Yên Bái quyết tâm thực hiện “nhiệm vụ kép”

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/4/2020 | 8:03:25 AM

YênBái - Một trong những giải pháp quan trọng mà tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội là tập trung ưu tiên đẩy mạnh sản xuất, gia tăng giá trị các lĩnh vực có dư địa tăng trưởng (nông, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng) để bù đắp các lĩnh vực bị suy giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Gói thầu số 8, công trình đường nối quốc lộ 32 C với đường cao tốc Nội Bài -  Lào Cai (phân đoạn Km7 + 595.07 - Km 12 + 223) do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Yên Bái làm chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ thi công. (Ảnh: Thanh Miền)
Gói thầu số 8, công trình đường nối quốc lộ 32 C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (phân đoạn Km7 + 595.07 - Km 12 + 223) do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Yên Bái làm chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ thi công. (Ảnh: Thanh Miền)

Quán triệt tinh thần chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc Lời kêu gọi của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với phương châm "Thần tốc, đồng bộ, toàn dân, toàn diện, không để ai đứng ngoài, không để ai phía sau”, Yên Bái quyết tâm thực hiện "nhiệm vụ kép” vừa chủ động phòng chống dịch COVID - 19, vừa tích cực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với quan điểm không thay đổi mục tiêu tổng thể mà chủ động điều chỉnh linh hoạt về giải pháp, bảo đảm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. 

Dịch COVID - 19 ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội

Tại Yên Bái, tuy chưa xuất hiện ca nhiễm COVID - 19 nhưng dịch bệnh cũng đã tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội; hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế, đặc biệt là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu ngân sách Nhà nước. 

Trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh quý I/2020 và qua phân tích, đánh giá cho thấy, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản do ít bị ảnh hưởng nên sản xuất vẫn duy trì, phát triển ổn định. Đây cũng là lĩnh vực được đánh giá có dư địa tăng trưởng, bù đắp thiếu hụt ở các ngành, lĩnh vực khác bị ảnh hưởng. 

Tuy nhiên, lĩnh vực lâm nghiệp bị sụt giảm mạnh do các nước trên thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp siết chặt cửa khẩu, hạn chế xuất nhập cảnh để tránh lây lan dịch bệnh đã làm giảm thị trường xuất khẩu, tiêu thụ các sản phẩm lâm nghiệp (ván ghép thanh, các sản phẩm gỗ rừng trồng; vỏ quế, tinh dầu quế; măng tre Bát độ). Khu vực công nghiệp - xây dựng cũng bị ảnh hưởng lớn như công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; may mặc; chế biến nông lâm sản. 

Đây là những ngành sản xuất sử dụng nhiều nguyên vật liệu xuất xứ từ Trung Quốc; sản phẩm chủ yếu xuất sang thị trường một số nước đang có dịch bệnh bùng phát mạnh như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, EU… Lĩnh vực du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID - 19. 

Trong quý I/2020, lượng khách đến tỉnh chỉ đạt 6,9% kế hoạch, bằng 36,2% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế chỉ đạt 30.7%, doanh thu bằng 33,7% so với cùng kỳ. Tiếp đó là các dịch vụ vận tải, dịch vụ thương mại, lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục ngoài công lập cũng bị ảnh hưởng lớn và gặp khó khăn, nhất là từ việc thực hiện cách ly xã hội. 

Cùng đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã, thu hút đầu tư; thu chi ngân sách Nhà nước cũng bị tác động lớn. 

Một bộ phận người lao động phải tạm ngừng việc làm, giảm thu nhập hoặc không có thu nhập, đời sống gặp nhiều khó khăn. Qua rà soát, có khoảng 45.600 hộ nghèo, cận nghèo, gần 7.000 hộ kinh doanh cá thể và khoảng 47.000 người thuộc các nhóm yếu thế bị ảnh hưởng do dịch bệnh cần được hỗ trợ. 

Trên cơ sở phân tích, đánh giá dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tỉnh Yên Bái quyết định điều chỉnh kịch bản phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, với quan điểm không thay đổi mục tiêu tổng thể mà chủ động điều chỉnh linh hoạt về giải pháp, bảo đảm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. 

Theo đó, quý I điều chỉnh tăng 5 chỉ tiêu, điều chỉnh giảm 7 chỉ tiêu, giữ nguyên 2 chỉ tiêu. Quý II điều chỉ tăng 5 chỉ tiêu, điều chỉnh giảm 8 chỉ tiêu, giữ nguyên 5 chỉ tiêu. Quý III dự kiến điều chỉnh tăng 4 chỉ tiêu, điều chỉnh giảm 7 chỉ tiêu và giữ nguyên 4 chỉ tiêu. Quý IV điều chỉnh tăng 6 chỉ tiêu, điều chỉnh giảm 2 chỉ tiêu và giữ nguyên 27 chỉ tiêu. 

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp

Một trong những giải pháp quan trọng mà tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội là tập trung ưu tiên đẩy mạnh sản xuất, gia tăng giá trị các lĩnh vực có dư địa tăng trưởng (nông, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng) để bù đắp các lĩnh vực bị suy giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh. 

Theo đó, tỉnh sẽ triển khai hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ thực hiện các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản gắn với thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trong đó, bổ sung kinh phí hỗ trợ thực hiện các đề án nhằm gia tăng giá trị sản xuất bù đắp cho một số lĩnh vực, sản phẩm bị thiếu hụt như các đề án hỗ trợ trong chăn nuôi, trồng trọt, phát triển cây quế… 

Ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: ngành nông nghiệp sẽ tập trung yêu cầu các địa phương chỉ đạo nhân dân tăng cường khai hoang, cải tạo, mở rộng diện tích cây trồng ngắn ngày như: lúa, lạc, đậu tương, rau màu, cây dược liệu; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất các sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tích cực phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, quy mô trang trại, gia trại gắn với an toàn sinh học và phòng trừ dịch bệnh hiệu quả; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lai tạo, lựa chọn con giống có chất lượng cao, đáp ứng đủ nhu cầu con giống để đẩy nhanh tốc độ tăng đàn lợn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành chăn nuôi… Đồng thời, tham mưu, đề xuất bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. 

Không chỉ lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Yên Bái còn triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ; thu, chi ngân sách, thu hút đầu tư… để thực hiện tốt mục tiêu phát triển theo nội dung kịch bản đã điều chỉnh. 



Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại huyện Lục Yên. 

Chủ tịch UBND huyện Yên Bình Nguyễn Văn Trọng nêu ý kiến: việc điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 để ứng phó với dịch COVID - 19 là rất quan trọng để hoàn thành các chỉ tiêu theo Chương trình hành động 190 của Tỉnh ủy với yêu cầu ở mức cao hơn, quyết liệt hơn và về đích sớm hơn, nên không điều chỉnh các chỉ tiêu mà chủ yếu điều chỉnh các giải pháp và yêu cầu cấp bách đặt ra là cần xây dựng các giải pháp rõ ràng, cụ thể, toàn diện, phù hợp với dự báo và thích ứng tốt với tình hình thực tế trong thời gian tới. 

Qua đó, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình đề nghị tỉnh tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, đào tạo lại lao động; tăng khai thác nguồn nguyên liệu nông, lâm sản phục vụ cho công nghiệp chế biến, đảm bảo đủ điện và nhiên liệu cho sản xuất. 

Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp doanh nghiệp sớm khôi phục và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông thị trường, sớm đưa các doanh nghiệp đã đủ điều kiện vào hoạt động ngay sau khi hết dịch nhằm phát sinh nhanh các khoản thu ngân sách... 

Bí thư Huyện ủy Văn Chấn Chu Đình Ngữ kiến nghị: tỉnh tập trung nguồn lực cho sản xuất nông nghiệp, tăng các nguồn vốn bố trí hỗ trợ cho các sản phẩm chủ lực trong chăn nuôi và trồng trọt và chủ động điều chỉnh tăng số lượng và quy mô các mô hình phát triển kinh tế mà huyện có lợi thế. Đồng thời, điều chỉnh các chỉ tiêu trong từng quý của năm 2020 cho phù hợp với tình hình phát triển chung. 

"Cú hích” thúc đẩy tăng trưởng

Tại Kỳ họp thứ 16 (chuyên đề) được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 14/4, HĐND tỉnh đã thông qua 10 nghị quyết quan trọng; trong đó, có các nghị quyết mang ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc nhằm kích cầu và kịp thời giúp các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh ứng phó với dịch bệnh. 

Trên cơ sở các nghị quyết HĐND tỉnh đã ban hành, UBND tỉnh khẩn trương cụ thể hóa, triển khai thực hiện, đặc biệt là đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết ban hành một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về thực hiện dự toán ngân sách địa phương năm 2020 và Nghị quyết về một chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp năm 2020 ứng phó với dịch COVID -19 và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. 

Để các nghị quyết này sớm được triển khai thực hiện, "kích cầu” nền kinh tế phát triển, ứng phó kịp thời với dịch COVID - 19, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu các ngành, địa phương, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu hệ thống chính trị các cấp phải nhanh chóng chuyển đổi trạng thái, thay đổi tư duy, phương pháp, cách thức làm việc theo hướng công nghiệp, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, nhanh nhạy, hiệu quả; bảo đảm mọi hoạt động liên thông, đồng bộ, nhất quán; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, chung sức, quyết tâm vì mục tiêu lớn nhất là ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn và thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể theo kịch bản đề ra để phấn đấu cơ bản hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự, bảo đảm đời sống nhân dân và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp. 

UBND tỉnh sớm thành lập, kiện toàn các tổ công tác đủ chức trách, thẩm quyền kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án trên địa bàn, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ nhân dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID -19 theo các nghị quyết của Chính phủ và HĐND tỉnh; không được để chậm trễ, sai đối tượng, nhất là kiên quyết không để xảy ra tiêu cực, bớt xén, gây khó khăn, nhũng nhiễu trong thực hiện chính sách, bảo đảm cuộc sống cho nhân dân, giúp các thành phần kinh tế tồn tại, vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất và việc làm cho người lao động, nâng cao khả năng chống chịu trong thời gian có dịch và sớm trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh sau khi dịch bệnh được khống chế, dập tắt.

Các giải pháp tháo gỡ khó khăn, các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và của tỉnh sẽ giúp nền kinh tế, các doanh nghiệp và cả người dân vượt qua cơn "bão dịch”. 

Từ các nguồn vốn "kích cầu” này, sẽ là những điều quan trọng để các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh duy trì được nguồn năng lượng để có thể bật dậy, vươn lên mạnh mẽ sau khi dịch bệnh kết thúc. 

Trên cơ sở đó, Yên Bái sẽ nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ theo Chương trình hành động 190 và Kế hoạch 170 của Tỉnh ủy, góp phần hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.

Mạnh Cường

Tags Yên Bái quyết tâm thực hiện nhiệm vụ kép ngành nông nghiệp Phạm Thị Thanh Trà Bí thư Tỉnh ủy

Các tin khác
Lãnh đạo UBMTTQVN tỉnh Yên Bái và Thị ủy Nghĩa Lộ chụp ảnh với các đại biểu về dự Đại hội.

Ngày 19/4, với hơn 150 đại biểu chính thức tham dự, Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) thị xã Nghĩa Lộ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 đã được tổ chức thành công tốt đẹp.

Chiều nay – 19/4, thành phố Yên Bái và huyện Trạm Tấu đã tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình hợp tác, kết nghĩa năm 2023, triển khai chương trình năm 2024.

Bộ Chính trị đề nghị Trung ương khai trừ Đảng ông Lê Viết Chữ

Bộ Chính trị khai trừ đảng nhiều cán bộ ở Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc và báo cáo, đề nghị Trung ương Đảng thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Viết Chữ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

Căn cứ vào các vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật khiển trách với ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), nhiều cán bộ khác của Bộ này cũng bị kỷ luật.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục