Người đứng đầu có vị trí, vai trò rất quan trọng, đôi khi có ý nghĩa quyết định đến quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, cơ quan, trong đó có công tác phòng chống tham nhũng. Chỉ khi nào, ở đâu, người lãnh đạo gương mẫu đi đầu, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng thì ở đó tham nhũng ít xảy ra. Còn nơi nào người đứng đầu có biểu hiện buông lỏng, không muốn và không dám chống tham nhũng, nói không đi đôi với làm thì ở đó tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, phức tạp.
Ràng buộc trách nhiệm của người giới thiệu nhân sự
Phát biểu tại tọa đàm với chủ đề "Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong phòng, chống tham nhũng – Vấn đề lý luận và thực tiễn” vừa diễn ra mới đây, Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương cho rằng, khâu lựa chọn người đứng đầu là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của việc triển khai, nhiệm vụ của tổ chức, cơ quan.
Người đứng đầu gương mẫu, có năng lực, trình độ, trách nhiệm, đạo đức, lối sống tốt, nói không với tham ô, tham nhũng thì sẽ là tấm gương cho cấp dưới học tập, neo theo. Khi người đứng đầu có tất cả phẩm chất như vậy thì họ cũng đủ tự tin xử lý cán bộ dưới quyền nếu có vi phạm; ngược lại người đứng đầu không xứng đáng, không đủ năng lực, phẩm chất, có dấu hiệu tham nhũng thì cấp dưới sẽ không coi trọng.
"Khi cấp trên sắp xếp người đứng đầu có trình độ, có tài, có tâm thì cơ quan, đơn vị đó sẽ được ổn định. Ngược lại, sắp xếp người đứng đầu không xứng đáng, không đảm bảo các yêu cầu về năng lực, phẩm chất thì cơ quan sẽ không bao giờ ổn định, thậm chí xấu thêm. Cho nên khâu tuyển chọn người đứng đầu rất quan trọng” – ông Nguyễn Mạnh Khương cho biết.
Theo Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ, bên cạnh việc đổi mới công tác bầu cử, bổ nhiệm thì cần mở rộng đối tượng thi tuyển chức danh lãnh đạo. Đồng thời nghiên cứu bổ sung những trường hợp được bầu cử, được bổ nhiệm thì phải được người lãnh đạo có uy tín giới thiệu. Bổ sung trách nhiệm của người giới thiệu, giống như một kiểu "bảo hành” khi mua hàng hóa vậy. Nếu người được giới thiệu vi phạm pháp luật thì người giới thiệu cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.
"Bên cạnh quy định tuyển chọn người đứng đầu, cần phải có cơ chế đào thải. Bởi vì việc sa thải một công chức hiện nay rất khó khăn, dù đảm bảo đầy đủ trình tự thủ tục nhưng vẫn không thể đào thải được. Do đó cần nghiên cứu cơ chế phù hợp theo hướng cấp có thẩm quyền bổ nhiệm ai để tham mưu giúp việc cho người đó thì người thủ trưởng được trao nhiều quyền hơn để họ quyết định việc tuyển dụng, bổ nhiệm, sa thải, xử lý kỷ luật cán bộ nếu vi phạm” – ông Nguyễn Mạnh Khương nói và nhấn mạnh việc cần thiết tăng thẩm quyền cho người đứng đầu để họ có thể quyết định trong việc thực thi pháp luật, trong đó có vấn đề phòng chống tham nhũng.
Cùng chung quan điểm, GS. TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, muốn chọn được đúng người đứng đầu thì cần đổi mới khâu tuyển cử, bổ nhiệm cán bộ, làm khách quan, khoa học, chọn đúng người. Khi đã chọn đúng người thì phải trao quyền và tạo điều kiện để người đứng đầu thực hiện quyền của mình.
"Khi đã trao quyền thì cần tạo điều kiện để họ thực hiện quyền của mình. Phải bảo vệ họ thì họ mới dám thực hiện quyền của mình. Vì thực tế có khi chọn đúng người rồi nhưng không bảo vệ họ thì họ không dám làm” - ông Phú lưu ý.
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, khi giao quyền cần kiểm soát chặt chẽ quyền lực, không để lạm dụng, lợi dụng, tha hóa quyền lực và có chế tài đủ mạnh để sàng lọc, xử lý nghiêm minh. Khi chọn đúng người thì cần kiểm soát chặt chẽ để không bị tha hóa quyền lực.
Tước bỏ quyền lợi về vật chất nếu để xảy ra tham nhũng
Trong bài viết gửi tới buổi tọa đàm, TS Trần Thị Minh – Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) đề cập việc phải kiểm soát quyền lực của người đứng đầu trong chỉ đạo phát hiện, xử lý tham nhũng.
Theo bà, trong giai đoạn hiện nay, việc hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực không thể tách rời công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Trong đó, cần quan tâm xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Người đứng đầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để xảy ra tham nhũng tại tổ chức đảng, đơn vị quản lý; thực hiện nghiêm quy chế nêu gương, xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Bảo đảm nguyên tắc kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật; đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự, không để xử lý nội bộ.
"Nơi nào tự kiểm tra không phát hiện hoặc phát hiện nhưng xử lý vi phạm nương nhẹ thì cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý đúng mức, không "rút kinh nghiệm” chung chung. Nghiên cứu bổ sung những hình phạt như tước bỏ, thu hồi các quyền lợi về vật chất, chế độ hưu trí và các lợi ích khác tùy theo mức độ vi phạm” – TS Trần Thị Minh cho biết.
TS Trần Thị Minh cũng cho rằng, cần thực hiện tốt cơ chế kiểm soát quyền lực, nhất là kiểm soát quyền lực người đứng đầu ở những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tha hóa quyền lực, kịp thời điều động, luân chuyển người đứng đầu khi có thông tin tiêu cực, vi phạm. Bên cạnh đó, cần chú trọng thanh tra, giám sát nội bộ, thanh tra, kiểm soát định kỳ, đột xuất để sớm phát hiện vi phạm, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, ngăn ngừa hậu quả thiệt hại; thực hiện công khai, minh bạch tài sản, kiểm soát tài sản thông qua các công cụ của hệ thống tài chính và dữ liệu của cơ quan quản lý nhà nước...
(Theo VOV)