Trình bày tờ trình, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Nghị quyết quy định việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng HĐND ở 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trên cơ sở tách Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND cấp tỉnh thành Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh và Văn phòng UBND cấp tỉnh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 4-10-2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan tương đương cấp sở, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thường trực HĐND, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố; có chức năng tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND, Thường trực HĐND, các ban, các tổ đại biểu HĐND, các đại biểu HĐND cấp tỉnh.
Thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm, có thể ban hành thành hai nghị quyết: Nghị quyết thành lập các Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố và Nghị quyết quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố. Đồng thời, nghị quyết phải có điều khoản chuyển tiếp cho 12 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh, thành phố.
Nêu ý kiến về thẩm quyền thành lập cơ quan trên, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình nêu thực tế, từ trước đến nay gần như không giao cho Thường trực HĐND cấp tỉnh, thành phố thành lập các đơn vị, tổ chức, do đó thẩm quyền thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND nên thuộc về HĐND cấp tỉnh, thành phố.
"Về biên chế văn phòng này, tôi cho rằng có thể quy định khung chỉ tiêu, giao cho địa phương chủ động sắp xếp”, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói.
Về việc đưa từ "thành lập” vào tên gọi nghị quyết, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận định, đây là một đơn vị mới hoàn toàn, không được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương nên đưa từ "thành lập” vào tên gọi của nghị quyết là hợp lý. Bên cạnh đó, thẩm quyền lập văn phòng này phải thuộc về HĐND cấp tỉnh, thành phố. Đồng chí Tòng Thị Phóng cũng nhấn mạnh, quy định của Bộ Chính trị đã nêu rõ, các cơ quan, đơn vị chỉ có một cấp trưởng, hai cấp phó, trừ một số địa phương đặc thù về số lượng đại biểu Quốc hội.
"Tôi cho rằng chỉ nên ban hành một nghị quyết. Nội dung vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sẽ được quy định cụ thể trong nghị quyết này”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.
Ngoài ra, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về số lượng và biên chế cấp phòng của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thuộc HĐND cấp tỉnh, thành phố.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất nghị quyết có tên gọi là "Nghị quyết về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh”. Về thẩm quyền thành lập, đa số nhất trí giao cho HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đối với cơ cấu tổ chức, Văn phòng sẽ có cơ cấu "cứng” gồm ba phòng, đồng thời căn cứ trên tình hình địa phương có thể bổ sung một phòng. Biên chế văn phòng sẽ do địa phương quyết định trên cơ sở xác định vị trí, việc làm và không vượt quá số lượng hiện nay. Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua việc ban hành nghị quyết này.
* Cũng trong sáng nay, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết tán thành việc ban hành Nghị quyết quyết định việc thành lập thành phố Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp).
(Theo HNMO)