Thực hiện kế hoạch của Huyện ủy Trạm Tấu về triển khai Chương trình hành động (CTHĐ) 144 của Tỉnh ủy với chủ đề năm 2019 "Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược; tích cực thu hút đầu tư; thúc đẩy khởi nghiệp; thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững; cơ bản về đích các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh”, Đảng ủy, chính quyền xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu đã xây dựng kế hoạch với 39 chỉ tiêu, nhằm chi tiết và cụ thể hóa các nội dung về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của xã; từ đó, chủ động các giải pháp phù hợp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mang lại hiệu quả cao, thiết thực.
Là xã đặc biệt khó khăn của huyện, Trạm Tấu có trên 460 hộ với hơn 2.560 nhân khẩu; 99% dân số là đồng bào Mông, trình độ, nhận thức không đồng đều và còn nhiều hạn chế và hộ nghèo năm 2019 còn trên 260 hộ; địa hình đồi núi dốc, dân cư không tập trung.
Ông Tráng A Hồ - Chủ tịch UBND xã Trạm Tấu cho biết: "Xác định các nội dung chủ đề năm 2019 trong CTHĐ 144 của Tỉnh ủy chính là nền tảng quan trọng cho địa phương về đích các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020; đồng thời, là điều kiện tốt cho nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Với điều kiện của một xã thuần nông vùng đặc biệt khó khăn, chúng tôi tập trung vào các chỉ tiêu trọng tâm, tận dụng, khai thác được tiềm năng, thế mạnh tại chỗ như: phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, trồng cây lương thực, trồng sơn tra, bảo vệ rừng...”.
Trong năm 2019, xã đã xây dựng kế hoạch và thành lập được 8 tổ hợp tác, hoàn thành 100% kế hoạch; trong đó, có 4 tổ hợp tác chăn nuôi gia cầm. Anh Giàng A Dê - thành viên của tổ hợp tác nuôi gà thả đồi ở thôn Tấu Dưới cho biết: "Tổ hợp tác thành lập đầu năm 2019, với 2 thành viên. Được thành lập vào dịp trong thôn bị ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi nên chúng tôi được Đảng ủy, chính quyền xã định hướng phát triển chăn nuôi gà đen.
Trước mắt, để có thêm nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu thịt tết tại chỗ cho bà con và về lâu dài là để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm chăn nuôi gà đen thả đồi để tới đây mở rộng mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa, vì gà đen hiện đang là một trong những sản phẩm địa phương được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Đồng thời, chăn nuôi gà thả đồi là hướng phát triển kinh tế khai thác được thế mạnh về đất đai rộng rãi, thức ăn phụ phẩm nông nghiệp có sẵn và không yêu cầu trình độ kỹ thuật chăn nuôi quá cao”.
Ngoài ra, năm 2019, xã đã triển khai được 14 mô hình nuôi dê từ 6 con trở lên/mô hình ở thôn Tấu Dưới và Tấu Trên; hỗ trợ 8 hộ nuôi vịt, ngan với trên 40 con/hộ; 7 hộ xóa nhà dột nát và xây dựng công trình phụ.
Đặc biệt, thực hiện đề án phát triển sản phẩm chủ lực năm 2019 của địa phương, xã đã hỗ trợ xây dựng mới một mô hình chăn nuôi trâu, bò nuôi nhốt với quy mô từ 10 con trở lên/mô hình.
Anh Sùng A Tu, thôn Mo Nhang là một trong những hộ tham gia đề án này chia sẻ: "Đầu năm 2019, được sự quan tâm động viên của địa phương, vợ chồng tôi đã mạnh dạn vay mượn thêm vốn từ bố mẹ cùng với số vốn của mình mua 10 con bò về nuôi nhốt. Hiện, gia đình đang có 12 con cả trâu, bò. Để đảm bảo thức ăn cho vật nuôi, tôi cấy 5 sào ruộng 2 vụ/năm và đều dự trữ toàn bộ rơm rạ, trồng trên 6.000 m2 cỏ, tận dụng thân cây ngô trồng trên diện tích hơn 1 ha. Tôi thấy việc nuôi nhốt trâu, bò rất thuận lợi chăm sóc, không lo dịch bệnh, không sợ chết rét hay mất mát lại vừa tận dụng được lợi thế đất đai trồng cỏ”.
Từ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền xã, sự nỗ lực thực hiện của cán bộ, đảng viên, nhân dân, đến thời điểm hiện tại, xã đã hoàn thành 39/39 chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, trồng cây sơn tra đạt 100 ha, nâng độ che phủ rừng lên gần 57%; duy trì tổng đàn gia súc chính hơn 2.380 con; sản lượng lương thực có hạt đạt trên 2.910 tấn... hoàn thành chỉ tiêu giảm 50 hộ nghèo trong năm 2019.
A Mua