Văn Chấn: Nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/1/2020 | 11:26:47 AM

YênBái - Nỗ lực trong công tác giảm nghèo nhiều năm qua, huyện Văn Chấn đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 22,27% cuối năm 2018 xuống còn 14,86% tương đương với trên 6.000 hộ và trên 4.270 hộ cận nghèo.

Lãnh đạo huyện Văn Chấn động viên đồng bào Mông thôn Làng Mảnh, xã Sùng Đô phát triển kinh tế.
Lãnh đạo huyện Văn Chấn động viên đồng bào Mông thôn Làng Mảnh, xã Sùng Đô phát triển kinh tế.

Năm 2019, huyện Văn Chấn đã đặt quyết tâm cao trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là công tác giảm nghèo.


Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các sở, ban, ngành của tỉnh, huyện đã triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo, nhất là giảm nghèo ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mục tiêu chung là giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Tín hiệu vui cho người nghèo

Năm mới 2020 đến với gia đình anh Giàng A Lồng - thôn Nà Nọi, xã Sùng Đô với niềm phấn khởi. Nhờ có thêm việc làm từ việc chăn nuôi trâu, bò nên năm nay gia đình anh đã thoát nghèo. Vốn là hộ nghèo do thiếu đất sản xuất, gia đình anh đã phải xoay sở đủ việc nhưng vẫn chỉ đủ ăn. 

Năm 2019, được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền xã, gia đình anh đã được hỗ trợ vay 25 triệu đồng vốn vay ưu đãi để mua trâu, bò. Ngoài ra, gia đình anh cũng được hỗ trợ nông cụ, giống lúa để mở rộng sản xuất, trồng cỏ để chăn nuôi thông qua chương trình 135. Vì thế, năm 2019 này, cuộc sống của gia đình anh đã khá giả hơn. 

Anh Lồng chia sẻ: "Cảm ơn Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành đã quan tâm, giúp đỡ gia đình tôi có điều kiện để phát triển kinh tế. Trước đây, gia đình chỉ trông vào ít nương đồi nên khó khăn lắm. Nay có thêm gia súc để chăn nuôi là điều kiện để gia đình tôi có việc làm, yên tâm lao động, sản xuất để ổn định cuộc sống”.

Là xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn, những năm qua, Sùng Đô đã tập trung giúp đỡ các hộ nghèo phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do trình độ nhận thức của nhân dân còn hạn chế, điều kiện kinh tế - xã hội bất lợi nên toàn xã vẫn còn trên 74% hộ nghèo. 

Để thực hiện mục tiêu giảm 87 hộ nghèo trong năm 2019, xã đã rà soát từng hộ nghèo, đánh giá mức độ, nguyên nhân và đề ra các giải pháp giúp đỡ các hộ thoát nghèo. UBND xã đã giao trách nhiệm cho các cán bộ phụ trách từng thôn bản, theo dõi, vận động nhân dân giúp đỡ các hộ nghèo được phụ trách. 

Trên cơ sở đánh giá mức độ, khả năng thoát nghèo của từng hộ, xã đã tham mưu với UBND huyện triển khai các chương trình, nguồn vốn hợp lý, đồng thời phối hợp chặt chẽ với ban, ngành của huyện triển khai các giải pháp giúp đỡ các hộ nghèo. Trong năm 2019, thông qua nguồn vốn của Chương trình 135, xã đã tập trung đầu tư cho các hộ nghèo có điều kiện để chăn nuôi, mở rộng sản xuất. 

Ngoài ra, xã đề nghị với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho gần 30 hộ nghèo vay vốn ưu đãi, qua đó giúp xã sớm hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo. Ông Cứ A Sùng - Chủ tịch UBND xã Sùng Đô chia sẻ: "Chúng tôi đã xác định khó khăn của từng hộ để triển khai các biện pháp giúp đỡ. Nếu khó về nhà ở thì giúp xây dựng, sửa chữa nhà; khó về đất đai thì hỗ trợ con giống để phát triển kinh tế; khó về nguồn vốn thì đề nghị hỗ trợ vay vốn... Định kỳ xã đều họp sơ kết, đánh giá tiến độ của các hộ để có hướng giúp đỡ các hộ đảm bảo thoát nghèo”.

Nhiều nỗ lực giảm nghèo

Cùng với xã Sùng Đô, năm 2019, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo. Mặc dù thực hiện Chương trình hành động 144 của Tỉnh ủy Yên Bái và Kế hoạch 103 của Huyện ủy Văn Chấn, UBND huyện đã tăng chỉ tiêu giảm nghèo lên 7,35%, tương đương với trên 2.800 hộ. 

Để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu trên, huyện đã ban hành nhiều văn bản, chương trình, kế hoạch, chỉ đạo các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các địa phương cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Trong năm, từ các chương trình, dự án, huyện Văn Chấn đã đầu tư, hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng đầu tư, hỗ trợ các chương trình giảm nghèo và hỗ trợ hộ nghèo. Trong đó, nguồn vốn cho các chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững trên 33,7 tỷ đồng. 

Nguồn vốn này tiếp tục được huyện ưu tiên và đầu tư cho các xã, thôn bản thuộc diện 135, như kiên cố hóa trường học, kênh mương thủy lợi, giao thông nông thôn. Cùng với đầu tư hạ tầng, các chính sách về giao đất sản xuất, hỗ trợ y tế, giáo dục, làm nhà ở cho hộ nghèo, cung cấp vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; các chương trình, dự án về khuyến nông, dạy nghề, xuất khẩu lao động, trợ cấp xã hội đã được triển khai đồng bộ. 

Trong năm đã có 259 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở, 1.142 hộ nghèo được vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội trong chương trình cho vay hộ nghèo năm 2019 đạt gần 53,6 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo tại Ngân hàng lên 572 tỷ 758 triệu đồng. Các chương trình hỗ trợ hộ nghèo đã tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân, góp phần tăng thu nhập, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. 

Ngoài nguồn ngân sách Trung ương và tỉnh đầu tư, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thì các địa phương còn ưu tiên đầu tư cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng tập trung, không dàn trải. Việc làm này đã tạo hiệu quả nội lực căn bản để nhân dân và hộ nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. 



Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Văn Chấn trao tiền hỗ trợ "Nhà đại đoàn kết” cho hộ nghèo.  

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của huyện cũng đã tích cực triển khai chương trình giảm nghèo đến đoàn viên, hội viên và nhân dân, tạo ra phong trào hỗ trợ, giúp nhau trong sản xuất, xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Ông Vàng Sáy Tùng - Bí thư Đảng bộ xã Suối Bu cho biết: "Với việc tập trung nguồn lực của Nhà nước cho thôn bản đặc biệt khó khăn và hỗ trợ trực tiếp, các hộ thuộc diện giảm nghèo đã có điều kiện để phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Cùng với sự động viên của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể, đồng bào Mông trên địa bàn xã đã có ý thức tự lực, cố gắng vươn lên cải thiện đời sống. Trong 2019, dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng xã đã hoàn thành mục tiêu giảm 82 hộ nghèo”.

Tiếp tục nỗ lực giảm nghèo bền vững

Nỗ lực trong công tác giảm nghèo nhiều năm qua, huyện Văn Chấn đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 22,27% cuối năm 2018 xuống còn 14,86% tương đương với trên 6.000 hộ và trên 4.270 hộ cận nghèo. Tuy nhiên, đây vẫn là tỷ lệ khá lớn, trong khi việc giảm nghèo còn gặp những khó khăn nhất định. 

Việc triển khai các giải pháp tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế về việc làm do các hộ nghèo thiếu đất, thiếu tư liệu sản xuất. Việc huy động nguồn vốn xã hội hóa cho công tác giảm nghèo đạt thấp do số lượng doanh nghiệp ít, điều kiện kinh tế, xã hội của nhân dân còn khó khăn.

 Để thực hiện đạt hiệu quả mục tiêu chương trình Quốc gia về giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, huyện Văn Chấn tiếp tục nỗ lực phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 10%. Huyện tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án hỗ trợ giảm nghèo; xây dựng các mô hình điểm về phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.    

Ông Đặng Duy Hiển - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: Để thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững cần thực hiện nhiều giải pháp cùng lúc và đồng bộ. Trong đó chính sách hỗ trợ của Nhà nước có vai trò quan trọng, nhất là các chương trình đầu tư cho hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện lưới, nước sạch, vay vốn ưu đãi... 

Cấp ủy, chính quyền các ngành, đoàn thể của huyện, của xã phải vào cuộc quyết liệt, tuyên truyền, vận động để hộ nghèo tự lực vươn lên; mấu chốt là phải tạo cho hộ nghèo có việc làm, có thu nhập ổn định. Vì vậy, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vừa mới thoát nghèo cần phải được quan tâm, tạo điều kiện trong đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ trong sản xuất. Các chương trình, dự án cho khu vực miền núi, nông thôn phải được gắn chặt với nhau, hỗ trợ cho nhau để nâng cao hiệu quả. 

Có thể khẳng định với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến năm 2019, mục tiêu giảm nghèo của cả nhiệm kỳ 2015 - 2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Chấn lần thứ XIX đề ra đã cơ bản hoàn thành. Với mục tiêu nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, huyện đang tiếp tục triển khai các giải pháp tạo điều kiện giúp các hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. 

Trần Van

Các tin khác
Kỳ họp thứ 42 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp này đó là kết luận vi phạm đối với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh...

Bước vào năm mới 2020, Bản Mù đề ra 24 chỉ tiêu nghị quyết với các giải pháp thực hiện thiết thực đó là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng diện tích ngô, lúa 2 vụ tại 7 thôn...

Đồng chí Nguyễn Thế Phước - Bí thư Huyện ủy Trấn Yên thăm mô hình phát triển kinh tế vườn đồi.

Chúng tôi tới huyện Trấn Yên vào những ngày đầu năm 2020, trên các trục đường chính đi qua khu trung tâm thị trấn Cổ Phúc rực rỡ cờ hoa, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đang ra sức thi đua lao động, sản xuất chuẩn bị đón quyết định công nhận huyện nông thôn mới của Chính phủ.

Ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM

Ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM vi phạm đến mức phải xem xét kỷ luật liên quan đến dự án Thủ Thiêm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục