Đây là một sự mất mát vô cùng lớn của Đảng bộ và nhân dân xã Đông Khê, huyện Đông Sơn (quê nhà của nguyên Tổng bí thư) nói riêng, cũng như của tỉnh Thanh Hóa và cả nước nói chung. Lễ quốc tang sẽ được diễn ra từ 8h ngày 14/8/2020 đến 12h ngày 15/8/2020.
Đồng chí Lê Khả Phiêu sinh ngày 27/12/1931 tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1947, 15 tuổi đã tham gia phong trào Việt Minh, 18 tuổi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi cầm súng lên đường đi chiến đấu. Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí được Đảng, nhà nước tặng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Với Thanh Hóa, quê hương, đồng chí Lê Khả Phiêu gần gũi, chân tình, gần như không có khoảng cách với nhân dân. Không đâu xa, trong những lần về công tác, đến thăm Nhà máy Mía đường Lam Sơn, bác trực tiếp xắn quần lội ruộng, trò chuyện với người dân về hiệu quả, năng suất, giá bán... Đến Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn lúc gặp khó khăn, Tổng bí thư bảo muốn nghe trực tiếp công nhân, cán bộ nhà máy nói... rồi bác cho lời khuyên, cho chỉ đạo...
Sự ra đi của đồng chí đã để lại niềm tiếc thương vô vàn cho nhân dân cả nước, đặc biệt là đối với người dân tại xã Đông Khê, Đông Sơn, Thanh Hóa - nơi chôn nhau cắt rốn của nguyên Tổng bí thư.
Là một trong những người nhiều lần gặp gỡ, làm việc với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nhà giáo Trần Văn Thịnh - Chủ tịch Liên chi hội khoa học lịch sử lực lượng vũ trang Thanh Hóa khi hay tin nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mất lòng không khỏi bùi ngùi. Ông còn nhớ, lần gặp đầu vào năm 1997 khi tác giả viết bài về quê hương và tiểu sử Tổng bí thư, sau đó được đích danh bác Lê Khả Phiêu duyệt và khen ngợi. Cái "duyên” với nguyên Tổng Bí thư của nhà giáo cũng bắt đầu từ đó.
Nhà giáo Trần Văn Thịnh khẳng khái: "Tổng Bí thư là người kiên định, nhiệt huyết, tâm tình, gần gũi, quần chúng và mang đậm hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ. Kể từ khi tham gia cách mạng, là người chiến sỹ cầm súng cho tới khi trở thành một vị tướng, một Tổng Bí thư, bác đã cống hiến to lớn vào công cuộc xây dựng, lãnh đạo quân đội, xây dựng, lãnh đạo đất nước. Trong quân đội, bác Phiêu là một vị tướng kiên định với lập trường, quan điểm việc bảo vệ và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong quân đội. Khi giữ chức vụ cao nhất trong Đảng, bác dồn sức quan tâm đến các vấn đề xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết đấu tranh với quan liêu, tham nhũng.. Trong cuộc sống, bác là người thẳng thắn, trung thực, khiêm nhường, sâu sát thực tế, cơ sở, quần chúng, nói đi đôi với làm".
Ông Nguyễn Văn Lư - Chủ tịch UBND xã Đông Khê cho biết: "Từ khi nhận được tin tức về sự ra đi của bác Phiêu, mọi người trong xã vô cùng đau buồn và thương tiếc, ai ai cũng xót xa, hẫng hụt. Một người con ưu tú của quê hương đã mãi mãi ra đi”.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu viết đề tựa một cuốn sách của nhà giáo Trần Văn Thịnh tại tư gia (ảnh nhà giáo Trần Văn Thịnh cung cấp).
Đến tư gia của bác Phiêu ở thời đểm này mọi người sẽ được nghe những câu chuyện rất đỗi chân thật và giản dị về cuộc đời và sự nghiệp của bác, từ những con người cùng nơi chôn nhau cắt rốn, cùng lớn lên và luôn dõi theo những bước đường của bác.
Bà Lê Thị Cúc cùng làng Thạch Khê Tượng nghẹn ngào: "Lâu nay, chúng tôi vẫn thường xuyên mong ngóng tin bác. Nếu bác khỏe thì năm nào bác cũng về quê, thăm người dân trong làng, xã vài ba bận. Nay nghe tin bác mất, chúng tôi không khỏi bàng hoàng, hẫng hụt”.
Chị Nguyễn Thị Duyên - Bí thư Đoàn xã Đông Khê thì bùi ngùi: "2 lần vinh dự được gặp bác Lê Khả Phiêu, lần nào bác cũng căn dặn các cháu phải chăm ngoan, cố gắng phát huy và gìn giữ truyền thống của Đảng bộ xã. Giờ nghe tin bác mất, đoàn viên ai cũng không cầm được nước mắt đến tư gia dọn dẹp, mong ngóng".
Còn đối với ông Nguyễn Quang Lân (SN 1930) người bạn thuở nối khố còn hiếm ở làng Thạch Khê Tượng thì những kí ức về nguyên Tổng bí thư chưa lúc nào lu mờ. Lớn lên cùng nhau, cùng hoạt động cách mạng, nhập ngũ cùng nhau. Giờ đây, ông lại phải đón nhận sự mất mát đau buồn từ người bạn này.
Ông Lân kể: "Những năm tháng chiến đấu, chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Cho đến năm 1953, khi ta thành lập 1 tiểu đoàn sang Lào đi giải phóng đồn Chiền Chia để chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên, anh Phiêu ở Trung đoàn 9, thuộc thị xã Sầm Nưa còn tôi Trung đoàn 120 đóng ở Sầm Tớ cũng có duyên gặp 1 lần. Anh ấy là người tài, trực tiếp cầm súng và được tôi luyện thực tiễn nên sớm được Đảng và Nhà nước giao phó cho nhiều trọng trách, cao nhất là Tổng bí thư. Anh ấy cũng được nhân dân suy tôn là nhà chính trị - quân sự xuất sắc, nhà hoạt động thực tiễn nhiệt huyết".
"Dẫu vậy, dù là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng nhưng anh ấy chân chất lắm, gần gũi lắm, không phải chỉ với tôi mà với tất cả người dân. Hôm rồi, cũng mới đận Tết Canh Tý, tôi có bảo con cháu lần giở danh bạ điện thoại gọi cho anh ấy. Khi đấy cháu Hồng (con gái đầu của bác Phiêu) cầm máy bảo bố cháu ốm. Nay nhận tin này mà lòng buồn thắt". Nói rồi ông Lân lại lủi thủi về nhà, ông bảo về lần giở những tấm hình, những kỷ vật với nguyên Tổng Bí thư lần nữa!
(Theo thanhhoaexpress.vn)