Cũng như nhiều tỉnh, thành cả nước, nhiều ĐVHC của Yên Bái quy mô về diện tích và dân số nhỏ.
Đơn cử tại huyện Văn Yên, có xã Yên Hưng diện tích tự nhiên là 10,76 km2, nhưng dân số chỉ 1.987 người; xã Hoàng Thắng 19,81 km2, dân số 2.127 người.
Tại huyện Yên Bình, xã Tích Cốc, diện tích 14,92 km2, dân số chỉ 2.228 người; xã Văn Lãng 10,63 km2; dân số 2.150 người… Tuy nhiên, các xã vẫn có một tổ chức bộ máy, biên chế, chi tiêu, mua sắm trang thiết bị, trụ sở, chi thường xuyên, kinh phí duy trì hoạt động của bộ máy hệ thống chính trị ở địa phương.
Trước thực tế đó, căn cứ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Nội vụ, kết luận của Tỉnh ủy, ý kiến của cử tri và đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 24 ngày 31/7/2019 về chủ trương sắp xếp lại các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021.
Từ Đề án của tỉnh, ngày 10/1/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 và thành lập một số ĐVHC đô thị của 18 tỉnh, thành phố, trong đó, có tỉnh Yên Bái.
Theo đó, Yên Bái sẽ có 2 ĐVHC cấp huyện (huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ), 4/14 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021; thành lập thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn. Sau sắp xếp, số lượng ĐVHC cấp huyện của tỉnh không thay đổi (9 đơn vị); số lượng ĐVHC cấp xã từ 180 đơn vị giảm xuống còn 173 đơn vị với 150 xã, 10 thị trấn, 13 phường.
Việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã là nhu cầu khách quan đối với quản trị quốc gia và mỗi địa phương trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những tiền đề trong quản trị.
Đây là bước đi cụ thể hóa Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã; chi tiết hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Không chỉ thể hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, việc sắp xếp cũng nhận được sự đồng thuận rất cao của nhân dân.
Tại các xã: Thanh Lương, Thạch Lương, Hạnh Sơn, Phúc Sơn, Sơn A, Phù Nham và thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ của huyện Văn Chấn, tỷ lệ cử tri đồng ý phương án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Văn Chấn để mở rộng địa giới hành chính thị xã Nghĩa Lộ là rất cao, chiếm 95,54% tổng số cử tri được lấy ý kiến; 100% đại biểu HĐND huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ và 7 xã, thị trấn dự họp biểu quyết tán thành.
Tại thành phố Yên Bái, tỷ lệ cử tri xã Văn Tiến, Văn Phú, Giới Phiên và Phúc Lộc đồng ý sáp nhập với nhau đạt từ 96% trở lên; 100% đại biểu HĐND thành phố và các xã dự họp biểu quyết tán thành.
Tại huyện Trấn Yên, tỷ lệ cử tri xã Minh Tiến, Y Can đồng ý sáp nhập với nhau đạt từ 94,50% trở lên; 100 đại biểu HĐND huyện, xã họp biểu quyết tán thành. Tại huyện Yên Bình, tỷ lệ cử tri xã Tích Cốc và Cảm Nhân, Văn Lãng và Phú Thịnh đồng ý sáp nhập vào nhau đạt từ 88,84% trở lên; 100% đại biểu HĐND huyện, xã dự họp biểu quyết tán thành.
Tại huyện Văn Yên, tỷ lệ cử tri xã Yên Hưng và Yên Thái, Hoàng Thắng và Xuân Ái đồng ý sáp nhập với nhau đạt từ 93,36% trở lên; 100% đại biểu HĐND huyện và xã dự họp biểu quyết tán thành.
Phù hợp với yêu cầu phát triển với sự đồng thuận cao; tuy nhiên, trước mắt sẽ xuất hiện nhiều vẫn đề nảy sinh qua sắp xếp. Cụ thể đó là việc xáo trộn hoạt động của chính quyền, nhiều thủ tục giấy tờ cần thiết phải chuyển đổi giữa đơn vị hành chính cũ và đơn vị hành chính mới sau sáp nhập, mất nhiều thời gian điều tra, xác minh.
Qua tính toán, có trên 108 cán bộ, công chức (54 cán bộ, 54 công chức) và 65 cán bộ không chuyên trách từ sắp xếp sẽ dôi dư. Cùng đó là những khó khăn trong sắp xếp lại cơ sở hạ tầng như trụ sở làm việc của chính quyền, trường học, bệnh viện, các thiết chế văn hóa.
Sau sắp xếp, việc quản lý địa giới hành chính cấp xã rộng hơn so với trước đây; từ đó, có nhiều vấn đề phát sinh trong quản lý nhất là việc, mất cân đối về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phải cơ cấu lại nền kinh tế kèm theo đa dạng hóa cơ cấu sản xuất, kinh doanh…
Xác định rõ mục tiêu, những thuận lợi, khó khăn và công việc phải thực hiện, cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, các địa phương, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải thực sự quan tâm đến công tác sắp xếp để đạt kết quả tốt nhất. Trong đó, phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân; cần làm tốt công tác tư tưởng, đảm bảo sự dân chủ, khách quan, công tâm và chế độ đối với số cán bộ, công chức dôi dư.
Bên cạnh đó, cần phải xây dựng bộ máy mới những người có đạo đức, có uy tín, phẩm chất, trình độ chuyên môn để đảm nhận công việc mới nặng nề hơn. Sau sắp xếp phải bắt tay vào hoạt động ngay, cho dù công việc lớn và bộn bề, nhưng các cấp chính quyền phải tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp hoạt động ổn định...
Đình Tứ