Thông điệp của Thủ tướng nhân kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN

  • Cập nhật: Thứ bảy, 8/8/2020 | 7:54:21 PM

Từ một tổ chức gồm 5 nước thành viên, ASEAN đã phát triển thành một Cộng đồng gồm 10 quốc gia ở Đông Nam Á với 650 triệu dân, có quy mô kinh tế 2019 lớn thứ 5 thế giới với tổng GDP trên 3000 tỷ USD.

Lễ Thượng cờ kỷ niệm 53 năm Ngày thành lập ASEAN.
Lễ Thượng cờ kỷ niệm 53 năm Ngày thành lập ASEAN.

Nhân dịp kỷ niệm 53 năm Ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (8/8/1967-8/8/2020) và kỷ niệm 25 năm Ngày Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995-28/7/2020), Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu toàn văn thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Thưa Quý vị và các bạn,

1. Hôm nay, là một ngày mang ý nghĩa trọng đại của khu vực, chúng ta cùng nhau kỷ niệm ngày ra đời của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 8/8/1967.

Qua 53 năm trưởng thành và phát triển, đúng với sứ mệnh lịch sử được nêu trong Tuyên bố Bangkok 1967, ASEAN đã thực sự trở thành tổ chức đại diện cho các quốc gia khu vực, gắn kết trong tình láng giềng hữu nghị và hợp tác, tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, nỗ lực phấn đấu cho hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng của người dân.

Từ một tổ chức gồm 5 nước thành viên, ASEAN đã phát triển thành một Cộng đồng gồm 10 quốc gia ở Đông Nam Á với 650 triệu dân, có quy mô kinh tế 2019 lớn thứ 5 thế giới với tổng GDP trên 3000 tỷ USD.

Vượt ra ngoài phạm vi Đông Nam Á, ASEAN đã mở rộng quan hệ với nhiều Đối tác trong và ngoài khu vực, bao gồm cả các cường quốc hàng đầu thế giới, là động lực của các tiến trình hợp tác, đối thoại vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển của châu Á- Thái Bình Dương và trên thế giới. 

Đó là thành quả quý giá được xây đắp bởi nhiều thế hệ mà chúng ta phải trân trọng và có trách nhiệm gìn giữ, phát huy. Chúng ta có hoàn thành sứ mệnh đó được hay không? ASEAN có tiếp tục duy trì giá trị và sức sống vững bền, đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của người dân hay không? Điều này đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng, ý chí chính trị và quyết tâm mạnh mẽ của tất cả các quốc gia thành viên.

Các nguyên tắc cơ bản của ASEAN, các chuẩn mực được thừa nhận ở khu vực và trên hết là luật pháp quốc tế, tinh thần của hợp tác đa phương và liên kết khu vực và vai trò trung tâm của ASEAN cần tiếp tục được đề cao. Giá trị của ASEAN như một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất, một không gian di chuyển và làm việc rộng mở, một cộng đồng quan tâm, đùm bọc và chia sẻ lẫn nhau cần được phổ biến và lan tỏa rộng rãi để các tầng lớp người dân, các doanh nghiệp đều có thể thụ hưởng và tham gia đóng góp vào tiến trình phát triển của ASEAN.

2. Cách đây vừa tròn 25 năm, Việt Nam đã gia nhập ASEAN. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam tung bay cùng quốc kỳ các quốc gia thành viên ASEAN trên bầu trời Brunei ngày 28/7/1995 sẽ mãi được ghi nhớ như một bước chuyển quan trọng với cả Việt Nam và ASEAN.

Một hành trình mới được mở ra, đưa Việt Nam bước vào tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế sâu rộng. Có thể nói các thành tựu phát triển của Việt Nam trong suốt 25 năm qua có dấu ấn quan trọng của việc tham gia ASEAN. Đồng thời, sự tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam cũng góp phần quan trọng vào sự phát triển và lớn mạnh của Cộng đồng ASEAN.

Với tinh thần "Gắn kết và Chủ động thích ứng,” là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam dành ưu tiên cao đẩy mạnh đoàn kết, thống nhất, phối hợp hành động hiệu quả trong ASEAN cũng như tăng cường quan hệ với các Đối tác để nâng cao năng lực tự cường và khả năng ứng phó hữu hiệu của ASEAN trước các thách thức chưa từng có; đó là dịch bệnh COVID-19 và những chuyển động, cạnh tranh mạnh mẽ, sâu sắc của môi trường địa chiến lược toàn cầu và khu vực, trong đó phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, bao gồm cả UNCLOS 1982.

Vượt lên những khó khăn, thử thách hiện tại, cùng các quốc gia thành viên ASEAN, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy thực hiện thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, định hướng phát triển của Cộng đồng ASEAN sau 2025, nâng cao vị thế và phát huy vai trò của ASEAN đóng góp cho hòa bình, an ninh và phát triển bền vững của khu vực và thế giới. 

Thưa Quý vị và các bạn,

ASEAN luôn là một trong những trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, thịnh vượng và tự cường, có vai trò, vị thế quốc tế cao là lợi ích chung của chúng ta. Điều này chỉ có thể thành công nếu tất cả chúng ta cùng tư duy vì cộng đồng và hành động vì cộng đồng.

Việt Nam đã và sẽ nỗ lực hết mình cùng các nước thành viên ASEAN đóng góp thực hiện thành công mục tiêu cao cả này. 

Xin trân trọng cám ơn.

(Theo Vietnam+)

Các tin khác
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm hỏi công nhân phân xưởng đóng mới nhà máy xe lửa Gia Lâm, ngày 27/8/2000.

Là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn có tác phong gần gũi quần chúng, sâu sát cơ sở, tôn trọng và lắng nghe cấp dưới, phát huy trí tuệ tập thể trong hoạt động lãnh đạo, tận tình giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm cho lớp người đi sau.

Chiều 7/8, đồng chí Đỗ Đức Duy – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp thành viên tháng 8 năm 2020 nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm, triển khai phương hướng, nhiệm vụ tháng 8/2020.

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu

'Một Đảng cầm quyền thì trước tiên phải sửa mình - tôi ấn tượng về điều này khi thấy nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu quyết liệt cho việc đặt nền móng để khởi động lại việc chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ mới'.

Sáng 7-8-2020 tại trụ sở Bộ Ngoại giao, nhân kỷ niệm 53 năm ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì lễ thượng cờ ASEAN 2020. Đại sứ các nước ASEAN, lãnh đạo các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan đã cùng dự hoạt động này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục