Quốc hội đổi tên nước - đánh dấu bước phát triển đi lên của đất nước
- Cập nhật: Thứ năm, 2/7/2020 | 8:03:19 AM
YênBái - Tại Kỳ họp thứ Nhất diễn ra từ ngày 24/6 đến 3/7/1976, tại Hà Nội, Quốc hội khóa VI thông qua Nghị quyết về đổi tên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam.Thời kỳ đó, 3 tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lào Cai cũng vừa hợp nhất thành tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội thống nhất (ngày 24/6/1976).
|
Sau chiến thắng 30/4 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, trong điều kiện đất nước thống nhất, sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại là tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước - Quốc hội khoá VI. Cuộc bầu cử được tổ chức ngày 25/4/1976; cử tri bỏ phiếu là hơn 23 triệu người; số đại biểu được bầu là 492 người.
Thời kỳ đó, 3 tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lào Cai vừa hợp nhất. Đoàn đại biểu Quốc hội khóa VI tỉnh Hoàng Liên Sơn có 4 đại biểu. Ngay trong Kỳ họp thứ Nhất đã quyết định những vấn đề quan trọng hàng đầu trong thời kỳ phát triển mới của dân tộc; quyết định về đường lối, chính sách của Nhà nước Việt Nam thống nhất.
Cụ thể, tại Kỳ họp, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tên nước, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca và tổ chức Nhà nước khi chưa có hiến pháp mới. Quốc hội quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành nước CHXHCN Việt Nam từ ngày 2/7/1976; Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài "Tiến quân ca”, Quốc huy nước CHXHCN Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ CHXHCN Việt Nam; Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam thống nhất; quyết định chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh.
Sự ra đời của nước CHXHCN Việt Nam mở đầu cho bước phát triển mới trong quá trình đi lên của đất nước. Các đại biểu Quốc hội của tỉnh đã tích cực tham gia các hoạt động, thể hiện tinh thần trách nhiệm với cử tri và nhân dân. Quốc hội khóa VI có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng hệ thống chính quyền mới ở miền Nam, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất bảo vệ chính quyền trong điều kiện hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn quốc. Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa VI thông qua Hiến pháp năm 1980.
Trong nhiệm kỳ 1976 - 1981, Quốc hội khóa VI đã thông qua Hiến pháp 1980, thông qua 6 luật và pháp lệnh, phê chuẩn mười hai hiệp định, hiệp ước và công ước quốc tế. Với tên gọi CHXHCN Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào: nguyên tắc quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, thực hành dân chủ, phát huy sức sáng tạo của nhân dân, được quán triệt trong nhiệm vụ xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Quốc hội có những bước đổi mới quan trọng từ khâu bầu cử đại biểu đến hoàn thiện cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động, làm tốt hơn chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tăng cường và lắng nghe ý kiến cử tri. Hệ thống chính trị được củng cố, phân định rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn, đảm nhiệm ngày càng toàn diện hơn việc lãnh đạo, quản lý sự phát triển đất nước. Với những thành quả đất nước ta đạt được, nhất là hình ảnh của một Việt Nam trong đại dịch Covid - 19, vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao; quan hệ đối ngoại phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước; đối tác toàn diện với 10 nước.
Chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vừa là cơ sở để Việt Nam có thể chủ động, tích cực tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương khu vực và quốc tế.
Các đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái tiếp xúc cử tri tại xã Y Can, huyện Trấn Yên.
Phát huy truyền thống, những thành tựu quan trọng mà các nhiệm kỳ Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam đạt được; đồng thời, ý thức trách nhiệm lớn lao, các đại biểu Quốc hội các khóa của tỉnh Yên Bái đã chủ động nghiên cứu, học tập các lĩnh vực của đời sống xã hội, gần gũi gắn bó với nhân dân để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu.
Tham gia đầy đủ các phiên làm việc và các hoạt động tại kỳ họp, thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội và tâm tư nguyện vọng của cử tri và nhân dân Yên Bái được các đại biểu mang đến nghị trường Quốc hội cùng thảo luận, quyết định những chính sách, tạo động lực để Yên Bái phát huy nội lực sớm hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh Yên Bái.
Cùng với các địa phương cả nước, Yên Bái đã vươn lên và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định vai trò, vị thế là trung tâm liên kết phát triển vùng; trở thành điểm sáng của cả khu vực Tây Bắc trong thực hiện xây dựng nông thôn mới (XDNTM), giảm nghèo bền vững. Toàn tỉnh đã có 76 xã đạt chuẩn NTM, chiếm trên 50% số xã toàn tỉnh, gấp 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh, huyện Trấn Yên đạt chuẩn quốc gia huyện NTM đầu tiên của khu vực Tây Bắc.
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hiệu quả, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thay đổi lớn, làm cho diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, tươi đẹp. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; xây dựng và phát huy hiệu quả giá trị bản sắc văn hóa và con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập"; các chính sách đảm bảo an sinh xã hội và tạo tiền đề cho sự phát triển đã mang lại niềm tin, khát vọng vươn lên của mỗi người dân và tỉnh Yên Bái trong tương lai.
Minh Quang
Các tin khác
Ngày 1/7, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tổ chức xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.
Chiều 30/6, đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông do đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Yên Bái về lĩnh vực thông tin - truyền thông và chuyên đề chuyển đổi số.
Ngày 28/6, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã ký ban hành Kết luận số 583 KL/TU về kết quả khảo sát và đề xuất phương pháp tính chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn tỉnh. Sau đây là nội dung chi tiết:
Sáng nay - 30/6, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh (11/4/1900 -11/4/2020), 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (30/6/1945-30/6/2020) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã phát biểu chúc mừng tại Lễ kỷ niệm. Báo Yên Bái điện tử trân trọng giới thiệu đến bạn đọc toàn văn bài phát biểu!