''Con đã không thực hiện được ý nguyện của bố là rải tro cốt xuống 3 dòng sông''

  • Cập nhật: Thứ bảy, 15/8/2020 | 3:37:40 PM

Nghẹn ngào trước linh cữu cha - nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, anh Lê Minh Diễn nói rằng do dịch bệnh nên không thể kéo dài thời gian tang lễ, ảnh hưởng đến mọi người.

Ông Lê Minh Diễn - con trai nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nói lời cảm ơn tại lễ tang
Ông Lê Minh Diễn - con trai nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nói lời cảm ơn tại lễ tang

Sau lời điếu văn được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đọc tại lễ truy điệu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, anh Lê Minh Diễn đã có phát biểu rất cảm động, trong đó cho biết di nguyện của nguyên Tổng bí thư được rải tro cốt xuống 3 dòng sông.

"Tiếp bước bố, anh em con lên đường nhập ngũ"

Thay mặt gia đình phát biểu cảm ơn tại lễ truy điệu, con trai của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã gửi lời cảm ơn tới Đảng, Nhà nước, nhân dân, bạn bè quốc tế đã quan tâm, chăm sóc nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từ khi ông lâm trọng bệnh cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, đã tổ chức chu đáo lễ quốc tang, đã chia buồn, viếng và tiễn đưa.

"Xin cảm ơn nhân dân đã tạm hoãn các hoạt động vui chơi, giải trí để thực hiện lễ quốc tang" - ông nói.

Trước linh cữu cha mình, anh Diễn nói "đôi lời tiễn biệt":

"Thưa bố kính yêu, con xin có mấy dòng tâm sự tuy rằng rất muộn khi bố đã ra đi mãi mãi, khi mà những lời tâm sự với bố đã trở nên muộn màng. Con sinh ra đã quen với sự vắng mặt của bố. Ký ức tuổi thơ của con chỉ là những đợt sơ tán trước những trận bom, những buổi tối mắt nhắm mắt mở lên nhà rồi lại xuống hầm. Chúng con đã quen với những trận mưa bão, nhà tốc mái, bung cửa, gió lùa vào mọi ngóc ngách trong căn nhà vách đất phải chống chọi với mưa bão, chỉ có mẹ và bốn bà cháu.

Những ý niệm của con về bố chỉ là chú bộ đội đang đi chiến trường chẳng biết bao giờ mới về. Chiến tranh kết thúc, bố chỉ về phép như bao người lính rồi lại lên đường với cuộc chiến ở biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế.

Tiếp bước bố, anh em con nhập ngũ, trở thành người lính. Con ra biên giới. Ở nhà chỉ có bà, mẹ và chị. Những năm chín mươi, bố, con và em mới được về Hà Nội, gia đình mới thực sự sum vầy, đoàn tụ. Nhưng vì là người lính, do điều kiện công tác nên con cũng chưa có lần nào được tâm sự dài với bố.

Vì là người lính nên con cũng hiểu sự khó khăn, gian khổ của bố và đồng đội. Khi đến thăm thành cổ Quảng Trị, nghe kể về cuộc chiến ở đây, con cũng cảm nhận được phần nào sự khốc liệt của chiến tranh. Mọi sự sống và cái chết giành giật từng ngày từng giờ. Đường 9 Nam Lào, Khe Sanh, chiến trường Trị - Thiên, nơi nào cũng in đậm dấu chân của bố.

Bố dặn phải "biết ơn triệu người ngã xuống"

Bố vẫn nói với chúng con rằng được như ngày hôm nay phải biết ơn hàng triệu người đã ngã xuống, hàng ngàn gia đình mất người thân, nhiều ngàn người đã không còn nguyên vẹn thân thể khi trở về, di chứng chiến tranh còn theo họ và gia đình họ đến tận bây giờ.

Bố dặn chúng con phải luôn gần gũi với dân, phải sống xứng đáng với những đóng góp và hi sinh của nhân dân, dù ở bất kỳ cương vị nào.

Khoảng thời gian được gần gũi tâm sự giữa bố với con diễn ra chưa đến một năm. Tuy nhiên, chừng ấy thời gian con cũng học tập được ở bố rất nhiều trong công việc và cuộc sống, lấy chữ tâm làm trọng. Thời gian tuy ngắn ngủi nhưng qua những việc bố đã làm, qua những câu chuyện kể, nhận xét của những người đã chiến đấu, công tác với bố, con càng tự hào về bố hơn.

Nay bố đã đi xa, tóc con cũng đã bạc màu, con xin hứa với bố sẽ luôn sống đúng với những lời răn dạy của bố và luôn dạy thế hệ sau này như bố đã dạy con.

Bố ra đi để lại sự trống vắng trong gia đình. Con xin lỗi bố, con đã không thực hiện được ý nguyện của bố là rải tro cốt xuống 3 dòng sông nơi gắn liền với nhiều kỷ niệm của cuộc đời bố. Do dịch bệnh, con không thể kéo dài thời gian tang lễ ảnh hưởng đến mọi người. Chắc là bố sẽ hiểu và thông cảm cho con.

Con mong bố thanh thản về với cõi vĩnh hằng. Nơi đó không còn chiến tranh. Nơi đó luôn ấm tình đồng đội. Bố ra đi để lại trong con dấu ấn của một thế hệ xả thân vì nước, vì dân, dấu ấn của một thời trọn vẹn hi sinh. Bố ra đi để lại nơi này dấu chân qua các cuộc chiến, dấu chân người lính".

(Theo TTO)

Các tin khác

Gần 14h, linh xa đưa nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu về tới nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Sau đây là những hình ảnh cuối cùng về Lễ an táng đồng chí nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu:

Đoàn đại biểu tỉnh Yên Bái do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà 
dẫn đầu kính viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Sáng 15/8, đoàn đại biểu tỉnh Yên Bái do đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đầu cùng các đồng chí Dương Văn Thống – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đỗ Đức Duy – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy… đã đến đặt vòng hoa, thắp hương tưởng nhớ và tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc điếu văn tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đọc Lời điếu tại Lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại Nhà Tang lễ Quốc gia.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi vòng hoa viếng đồng chí Lê Khả Phiêu.

Bắt đầu từ 8h hôm nay (15-8), tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội; Hội trường Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh và Hội trường 25B, đường Quang Trung, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Lễ tang nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tiếp tục được cử hành trọng thể.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục