Đầu năm 2019, chị Lò Thị Diên, thôn Bản Chanh, xã Phù Nham mạnh dạn chuyển đổi 1.000m vuông diện tích trồng rau màu sang làm mô hình thử nghiệm trồng chanh leo. Qua 1 năm, mô hình đã mang lại thu nhập cao.
Từ mô hình này, xã Phù Nham đang nhận rộng để nâng cao thu nhập cho người dân. Chị Diên cho biết: "Mặc dù được hỗ trợ kinh phí chỉ 5 triệu đồng và tập huấn kiến thức khoa học, kỹ thuật nhưng tôi thấy đây là mô hình hay nên mạnh dạn làm thử. Qua một năm, đã có hiệu quả rõ rệt vì chanh leo thu nhập cao hơn hẳn so với các loại cây rau màu”.
Là địa phương thuần nông, những năm qua, để hiện tốt Phong trào thi đua xây dựng mô hình DVK, đầu năm 2019, xã Phù Nham đã triển khai thí điểm dự án trồng 10 ha cây chanh leo tại 6 thôn với 52 hộ tham gia. Đến nay, mô hình đã phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Qua một năm triển khai mô hình, bước đầu đã cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha. Từ mô hình này, xã đang nhân rộng mô hình nhằm tìm hướng đi mới cho nông dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Ông Phùng Văn Đồng - Chủ tịch UBND xã Phù Nham cho biết: thông qua mô hình DVK đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, việc thực hiện mô hình cũng tạo phong trào lan tỏa lớn trong cộng đồng dân cư hăng hái thi đua lao động sản xuất; từ đó, giúp địa phương thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Qua 10 năm thực hiện Phong trào thi đua xây dựng mô hình DVK, huyện Văn Chấn đã xây dựng được nhiều mô hình tiêu biểu trên các lĩnh vực, đến nay, tiếp tục duy trì hoạt động của 209 mô hình tiêu biểu; trong đó, 92 mô hình trên lĩnh vực phát triển kinh tế; 70 mô hình trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, 26 mô hình trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, 21 mô hình xây dựng hệ thống chính trị và xây dựng nông thôn mới...
Đặc biệt, Phong trào thi đua DVK đã tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, huy động được các nguồn lực, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các địa phương; đến hết năm 2019 huyện đã có: 8 xã đạt 19/19 tiêu chí, bằng 28,6%; 7 xã đạt từ 14 - 18 tiêu chí, bằng 25%; 13 xã đạt từ 6 - 9 tiêu chí, bằng 46,4%.
Bà Hoàng Thị Hồng Phóng - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Văn Chấn cho biết: Để thúc đẩy phong trào thi đua "Dân vận khéo”, trước hết là sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đối với công tác dân vận phải thực sự được quan tâm, phối hợp chặt chẽ và triển khai thực hiện đồng bộ gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Mặt khác, việc lựa chọn xây dựng mô hình DVK phải phù hợp với thực tiễn của cơ sở, thiết thực với nhu cầu và nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Quan trọng là, cần tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện, kịp thời biểu dương khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu để nhân rộng mô hình trên các lĩnh vực.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa các mô hình DVK, thời gian tới, huyện Văn Chấn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất trên cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch liên kết chặt chẽ giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ.
Tăng cường vai trò của các đoàn thể trong vận động các thôn, bản, hộ gia đình tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và theo chuỗi giá trị, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.
Chỉ đạo các địa phương trong huyện tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung các vùng quy hoạch sản xuất tập trung trên cơ sở tiến hành quy hoạch chi tiết, định hướng sản xuất, xác định cây con chủ lực gắn với việc xây dựng đề án phát triển nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Tạo điều kiện để các hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã tiếp cận các nguồn vốn và thụ hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo quy mô lớn; tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương giúp nông dân sản xuất nông nghiệp hướng đến thị trường ổn định và phát triển.
Thanh Tân