Trong tổng thể các giải pháp, công tác rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ nữ để làm căn cứ đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong công tác quản lý, lãnh đạo được tỉnh rất chú trọng.
Tỉnh ủy đã quán triệt đầy đủ, triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ nữ, nhất là đối với Chỉ thị 37 của Ban Bí thư về "Một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới” và Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ trong thời kỳ CNH - HĐH.
Công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là nữ người dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong công tác cán bộ của tỉnh.
Các chính sách ưu tiên trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức là nữ được thực hiện có hiệu quả. Số lượng, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức là nữ ngày càng được nâng lên và được tham gia vào tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, xã hội; nhiều người được bố trí giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy các cơ quan của hệ thống chính trị ở địa phương.
Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ và cán bộ DTTS, Tỉnh ủy Yên Bái ban hành Đề án số 11, ngày 8/8/2018 về "Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.
Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện Đề án. Tỉnh đã tổ chức sơ tuyển, chọn được 150 cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS để đào tạo, tạo nguồn cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Qua đó, đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ DTTS của tỉnh đã có những bước trưởng thành và phát triển.
Đơn cử như chị Lò Thị Ánh Nguyệt - Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thị xã Nghĩa Lộ. Năm 2019, khi được tuyển chọn tham gia Đề án 11 diện cán bộ DTTS, chị đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Nghĩa Lộ. Vận dụng những kiến thức, kỹ năng được bồi dưỡng trong quá trình tham gia Đề án vào thực tế công tác, chị Nguyệt đã phát huy được năng lực quản lý lãnh đạo, xây dựng, phát triển tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Từ nỗ lực của bản thân và sự quan tâm trong công tác tổ chức cán bộ của Thị ủy đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ DTTS, cán bộ thuộc diện Đề án 11, tại Đại hội Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, chị đã tái cử Ban Chấp hành và được bầu vào Ban Thường vụ Thị ủy, rồi được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thị xã.
Chị Nguyệt chia sẻ: "Được Tỉnh ủy, Thị ủy Nghĩa Lộ quan tâm để tôi được tham gia Đề án 11 đã giúp tôi trau dồi thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu, từ đó tạo động lực cho tôi phấn đấu, rèn luyện và sẵn sàng nhận nhiệm vụ cũng như đáp ứng tốt các yêu cầu vị trí công tác mới”.
Trong công tác xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện công tác quy hoạch cán bộ nữ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã hướng dẫn cơ quan, đơn vị và các địa phương nâng tỷ lệ cán bộ nữ vào quy hoạch; xác định tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội hàng năm nhằm thực hiện công tác tạo nguồn và quy hoạch dài hạn cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ với các chỉ tiêu cụ thể và giải pháp thực hiện.
Tỉnh cũng đặc biệt chú trọng công tác cán bộ nữ tham gia cấp ủy, ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về độ tuổi đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm nữ giới vào các vị trí cán bộ chủ chốt của sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện, xã, nhất là các ngành đặc thù như giáo dục, y tế.
Đồng thời, thực hiện quy trình rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đối với cán bộ thuộc diện đề án giai đoạn 2020 - 2025, trong đó quy hoạch ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh 12 cán bộ nữ, quy hoạch cấp ủy viên cấp huyện và tương đương trở lên 10 cán bộ nữ.
Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là nữ, người DTTS để tạo nguồn cán bộ của tỉnh được coi trọng, triển khai thực hiện có chất lượng và hiệu quả; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là nữ DTTS trong tất cả các cơ quan, đơn vị đều tăng dần.
Qua đó, cán bộ nữ các cơ quan, đơn vị, địa phương được quan tâm, tạo điều kiện tham gia vào nhiều vị trị lãnh đạo, quản lý. Tại thị xã Nghĩa Lộ, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ có tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cơ sở đạt từ 15% trở lên; tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã là 9/32 đồng chí, đạt hơn 28%; tham gia Ban Thường vụ Thị ủy là 4/13 đồng chí, đạt 30,7%; Bí thư Thị ủy Nghĩa Lộ là cán bộ nữ, người DTTS.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ thị xã tiếp tục quan tâm chỉ đạo đảm bảo cơ cấu cấp ủy viên là nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong Ban Thường vụ Thị ủy. Kết quả sau đại hội đảng bộ các cấp thị xã nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ thị xã có 90 nữ trong tổng số 299 đồng chí tham gia cấp ủy cơ sở, đạt tỷ lệ 30,1%; 10 nữ trong tổng số 36 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã; 4 nữ trong tổng số 11 đồng chí tham gia Ban Thường vụ Thị ủy, đạt trên 36%, đều tăng so với nhiệm kỳ trước. Bí thư Thị ủy là cán bộ nữ tái đắc cử.
Cùng đó, tỉnh cũng quan tâm triển khai các hoạt động hỗ trợ việc nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt đối với nữ lãnh đạo trẻ, nữ lãnh đạo là người DTTS. Điển hình là việc hàng năm Tỉnh ủy ban hành kế hoạch cụ thể đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ DTTS trong Đề án 11, đã cử cán bộ đi đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị, mở 2 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý; cử cán bộ trẻ, cán bộ nữ đi bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý tại Trường Đảng Tỉnh ủy Vân Nam, Trung Quốc; tổ chức 5 khóa tập huấn về kỹ năng quản trị doanh nghiệp tại Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng; bố trí, sắp xếp cán bộ thuộc Đề án tham dự các kỳ họp của HĐND tỉnh.
Có 100 nữ trong 150 cán bộ được tuyển chọn tham gia Đề án 11 của Tỉnh ủy. (Trong ảnh: Nữ cán bộ trao đổi, tiếp thu kiến thức tại các lớp bồi dưỡng theo Đề án 11).
Chị Đỗ Thu Hà - Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được tuyển chọn tham gia Đề án 11 diện cán bộ nữ chia sẻ: "Qua tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn theo Đề án 11, tôi tiếp thu được rất nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích, cũng từ đó mà xác định cho mình tinh thần tiếp tục học tập để nâng cao trình độ, luôn khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao”. Việc tổ chức thi, tuyển chọn, đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ DTTS theo Đề án 11 với 100 nữ/150 cán bộ được tuyển chọn, đào tạo cũng chính là minh chứng cho việc sáng tạo của tỉnh liên quan đến việc tăng tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý...
Những giải pháp đồng bộ cùng những nỗ lực trong triển khai thực hiện đã mang lại những kết quả khả quan trong thực hiện các chỉ tiêu của mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo. Hiện nay, ở cấp tỉnh, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng đạt 19,14%; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND đạt 37,28%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt 33,3%.
Theo đánh giá, việc thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 của tỉnh, các chỉ tiêu về tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng ước sau đại hội 3 cấp cuối năm 2020 đạt; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ước đạt sau bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ tới và tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cũng ước đạt sau bầu đại biểu HĐND 3 cấp.
Chỉ tiêu năm 2020, cấp tỉnh nữ chủ chốt có 2 đồng chí (Bí thư và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh); các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có tỷ lệ 30% nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trở lên đều có nữ lãnh đạo cũng đã đạt được. Chỉ có chỉ tiêu về nữ chủ chốt của UBND 3 cấp khó đạt vào cuối năm.
Những kết quả đạt được trong tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách về giới trong lĩnh vực chính trị đã góp phần quan trọng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới nói chung trên địa bàn tỉnh.
Thu Hạnh