"Không thành công cũng thành nhân” - tinh thần ấy, ý chí ấy chẳng những là ngòi nổ khiến cả nước Pháp phải rung chuyển mà còn thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói riêng và cả nước nói chung cùng niềm tin mãnh liệt: quyết chiến và quyết thắng!
Cuộc khởi nghĩa Yên Bái cách đây 90 năm không chỉ đánh thức lòng yêu nước của toàn dân tộc mà còn làm rung chuyển cả nước Pháp xa xôi. Mặc dù lực lượng mỏng, vũ khí thô sơ, công tác chuẩn bị còn chưa tốt, song, với ý chí quyết tâm "Không thành công cũng thành nhân”, lực lượng khởi nghĩa khoảng 60 người đã nổi dậy tiêu diệt hầu hết sĩ quan, hạ sĩ quan chỉ huy ở nhà riêng.
Hơn thế, trước sân trại lính, đại biểu của Việt Nam Quốc dân Đảng đã dõng dạc đọc bài "Hịch khởi nghĩa" với những khẩu hiệu sôi sục ý chí: "Đuổi giặc Pháp về nước Pháp”, "Đem nước Nam trả người Nam”, "Cho trăm họ khỏi lầm than”, "Được thêm phần hạnh phúc”.
Sau đó, các toán quân khởi nghĩa chia nhau đi chiếm nhà ga, bến xe và các cơ quan chính quyền của Pháp. Đi tới đâu họ cũng tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng và ủng hộ quân khởi nghĩa tới đó.
Ngay trong đêm, cờ của Việt Nam Quốc dân Đảng đã tung bay trên trại lính và các công sở. Cùng tiếng súng khởi nghĩa Yên Bái, nhiều đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng đã tổ chức cài bom nổ khắp thành phố Hà Nội như Sở Mật thám, bóp Cảnh sát Hàng Trống... để uy hiếp tinh thần và gây hoang mang cho quân Pháp khiến chúng phải đề phòng và ráo riết truy lùng đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng và những người yêu nước khác.
Được sự che chở của nhân dân, Nguyễn Thái Học đã thoát khỏi sự truy đuổi của quân Pháp, cùng bàn bạc với một số đảng viên tiêu biểu còn lại của Việt Nam Quốc dân Đảng cải tổ và thay đổi phương hướng chiến lược, hoạt động của Đảng.
Nhưng, ngày 20/2/1930 chủ trương này vừa khởi động thì Nguyễn Thái Học bị giặc bắt. Chúng hành hình ông ngay tại thị xã Yên Bái cùng với Phó Đức Chính và 11 người khác.
Cảm kích ý chí yêu nước và khí phách anh dũng, hiên ngang trước cái chết của Nguyễn Thái Học và cộng sự của ông trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái, nhà thơ cộng sản Pháp Louis Aragon đã viết những dòng xúc động: "Yên Bái, Đây là điều nhắc nhở ta rằng, không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm của đao phủ"."Yên Bái, Xin gửi tới những người anh em da vàng lời nguyền này, để mỗi giọt cuộc sống các bạn đều tràn máu của một tên Varenne". "Đó là một dân tộc không chịu sống quỳ…”.
Thật vậy, từ trong hoang tàn đổ nát của chiến tranh, cùng cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã anh dũng, bất khuất đứng lên, tiếp bước cha anh gây dựng lại cơ đồ bằng chính bàn tay, khối óc và trái tim của những người yêu nước.
Để hôm nay, cuộc sống của hơn 30 dân tộc anh em chung dòng máu đỏ da vàng ấy từ nơi rừng xanh núi thẳm của Trạm Tấu, Mù Cang Chải cho tới những thị tứ, thị trấn vùng thấp của Nghĩa Lộ, Văn Yên, Lục Yên, Văn Chấn... đều bừng lên một màu xanh no ấm nhờ Phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới do chính người dân làm chủ. Riêng thị xã Yên Bái đã thay đổi vượt bậc so với 90 năm trước.
Thay vào đó là những công trình, nhà máy, đô thị, khu công nghiệp với kiến trúc mới khang trang, hiện đại mọc lên san sát. 6 cây cầu bề thế, vững chãi lần lượt được bắc qua sông Hồng đỏ nặng phù sa với hai bên lở - bồi là những bờ xôi, ruộng mật.
Đặc biệt, ngay giữa khu trung tâm hành chính của thành phố Yên Bái, dấu tích cuộc khởi nghĩa năm xưa đã được tỉnh đầu tư xây dựng tượng đài ghi nhớ công ơn của những nhà yêu nước.
Hướng tới kỷ niệm 90 năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Đảng bộ chính quyền tỉnh một lần nữa tiếp tục đầu tư tu bổ, khánh thành Khu tưởng niệm thuộc quần thể di tích lịch sử cấp quốc gia Nguyễn Thái Học khang trang và sạch đẹp.
Đứng trên cây cầu soi bóng dòng Cô Giang, trông sang Khu Di tích lịch sử Nguyễn Thái Học, cụ Đặng Viết Hiếng, 94 tuổi là cán bộ tiền khởi nghĩa 70 năm tuổi Đảng ở tổ 10, phường Nguyễn Thái Học và cụ Nguyễn Văn Tình, 81 tuổi, 55 năm tuổi Đảng cùng chia sẻ: "Từ cuộc khởi nghĩa bất thành của những chí sỹ yêu nước ấy mà các thế hệ con cháu hôm nay mới có thêm động lực, ý chí quyết tâm cùng ra sức phấn đấu, tiếp nối truyền thống anh hùng đó để xây dựng thành phố quê hương ngày thêm tươi đẹp”.
Hòa trong tiếng nói cười của các cụ, các bà, các chị đang thả bộ trong khuôn viên Khu tưởng niệm thuộc quần thể di tích lịch sử cấp quốc gia Nguyễn Thái Học, người dân Yên Bái và du khách đều có thể thăm quan, tìm hiểu sâu hơn về cuộc khởi nghĩa Yên Bái những năm ba mươi.
Ở đó, có những di tích khắc ghi trong trang sử hào hùng của dân tộc; có nhà bia tưởng niệm 17 chiến sỹ Việt Nam quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo; có vòng tròn khuyết khắc dòng chữ vàng "Không thành công cũng thành nhân” được nối với nhau bởi 17 cột trụ vững chắc tượng trưng cho linh hồn 17 liệt sỹ chiến sỹ bị giặc Pháp hành hình tại đây. Và... còn có tấm bản thảo lớn bằng đá khắc lời tâm phục của nhà thơ cộng sản Pháp Louis Aragon năm xưa để tôn vinh đất với người Yên Bái.
Yên Bái - khúc tráng ca bất tử năm xưa giờ đã hóa tên vào lịch sử. Để hôm nay, cũng tại nơi này, cả đất và người cùng chung dòng suy nghĩ đồng sức, đồng lòng, đoàn kết xây dựng quê hương ngày thêm đẹp giàu, hạnh phúc và văn minh.
Đặc biệt, tư tưởng yêu nước và quyết định rõ ràng, dứt khoát của Nguyễn Thái Học khi từ bỏ con đường cộng tác với Pháp, đấu tranh theo xu hướng cải cách, chuyển sang dùng vũ lực đánh đuổi Thực dân Pháp trong bức thư gửi Hạ viện Pháp: "... Tôi sẽ không thể phục vụ đồng bào tôi khi các ông làm chủ đất nước tôi”... đã, đang và sẽ trở thành lý tưởng, thành lời cảnh tỉnh lớp lớp thế hệ trẻ hôm qua, hôm nay và cả mai sau phải luôn cảnh giác, thận trọng trước những quan điểm, suy nghĩ lệch lạc "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” mà các thế lực phản động đang tìm mọi cách len lỏi, luồn sâu vào nội bộ ta để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa tươi đẹp của chúng ta.
Đi trong không gian văn hóa của Khu di tích lịch sử, dừng chân dưới vòng tròn khuyết, nghe văng vẳng nỗi niềm sâu nặng của những linh hồn yêu nước, chợt bắt gặp một cô gái với mái tóc dài tha thướt che đôi mắt ưu tư đang đứng trước lăng mộ Nguyễn Thái Học và những cộng sự của ông. Dường như, cô gái đã quá đỗi thân quen với nơi này.
Cô chắp tay rì rầm: "Chúng con thật sự có lỗi khi cứ mải miết đi mãi tận đâu đâu tìm hạnh phúc mà không thể ngộ ra rằng, hạnh phúc đang ở ngay cạnh bên ta. Ngay tại nơi này - nơi mà quá khứ hào hùng của cha ông đã lưu vào sử sách, nơi mà cha sinh mẹ đẻ cùng tổ tiên đã dày công vun đắp cho tương lai của chúng con và cho cả bạn bè. Giờ, con đã hiểu rằng, vòng tròn khuyết trên cao này chính là di nguyện, là khát khao cháy bỏng của anh linh những nhà yêu nước mong chúng con kế tục sự nghiệp dở dang vì bạo động và manh nha mà các ông chưa thể hoàn thành. Chúng con nguyện sẽ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước ấy để sống đứng thẳng, không khuất phục, càng không thể quỳ gối, đầu hàng trước khó khăn...”.
Sau đó, mặc cho tôi thỏa sức đoán em là cô giáo dạy Sử, là du khách, là ngoại kiều về nước, cô gái ấy cũng không chịu tiết lộ danh tính, chỉ đồng ý để tôi chụp một tấm ảnh. Cô bảo, coi như đó là tấm lòng thành kính trước các đấng anh linh đã giúp cô tự soi, tự sửa riêng cho chính bản thân mình.
Nhìn lên bức tượng đài sừng sững, trên cao là mây trắng, ngắm xung quanh gặp rất nhiều, rất nhiều những cụ già, em nhỏ cùng nam thanh nữ tú. Người ríu rít nô đùa, người trầm tư đứng lặng, người nghiêng mình chụp ảnh bên chứng tích năm xưa, tôi thấu hiểu giá trị thiêng liêng của cuộc khởi nghĩa không thành năm ấy vẫn còn trường tồn mãi mãi với thời gian, với lịch sử và những người con yêu nước trong thế hệ 4.0 hôm nay.
Thanh Hương