Qua giám sát cho thấy, trong 3 năm 2016 - 2018, đào tạo nghề LĐNT đã có những tác động, chuyển biến rõ rệt, nhiều lao động sau học nghề có việc làm mới, cải thiện thu nhập; nhiều mô hình dạy nghề có hiệu quả, phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương.
Hiện, toàn tỉnh có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó, có 11 cơ sở công lập, 2 cơ sở ngoài công lập. Trong 3 năm qua, đã tuyển sinh đào tạo nghề cho trên 50.000 người. Trong đó, khoảng 80% học sinh, sinh viên có việc làm sau đào tạo; đối với học sinh, sinh viên học các nghề kỹ thuật có việc làm sau đào tạo đạt trên 90%.
Công tác đào tạo nghề từng bước gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Hoạt động liên kết đào tạo, đào tạo theo địa chỉ cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực của các doanh nghiệp, địa phương, nhu cầu thị trường lao động theo từng ngành nghề, trình độ đào tạo.
Một số ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế, tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh như: hướng dẫn viên du lịch, nghiệp vụ nhà hàng, lễ tân, kỹ thuật chế biến món ăn, pha chế đồ uống, nghiệp vụ lưu trú... phù hợp với nhu cầu của xã hội và xuất khẩu lao động.
Toàn tỉnh mở được 528 lớp đào tạo nghề, số LĐNT được hỗ trợ học nghề là 15.395 người. Quy mô đào tạo ngày càng mở rộng, chất lượng đào tạo từng bước được nâng cao; hình thức, phương pháp đào tạo đa dạng gắn với nhu cầu của người học. Dạy nghề bước đầu gắn kết với nhu cầu, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp như: nghề may công nghiệp, xây dựng, gò, hàn...
Nhiều lao động sau khi học nghề đã có việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong, ngoài tỉnh. Nhiều lao động đã áp dụng kỹ thuật vào phát triển sản xuất, xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, thu nhập cao.
Trong 3 năm, toàn tỉnh đã hỗ trợ tạo việc làm mới cho trên 54.000 lao động; lao động làm việc tại cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh khoảng gần 10.000 người, trong đó, ở 3 doanh nghiệp may có vốn đầu tư nước ngoài là trên 3.700 lao động; LĐNT xuất cư làm việc ngoài địa bàn tỉnh khoảng trên 12.000 người chủ yếu tại các công ty sản xuất linh kiện điện tử, may mặc, xây dựng, chế biến nông lâm sản, khai thác đá, vật liệu xây dựng...
Giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh đã hỗ trợ 3.279 lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt 130,06% kế hoạch. Công việc chủ yếu là sản xuất, chế tạo, may mặc, điện tử, giúp việc gia đình, hộ lý, xây dựng tập trung tại các thị trường: Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông... Lao động đi làm việc ở nước ngoài thu nhập tương đối ổn định.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đào tạo nghề, giải quyết việc làm vẫn còn tồn tại, hạn chế, bất cập. Đó là, nhận thức của một bộ phận người lao động về học nghề chưa đầy đủ, nhất là học sinh vùng dân tộc thiểu số chưa thực sự quan tâm đến học nghề; tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng còn thấp.
Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa chủ động khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, dạy nghề theo địa chỉ; hoạt động liên kết, liên thông trong đào tạo chưa nhiều... Số lượng doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô sử dụng lao động ít.
Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giải quyết việc làm, đặc biệt là giải quyết việc làm cho người lao động sau khi tốt nghiệp các khóa dạy nghề gặp nhiều khó khăn...
Qua giám sát, HĐND tỉnh đã đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh và các ngành, địa phương cần rà soát, nghiên cứu, đề xuất chính sách tổng thể phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2021 - 2026, trong đó, lưu ý quan tâm chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao cho một số ngành, lĩnh vực đặc thù.
Nghiên cứu, xem xét, chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng dạy và học cho hệ thống các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tại các địa phương trong tỉnh để đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2026.
Đồng thời, có các giải pháp tổng thể, đồng bộ để chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 theo định hướng của tỉnh. Lồng ghép các chương trình, dự án để tổ chức thực hiện có hiệu quả mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, thu hút tuyển lao động, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Đức Toàn