Những năm qua, Phong trào thi đua "Dân vận khéo” luôn được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân huyện Trạm Tấu đặc biệt quan tâm. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Toàn huyện hiện có 142 mô hình "Dân vận khéo”, thuộc nhiều lĩnh vực (54 mô hình kinh tế, 45 mô hình văn hóa - xã hội, 43 mô hình quốc phòng - an ninh).
Các mô hình được triển khai đều được đánh giá là phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của người dân. Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, các mô hình đã tạo động lực để người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giảm nghèo bền vững.
Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng như: mô hình tổ chăn nuôi trâu, bò, ở thôn Háng Chí Mua, xã Bản Mù; chăn nuôi lợn, ở thôn Khấu Chu, xã Bản Công; nuôi dê, ở thôn Tàng Ghênh, xã Pá Lau; nghề mộc, ở thôn Lừu 2, xã Hát Lừu; thu mua nông sản tổng hợp, ở thôn Suối Giao, xã Xà Hồ…
Các mô hình hoạt động luôn nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể tổ chức hướng dẫn và nhân rộng, đem lại hiệu quả, thu nhập cao.
Ông Giàng A Lử - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy cho biết: 10 năm thực hiện Phong trào "Dân vận khéo” đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đa số người dân trong huyện. Bà con đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và làm giàu chính đáng.
Đặc biệt là mô hình chuyển đổi đất trồng lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô 2 vụ/năm của các xã Trạm Tấu, Pá Hu, Bản Công… Trước đây, cây lúa chỉ sản xuất được 1 vụ/năm, trừ chi phí, thu nhập đạt 8 triệu đồng/ha, nay vẫn diện tích đó, chuyển đổi sang trồng ngô được 2 vụ/năm, trừ chi phí thu về 52 triệu đồng/năm, góp phần cải thiện đời sống, thu nhập của người dân.
"Sự lan tỏa của các mô hình còn giúp cho người dân có việc làm, tăng thu nhập, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, góp phần tích cực cho công tác xóa đói, giảm nghèo…” - ông Lử nói.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, các mô hình "Dân vận khéo” cũng được triển khai thường xuyên và đem lại nhiều hiệu quả thiết thực như các mô hình của Hội Phụ nữ nhất là mô hình "5 không, 3 sạch”; hay Hội Cựu chiến binh, phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, vận động người thân không mắc tệ nạn xã hội; Đoàn Thanh niên với các công trình "Thắp sáng đường quê”, tuyến đường hoa cúc quỳ, tại các xã Hát Lừu, Bản Công, Xà Hồ…
Từ Phong trào "Dân vận khéo”, các xã còn ký cam kết với người dân tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, sử dụng nước hợp vệ sinh, đào hố xử lý rác thải, xây dựng công trình vệ sinh…
Vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới gắn với thực hiện các quy ước, hương ước trong việc cưới, tang và lễ hội, đã làm thay đổi các phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Phong trào "Dân vận khéo” lan tỏa trên địa bàn huyện Trạm Tấu những năm qua đã góp phần tích cực cho việc cổ vũ, động viên nhân dân thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình năng động, sáng tạo trong công tác dân vận gắn liền với đời sống, sản xuất của nhân dân.
Thời gian tới, huyện tiếp tục đa dạng hóa mô hình "Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực, gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương những năm tiếp theo.
Thái Hưng