sinh của thi ca. Cảm xúc và tư duy cần đi chung một con đường. Bởi vậy, tôi luôn cho rằng Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Giang và bao vị tiên liệt bỏ mình vì đất nước vẫn còn sống mãi. Như anh linh các tiên liệt mách bảo, tôi viết rất nhanh. Mỗi sáng mấy trang đánh máy.
Được nhà xuất bản Dân Trí biên tập và in kịp đúng vào ngày kỷ niệm 82 năm Khởi nghĩa Yên Bái. Đọc lại tiểu thuyết, tôi vẫn muốn viết bổ sung thêm, bởi càng ngày càng phát hiện ra những chi tiết mới mẻ. Tôi hy vọng "Ngang trời mây đỏ” sẽ được tái bản để công chúng cả nước hiểu thêm về đất và người Yên Bái.
Ngọc Sơn (ghi)