Cuộc bầu cử được đánh giá là tiến hành nhanh, gọn, tốt. Ở miền Bắc đến 11 giờ, ở miền Nam đến 12 - 13 giờ, về cơ bản việc bỏ phiếu đã làm xong. Tỷ lệ người đi bầu trong cả nước là 98,77%; miền Bắc là 99,36%, miền Nam là 98,59%. Ở miền Bắc, tỉnh đạt tỷ lệ cao nhất là 99,93%; tỉnh đạt tỷ lệ thấp nhất là 98,44%. Ở miền Nam, tỉnh đạt tỷ lệ cao nhất là 98,99%; tỉnh đạt tỷ lệ thấp nhất là 96,13%. Kết quả, cả nước đã bầu đủ 492 đại biểu ngay ở vòng đầu.
Kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I (6/1/1946), sau 30 năm, cuộc Tổng tuyển cử chung lại được tổ chức trên phạm vi cả nước. Nếu cuộc tổng tuyển cử đầu tiên để bầu ra Quốc hội khóa I năm 1946 đã chính thức hóa về mặt pháp lý Nhà nước và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì cuộc Tổng tuyển cử năm 1976 lại mang ý nghĩa chính thức hóa việc thống nhất nước nhà. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chính trị to lớn tiếp theo chiến thắng vĩ đại về quân sự vào mùa xuân năm 1975, mở ra cơ hội cho quá trình hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế của Quốc hội Việt Nam trong vị thế của một Nhà nước độc lập, thống nhất.
Tháng 1/1976, là thời điểm tỉnh Hoàng Liên Sơn được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 tỉnh: Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lào Cai. Trong số 492 đại biểu Quốc hội khóa VI, tỉnh Hoàng Liên Sơn có 4 đại biểu gồm các ông: Nguyễn Ngọc Hồ, Bàn Văn Quan, Hoàng Quốc Thịnh và bà Hoàng Thị Khước. Kế thừa và phát huy truyền thống của các thế hệ đại biểu Quốc hội tiền nhiệm, 4 đại biểu của tỉnh Hoàng Liên Sơn được bầu trong cuộc Tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội chung cả nước đã thể hiện tinh thần trách nhiệm với cử tri và nhân dân.
Các đại biểu đã cùng Quốc hội khóa VI quyết định những vấn đề quan trọng trong thời kỳ phát triển đất nước; quyết định về đường lối, chính sách của Nhà nước Việt Nam thống nhất; cơ cấu lãnh đạo của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước khi chưa có hiến pháp mới, tiến hành bầu các chức danh lãnh đạo cao nhất của Chính phủ và Nhà nước, hình thành các cơ quan trong bộ máy nhà nước để điều hành công việc chung của đất nước. Trong nhiệm kỳ 1976 - 1981, Quốc hội khóa VI đã thông qua Hiến pháp 1980, thông qua 6 luật và pháp lệnh, phê chuẩn mười hai hiệp định, hiệp ước và công ước quốc tế.
Cùng nằm trong giai đoạn sáp nhập Hoàng Liên Sơn, trong 496 đại biểu nhiệm kỳ Quốc hội khóa VII, các ông: Nguyễn Ngọc Hồ, Hà Thiết Hùng, Bàn Văn Quan, Lý A Sáng và bà Sầm Thị Sương được bầu làm đại biểu Quốc hội.
Đây là thời kỳ xung đột biên giới phía Bắc kéo dài, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cùng với quân và dân cả nước, đồng bào, chiến sĩ Hoàng Liên Sơn đã đóng góp sức người, sức của để bảo vệ vững chắc biên cương.
Đây cũng là thời kỳ bắt đầu công cuộc đổi mới đất nước, Quốc hội khóa VII đã đẩy mạnh công tác lập pháp, tăng cường công tác giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác, các đại biểu dân cử của tỉnh đã góp phần thông qua 10 luật, bộ luật, 35 nghị quyết, 15 pháp lệnh và phê chuẩn 19 hiệp định, hiệp ước và công ước quốc tế.
Tham luận tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, đại biểu Hà Thiết Hùng thay mặt cử tri và nhân dân trong tỉnh khẳng định sẽ tăng cường đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, tập trung sản xuất lương thực, thực phẩm, phát triển cây lâm nghiệp cây đặc sản.
Để thực hiện đổi mới kinh tế, đại biểu đóng góp ý kiến với Quốc hội về thực hiện các chính sách kinh tế mới, cải tiến công tác phân phối lưu thông, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc là cho sản xuất đúng hướng và lưu thông thông suốt nhằm phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống nhân dân các dân tộc.
Sang khóa VIII, Quốc hội hoạt động trong thời kỳ cả nước thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986). Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái gồm các ông: Đỗ Khắc Cương, Lò Văn Nhài, Bàn Hữu Quyên, Đặng Quân Thụy và bà Lò Thị Bình.
Cử tri xã Tân Hương, huyện Yên Bình bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Từ thực tế địa phương, ngay từ kỳ họp thứ nhất, đại biểu Đỗ Khắc Cương đã nêu lên "cái được”, cái mất của nghề rừng của tỉnh, đó là độ tàn che của rừng mất quá nhiều; tài nguyên rừng nghèo kiệt nhanh và rừng càng ngày càng xa làng bản, càng đi sâu khó khai thác; màu mỡ bị bào mòn quá lớn; các trận gió lốc, lũ lụt, hạn hán xảy ra liên tiếp, nguồn nước ngày càng khô cạn.
Sau khi nêu những nguyên nhân, ông Cương đã thay mặt cử tri và nhân dân của tỉnh kiến nghị Quốc hội và Nhà nước các giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ trồng rừng; khai thác tiềm năng thế mạnh của miền núi là nghề rừng; có cơ chế, chính sách quản lý thích hợp đối với nghề rừng; cải tiến quy trình trồng rừng mới theo quy hoạch nhưng vẫn giữ được thảm thực vật... Những kiến nghị của đại biểu Đỗ Khắc Cương cho quốc kế dân sinh đến nay vẫn mang giá trị thực tiễn sâu sắc.
Cuối nhiệm kỳ, Quốc hội đã quyết định chia tách Hoàng Liên Sơn thành tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Cuộc bầu cử Quốc hội khóa IX, nhiệm kỳ 1992 - 1997, tỉnh Yên Bái được bầu 4 đại biểu; nhiệm kỳ 1997 - 2002, đoàn đại biểu Quốc hội khóa X tỉnh Yên Bái có 5 vị. Từ khóa XI (2002 - 2007) đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái luôn được bầu 6 đại biểu.
Ngày 22/5/2016, cử tri Yên Bái đã bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại 1.284 khu vực bỏ phiếu trên địa bàn tỉnh. Cuộc bầu cử đã kết thúc an toàn, đúng luật định, tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,99%; trong đó, 4 huyện: Lục Yên, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ đã 100% cử tri đi bầu cử. Trong số 494 đại biểu được bầu, tỉnh Yên Bái có các ông Trần Quốc Vượng, Dương Văn Thống, Đinh Đăng Luận, Giàng A Chu và các bà: Nguyễn Thị Tâm, Triệu Thị Huyền vinh dự được cử tri tỉnh Yên Bái bầu vào Quốc hội khóa XIV. Phát huy truyền thống, ý thức trách nhiệm lớn lao, 6 đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã tích cực nâng cao trình độ, sâu sắc trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, gần gũi gắn bó với nhân dân để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu.
Tham gia đầy đủ các phiên làm việc tại các kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã chuyển tới kỳ họp thực tế sinh động của đời sống kinh tế - xã hội và tâm tư nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Trong các kỳ họp gần đây, đại biểu của tỉnh Yên Bái đều phát biểu.
Đó là, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm đầu tư các dự án công trình cầu Cổ Phúc; dự án tuyến nối từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai với thị xã Nghĩa Lộ; dự án đường Trạm Tấu - Bắc Yên - Sơn La; đề nghị tập trung nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; việc thành lập trường phổ thông dân tộc bán trú và phạm vi áp dụng chính sách nội trú, bán trú theo tiêu chí ba khu vực; cần có sự đầu tư hệ thống cảnh báo hiện tượng thời tiết cực đoan, để sớm có chủ động các biện pháp phòng tránh cho nhân dân...
Qua 44 năm, nhìn lại chiến thắng của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất, các đại biểu của cử tri và nhân dân Yên Bái tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm, thực hiện lời hứa với cử tri, tích cực các hoạt động của Quốc hội.
Đồng thời, tạo niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh và sự đồng sức, đồng lòng của người dân, xây dựng tỉnh Yên Bái trở thành tỉnh phát triển của khu vực trung du và miền núi phía Bắc theo Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh Yên Bái đề ra.
Quang Tuấn