“Xuê xoa, nể nang nhau sẽ không tìm được cán bộ tốt”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/2/2020 | 2:53:09 PM

Một khi còn xuê xoa, nể nang nhau, vì động cơ không trong sáng thì khó tìm được người tốt, thậm chí người xấu được đưa lên, người tốt bị đẩy ra ngoài

Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an).
Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an).

Trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, công tác lựa chọn nhân sự đang được cấp ủy các cấp chuẩn bị kỹ lưỡng, từ rà soát, sàng lọc đội ngũ cán bộ với cách làm chặt chẽ, thận trọng, chính xác, đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.

Đừng để cán bộ tốt bị đẩy ra ngoài

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, công tác nhân sự nhiệm kỳ tới phải bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ mà trực tiếp là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp uỷ, Ban Thường vụ cấp uỷ.

"Cấp uỷ nhiệm kỳ 2020 - 2025 phải đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng" - Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Thực tiễn đất nước cho thấy, công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, "là gốc của mọi vấn đề”, nếu chọn đúng, trúng cán bộ thì sẽ tạo ra những đột phá mới, tạo ra cơ hội cho sự phát triển của đất nước. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với cán bộ cấp chiến lược phải là những người có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới...

Nhấn mạnh đến đức và tài của cán bộ, ông Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, xã hội hiện đại, mở cửa đem đến cho chúng ta nhiều thời cơ nhưng cũng không ít thách thức. Yêu cầu đặt ra đối với cán bộ, đặc biệt là cấp chiến lược phải là những người trong sạch, lấy đức làm gốc, có trí tuệ thì mới có thể gánh trên vai việc Đảng, việc nước, việc dân, thích ứng được những thay đổi hàng ngày của nền kinh tế số, kinh tế tri thức, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ...



Ông Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. 

Muốn có được đội ngũ cán bộ đủ tâm và tầm, vai trò, trách nhiệm của người làm công tác cán bộ là rất lớn. Yêu cầu đặt ra là phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát kiện những trường hợp vi phạm hoặc không đủ tiêu chuẩn để đưa ra khỏi quy hoạch, không để lọt những cán bộ kém phẩm chất, yếu năng lực và uy tín thấp vào cấp ủy các cấp. Đồng thời bổ sung những nhân tố mới đủ tiêu chuẩn, đủ điều kiện vào quy hoạch.

"Trong công tác cán bộ, trước hết phải kiểm tra, kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, kiểm soát quyền lực của những người làm công tác tổ chức, những người có chức trách, quyền hạn trong bố trí nhân sự. Không để cho những người có quyền bố trí người này, người kia lại chính là những người ăn "đút lót”, tiêu cực. Công tác tổ chức phải đi trước một bước, không để lọt vào cấp ủy những người "chạy chức, chạy quyền” – ông Nguyễn Viết Chức nói và nhấn mạnh, một khi còn xuê xoa, nể nang nhau, vì động cơ không trong sáng thì khó tìm được người tốt, thậm chí người xấu được đưa lên, người tốt bị đẩy ra ngoài.

Phải ràng buộc trách nhiệm

Cụm từ "lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ” không còn quá xa lạ với nhiều người. Bởi thực tế có lúc, có nơi, việc giới thiệu, bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ còn tình trạng đúng quy trình nhưng không đúng người, đúng việc. Còn tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân, "cánh hẩu” không đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào vị trí không xứng đáng, gây bức xúc trong dư luận. Thậm chí có tình trạng mượn danh tập thể để hợp thức hóa quyết định, ý chí chủ quan của cá nhân hay của một nhóm người, làm cho những quyết định về công tác cán bộ thiếu dân chủ, công tâm, khách quan.

Nhấn mạnh lại câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: Việc xử lý, kỷ luật cán bộ không có vùng cấm, không có ngoại lệ, ông Nguyễn Viết Chức cho rằng, chi bộ, đảng bộ nào chia bè phái, mất sức chiến đấu, không có khả năng để đấu tranh, làm rõ sự thật, cũng như những tiêu cực trong công tác cán bộ, "ngậm miệng ăn tiền”, hùa theo vào nhóm lợi ích thì phải xử lý kỷ luật nghiêm minh.

"Các đồng chí lãnh đạo Đảng cũng như các tổ chức đã rất kiên quyết về mặt văn bản cũng như cách làm, còn những ai chưa tỉnh ngộ, vẫn ngựa quen đường cũ thì sẽ bị xử lý nghiêm khắc” – ông Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.

Nhắc lại con số hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) nhấn mạnh, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thoái hóa biến chất, "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” thời gian qua là cuộc chiến cam go, quyết liệt, bước đầu đã đạt được kết quả rất quan trọng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Song, cũng chính từ thực tiễn cam go ấy cho thấy công tác cán bộ trong một thời gian dài đã để lọt không ít kẻ cơ hội chính trị, tham nhũng, tiêu cực... vào trong bộ máy.

Để khắc phục những tồn tại trong công tác lựa chọn nhân sự, theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, yếu tố có tính quyết định đó là thực hiện nghiêm nguyên tắc công khai, minh bạch. Cùng với đó, tiếp tục mở rộng việc thi tuyển để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về công tác cán bộ, trong đó thực hiện nghiêm việc lựa chọn, bầu cử có số dư; ứng viên trước khi bổ nhiệm phải trình bày chương trình hành động và cam kết trách nhiệm thực hiện.

"Cần quay lại nguyên lý: Nơi nào mà quyền lực không được giám sát thì nơi đó sớm muộn sẽ bị tha hóa. Do đó, phải ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Khi cán bộ đã tha hóa, tham nhũng thì phải xử lý nghiêm, không có ngoại lệ. Cùng với đó, tiếp tục cải cách chính sách tiền lương và nhà ở để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc”– ông Lê Văn Cương nhấn mạnh.

Nhân dân đang rất mong chờ Đại hội Đảng bộ các cấp sẽ đem đến một bầu không khí mới, tác phong làm việc mới để nâng cao uy tín của Đảng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan của Đảng cũng như cơ quan của Nhà nước. Để có được kết quả này, các tổ chức, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, nhân dân cũng cần tham gia vào quá trình giám sát, phát hiện, chỉ rõ những cơ quan nào, cá nhân, tổ chức nào còn "chạy chức, chạy quyền”, còn tiêu cực thì phải được vạch ra ánh sáng.

Tin rằng, với cách làm kiên quyết, với chỉ đạo đến nơi đến chốn thì những tiêu cực trong công tác cán bộ sẽ được đẩy lùi.

(Theo VOV)

Các tin khác
Các nhà sử học cùng lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các đại biểu trao đổi về sự kiện Khởi nghĩa Yên Bái. (Ảnh: Thu Trang)

Tròn 90 năm - đánh dấu mốc thời gian gần một thế kỷ Khởi nghĩa Yên Bái với câu nói nổi tiếng của chí sĩ, liệt sĩ Nguyễn Thái Học “Không thành công cũng thành nhân” đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Ban chi ủy Chi bộ Văn phòng cấp ủy - Chính quyền huyện Văn Yên ra mắt Đại hội.

Đảng bộ huyện Văn Yên có 32 Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ huyện với 277 chi bộ.

Các tân binh lên đường nhập ngũ.

Năm 2020, tỉnh Yên Bái được giao nhiệm vụ tuyển chọn và gọi 850 công dân nhập ngũ giao cho các đơn vị quân đội.

Các tập thể, cá nhân được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và Ba tại Hội nghị tổng kết công tác thi đua - khen thưởng năm 2019.

Ngày 4/2, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Văn bản số 178/UBND-NCPC gửi các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc 18 khối thi đua về việc phát động Phong trào thi đua yêu nước năm 2020.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục